Thứ ba Ngày 23 Tháng 04 Năm 2024, 11:09:50

Kỷ niệm 50 năm “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không” (12/1972-12/2022):

Ngày đăng: 08/12/2022

Người chỉ huy bắn rơi hai “Pháo đài bay”

QK2 – Những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc, đặc biệt là cao điểm 12 ngày đêm cuối năm 1972, rất nhiều câu chuyện về người dân Hà Nội sơ tán để tránh thương vong; bộ đội Phòng không tìm cách tiêu diệt “Pháo đài bay” của địch… 50 năm sau sự kiện lịch sử “Điện Biên phủ trên không”, Đại úy Nguyễn Công Tuấn, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 5, Trung đoàn 256 (Lữ đoàn 297 ngày nay )- Một trong những nhân chứng đã kể lại câu chuyện khó quên trong đời. 

CCB Nguyễn Công Tuấn kể chuyện bắn máy bay B52 bằng Pháo 100mm với đồng đội.

Ông Nguyễn Công Tuấn, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 5, Trung đoàn 256 – Người đã phất cờ hiệu lệnh bắn máy bay, kể cho chúng tôi nghe về trận chiến không thể nào quên.

Sinh ra và lớn lên từ vùng quê lúa Thái Bình, vừa tròn mười tám tuổi ông bước vào quân ngũ với lòng căm thù giặc sâu sắc, với quyết tâm được ra trận để góp sức mình bảo vệ Tổ quốc và trải qua 14 năm thử thách trong cuộc chiến đấu bảo vệ bầu trời thành phố Nam Định, Hải Phòng, Bắc Giang và Hà Nội, trên các cương vị chiến sĩ, trung đội trưởng rồi đại đội trưởng. Tháng 9-1972, Trung đoàn 256, Quân khu Việt Bắc được lệnh cấp tốc nhận 18 khẩu pháo 100mm đã qua sử dụng nhiều năm về biên chế thành ba đại đội hỏa lực sẵn sàng đối phó với B52 của Mỹ. Quân chủng Phòng không – Không quân tăng cường một số cán bộ cùng với 200 tân binh huyện Chợ Đồn. Nguyễn Công Tuấn được cấp trên chọn là một trong ba đại đội trưởng pháo 100mm sẵn sàng đối phó với B52 bảo vệ bầu trời Thái Nguyên – Việt Bắc.

Trước khó khăn lớn nhất được đặt ra là “Làm thế nào để đánh thắng địch ?” là vấn đề quan tâm số 1, cấp trên đang rất cần các đại đội tìm ra giải pháp. Đại đội ông được giao nhiệm vụ tăng cường huấn luyện chiến sĩ mới để làm chủ vũ khí, trang bị chuẩn bị cho trận đánh. Không quản ngày đêm, ông đã mang tất cả những kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy nhiều năm của mình cùng với các cán bộ tổ chức huấn luyện động tác thực hành cho từng số trong khẩu đội và chuyển họ thành những pháo thủ giỏi. Cùng với các cán bộ như chính trị viên Nguyễn Văn Bình, đại đội phó Trần Công, Đại đội 5 đã hội tụ đủ yếu tố góp phần tạo nên sức mạnh của Trung đoàn 256 (Quân khu Việt Bắc) đơn vị được công nhận xóa mục tiêu B52 trong hai đêm 24 và 26-12.

Ông Tuấn nhớ lại: “Tháng 11/1972, khi cấp trên thông báo B52 sẽ đánh vào thành phố Thái Nguyên và khu Gang thép. Mặc dù thế giới khi đó chưa ở đâu hạ được “Pháo đài bay B52” bằng pháo 100mm, nhưng bằng sự khám phá, tìm tòi để thấy được những điểm yếu của B52, đó là hướng bay không thay đổi và tốc độ bay chậm. Nếu biết cách sẽ cắt được ngòi ba điểm nổ khác nhau ở những quả pháo 100mm mà đế quốc Mỹ vẫn chủ quan coi thường. Trên cương vị đại đội trưởng, ông động viên mọi người cùng luyện tập và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu”.

Đúng như dự đoán, từ 20 giờ ngày 24-12-1972 đến khoảng 0 giờ 05 phút ngày 25 tháng 12, Đại đội pháo do ông chỉ huy đã hạ gục một chiếc B52. Vẫn những khẩu pháo 100mm này, rạng sáng ngày 26-12 đại đội do ông trực tiếp chỉ huy tiếp tục hạ thêm chiếc máy bay thứ hai. Trong trận đọ sức quyết liệt, một quả bom địch đã rơi trúng trận địa làm 4 cán bộ, chiến sĩ bị thương. Hầm đại đội trưởng Tuấn bị sập và hai viên đạn đã xuyên vào trán và bắp đùi. Cấp trên đưa ông về tuyến sau chữa trị cho đến ngày kết thúc chiến dịch. Ông được giám định thương tật hạng 4/4 thời gian sau chuyển về trường hậu cần Quân khu Việt Bắc.

Căn cứ vào những tài liệu mật báo và những kinh nghiệm trong chiến đấu, ông Tuấn và đồng đội đã tìm ra cách đánh B52 khiến địch phải bất ngờ, đó là cách đánh bằng phần tử tính sẵn có sáng tạo. Ông cho biết: Pháo 100mm có tầm xa 21km và tầm cao 14km, trong khi đó B52 thường bay ở độ cao 8 đến 12km. Khi B52 còn cách trận địa 20km thì đại đội bắt đầu nã pháo theo cách bắn nhanh, bắn cấp tập, bắn dựng màn đạn, cắt ngòi ba điểm nổ khác nhau ở độ cao 8km, 10km và 12km. Ông Tuấn khẳng định thêm “với sáu khẩu pháo 100mm của đại đội đánh theo cách này thì chiếc B52 nào vào tầm ngắm cũng khó mà thoát được”.

Ngay sau trận đánh này, Trung đoàn và Đại đội do ông chỉ huy được thưởng Huân chương Quân công Hạng ba, Chủ tịch nước gửi tặng lẵng hoa. Riêng Đại đội trưởng Nguyễn Công Tuấn được cấp trên phong quân hàm từ chuẩn úy lên thiếu úy ngay tại trận địa. Năm 1987, ông vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất… Đó là phần thưởng cao quý, xứng đáng cho những hành động dũng cảm, sáng tạo đánh địch của ông. Tháng 6-1984, Đại úy Nguyễn Công Tuấn nghỉ hưu tại thành phố Thái Nguyên, trở về nhà ông cùng với vợ con phát triển kinh tế gia đình và nuôi các con trưởng thành. Ông vẫn giữ nguyên tác phong gương mẫu, nhiệt tình, nói đi đôi với làm, ông tín nhiệm được được bầu giữ các chức phó chủ tịch, chủ tịch chi hội cựu chiến binh. Bây giờ người thương binh hạng 4/4 đã bước sang tuổi 84, sức khỏe đã giảm sút nhiều nhưng khi kể về những chiến công “Điện Biên Phủ trên không”, trong ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết của một cán bộ cách mạng tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng thương yêu đồng đội.

Bài, ảnh: CAO XUÂN

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.