Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 02:57:16

Kính trên để dưới được nhường…

Ngày đăng: 14/09/2018

QK2 – Cơ quan có hơn chục người, vài anh em tuổi chập chững vào nghề, có trình độ nên chẳng chóng thì chầy sẽ kế cận những “ông” chú, “ông” anh xấp xỉ tuổi nghỉ hưu. Ngoài quan hệ đồng nghiệp, có thời điểm, cơ quan còn ban hành hẳn một văn bản nghị quyết về ứng xử văn hóa, đạo đức. Vậy nên, nhìn tổng thể, cơ quan vẫn đoàn kết, thống nhất, có trên, có dưới.

Có một dạo, công việc cơ quan đang vào thời vụ, một số mắt xích quan trọng bận rối rít tít mù. Anh Thắng đáng tuổi chú, tuổi cha của nhiều người mới vào nghề, lại là một mắt xích quan trọng nên nhiều ngày, lúc đóng máy tính cũng là lúc mặt trời sắp lặn. Người mỏi nhừ, vươn vai đứng dậy mới nghe tiếng lách cách đang đến độ vui tai cùng tiếng cười giòn từ phía sân bóng bàn của mấy cậu trẻ ít việc, anh Thắng xách vợt ra sân, làm “Lênin trong hiệu cắt tóc”. Nhưng chờ mỏi chân, mấy chàng trẻ tuổi, đáng tuổi em, tuổi con của anh Thắng, ham bóng quá mà chẳng ai chịu nhường. Đến gần nửa tiếng sau, anh đành xách vợt về chay.

Chiều hôm sau, vẫn vậy. Anh Thắng chỉ dành được một chút thời gian định thể thao đỡ buồn chân tay, rồi lại vào việc mà chẳng ai chịu nhường, chưa kể tụi trẻ mà chẳng biết nhường người nhiều tuổi. Chẳng biết đấy có phải là biểu hiện “gần chùa gọi Bụt bằng anh” hay do lối suy nghĩ của người có tuổi, cổ hủ mà anh Thắng thấy không vui, đành tạm tuyên bố “mát”, gác vợt.

Bẵng đi một thời gian khá dài, hôm ấy anh Thắng có hẹn cuối ngày thực hiện một phiên giao dịch. Thời tiết cuối thu lành lạnh, anh Thắng chủ định xách vợt ra sân tạo chút mồ hôi trước khi tắm sớm, đúng lúc mấy cậu trẻ ham bóng bắt đầu vào độ. Ảnh ớ người hỏi: “Ô, giờ mới bắt đầu à. Có nhường cho chú một, hai sét trước được không. Lát chú có việc!?”. Mấy chàng trai có học cao chót vót, nhìn nhau ba giây, năm giây, rồi bảy giây… chưa ai chủ động sẵn sàng rời vợt, Thắng tự ái bỏ về.

Phiên giao dịch hôm ấy không thành công, có lẽ cũng bởi tâm lý anh Thắng không ổn. Anh ấm ức vì mấy cậu trẻ học cao mà cách ứng xử thiếu nhiều. Đành rằng ra sân thể thao là bình đẳng, nhưng cũng cần văn hóa “kính trên nhường dưới”. Dưới không kính trên thì trên khó nhường dưới, anh nghĩ đến phương án chủ động đề xuất để chỉ huy cơ quan hướng dẫn, quy định cụ thể văn hóa “kính trên – nhường dưới”, đơn giản là trong chơi thể thao.

Thiết nghĩ, văn hóa ứng xử là một nghệ thuật, hình thành một cách tự nhiên. Nếu quy định chi tiết quá thì gượng ép, nhưng không quy định cụ thể, không nhắc nhở phê bình thì e rằng những lợn cợn nho nhỏ, dần tích tụ trở nên nguy cơ mất đoàn kết trong tập thể. Chưa kể đến việc hình thành và phát triển, hoàn thiện nhân cách con người cũng có phần rất quan trọng của văn hóa ứng xử.

XÂY DỰNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.