Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 05:13:41

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022): Làm theo tư tưởng tự phê bình và phê bình của Bác 

Ngày đăng: 19/05/2022

QK2 – Khi đề cập về tự phê bình và phê bình trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí, cũng như người có bệnh, nếu giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng”(1). Để phát huy vai trò, hiệu quả của tự phê bình và phê bình, Người đặt ra yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh và Đảng sẽ khoẻ mạnh vô cùng”(2).

Thủ trưởng Cục Chính trị Quân khu gặp gỡ đại biểu Anh hùng Lao động trong Lễ phát động thi đua kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ tại Bộ CHQS tỉnh Yên Bái.

Về khuyết điểm trong Đảng, Người cho rằng, trong đấu tranh cách mạng cũng như trong công tác hằng ngày, Đảng ta cũng như cán bộ, đảng viên của Đảng không tránh khỏi khuyết điểm, sai lầm. Vì vậy, Người cho rằng: “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có những khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm cách sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là người gương mẫu làm trước trong nhận khuyết điểm với thái độ cầu mong tiến bộ. Bác từng nói, nếu bản thân mình làm điều xấu thì đề nghị mọi người trông thấy phải nhắc nhở ngay, không được nể nang, không được ngần ngại. Người coi làm điều xấu như một “vết nhọ”. “Vết nhọ” nếu không được nhắc nhở để sửa chữa, lau rửa thì nó “nhọ” mãi. Người nêu luận điểm: “Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần mà không nói cho người ta sửa, tức là hại người”(3).

Còn nhớ, trong cuộc cải cách ruộng đất, Đảng và chính quyền nhiều nơi còn mắc sai lầm, khuyết điểm. Người đã tự phê bình và phê bình rất nghiêm túc trước Đảng, nêu nguyên nhân là quan liêu, không sát quần chúng, chỉ xem và tin vào người báo cáo. Người còn mạnh dạn thay mặt Đảng, Chính phủ tự phê bình, nhận lỗi trước Quốc hội và đồng bào về những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo cải cách ruộng đất.

Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí vai trò lãnh đạo chủ trì, một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau.

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng do Bộ Chính trị tổ chức cuối năm 2021, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình; công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Hệ thống chính trị ở nước ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh như mong muốn; …”.

Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ, sau 5 năm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng "đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, thực sự đi vào cuộc sống, có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ". Tuy nhiên, Trung ương cũng khẳng định, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và nhấn mạnh một số nội dung mới. Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực; bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới. Trong đó, nhấn mạnh sự nguy hiểm của biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.

Dịp này, các tổ chức Đảng trong Đảng bộ Quân khu 2 đã và đang tích cực triển khai đợt sinh hoạt chuyên đề “tự soi, tự sửa”; đồng thời triển khai cụ thể hóa Nghị  quyết 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới. Nghị quyết chỉ rõ 10 biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cá nhân trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến tự phê bình và phê bình, như: Biểu hiện 4: “Thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; sợ trách nhiệm, tranh công, đổ lỗi, giấu giếm, bao che và không trung thực về những khuyết điểm, sai phạm”. Biểu hiện 5: “Ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, “thấy đúng không bảo vệ”, “thấy sai không đấu tranh”; tinh thần tự phê bình và phê bình thấp, lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán  người khác với động cơ và mục đích không trong sáng, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức”…

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ Bác, mỗi cán bộ đảng viên, chiến sĩ thêm một lần học và làm theo Bác để đợt sinh hoạt chuyên đề “tự soi, tự sửa”, triển khai Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới thêm hiệu quả, ý nghĩa thiết thực.

 (1); (2); (3) Hồ Chí Minh toàn tập – NXB CTQG H. 1995 (Tập 5)

VIỆT KHÔI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.