Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 03:43:08

Kinh nghiệm huấn luyện chiến sĩ mới ở Sư đoàn 316: Bài 2: Nắm chắc, giải quyết kịp thời tư tưởng chiến sĩ mới

Ngày đăng: 14/07/2018

Với nhiều mô hình, cách làm cụ thể và bằng sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, việc nắm và giải quyết tư tưởng chiến sĩ mới đã được Sư đoàn 316 tiến hành hiệu quả, qua đó góp phần quan trọng vào kết quả huấn luyện chiến sĩ mới năm 2018…

Đăng ký chi tiết, nắm chắc hồ sơ chiến sĩ

Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Ngân, Phó chính ủy Sư đoàn 316, năm 2018, trong tổng số chiến sĩ mới nhập ngũ về sư đoàn có tới 60% là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu vùng xa, kinh tế còn nhiều khó khăn, phong tục tập quán đa dạng, trình độ văn hóa và khả năng nhận thức không đồng đều, gây khó khăn không nhỏ đến công tác nắm, quản lý và giải quyết tư tưởng chiến sĩ mới.

Một trong những biện pháp được các trung đoàn của Sư đoàn 316 triển khai là ưu tiên sắp xếp cán bộ quản lý là người cùng dân tộc với phần đa chiến sĩ mới trong một đơn vị. Nhờ sự tương đồng về phong tục, tập quán, đặc biệt là có chung ngôn ngữ, nên với cách bố trí như vậy, việc cán bộ nắm bắt tư tưởng chiến sĩ mới sẽ có nhiều thuận lợi.

Cán bộ sâu sát quan tâm đến hoàn cảnh của chiến sĩ ngay khi về đơn vị là biện pháp được Sư đoàn 316 triển khai hiệu quả.

Trung tá Phùng Ngọc Tuấn, Phó chính ủy Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316) chia sẻ cách làm của đơn vị: Ngay sau khi chiến sĩ về đơn vị, chúng tôi tiến hành nắm hồ sơ thông tin chiến sĩ. Tuy nhiên, để nắm sâu hơn, đòi hỏi cán bộ phải kết hợp “khai thác” các kênh thông tin khác, như qua bạn bè cùng đơn vị, hay thông qua liên hệ với gia đình, địa phương. Đặc biệt, cán bộ phải chú ý nắm bắt đặc điểm tâm lý, tình hình tư tưởng chiến sĩ thông qua sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, Trung úy Vàng A Hạnh, quyền Chính trị viên Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148 cho biết: Cùng với nhanh chóng ổn định tổ chức biên chế, chủ động nắm bắt hoàn cảnh của từng chiến sĩ, đơn vị tiến hành phân loại chiến sĩ mới theo nhóm, trong đó đặc biệt quan tâm, uốn nắn, động viên, giúp đỡ thường xuyên nhóm có biểu hiện cá biệt.

Ngoài ra, các đơn vị như Trung đoàn 98, Trung đoàn 148, Trung đoàn 174 cũng phát huy tốt vai trò của tổ 3 người, hệ thống chiến sĩ bảo vệ, trong nắm tình hình tư tưởng của chiến sĩ mới. Đại úy Nguyễn Quốc Phòng, Chính trị viên Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148 chia sẻ với chúng tôi câu chuyện về một chiến sĩ của Đại đội 2 thường ngồi trầm ngâm một mình, ít tiếp xúc với mọi người, có biểu hiện dao động về tư tưởng ngay sau khi nhập ngũ. Khi chiến sĩ bảo vệ là người cùng quê “tiếp cận”, “khai thác” thông tin thì nắm được vợ chiến sĩ đó sắp sinh con. Thông tin này nhanh chóng được báo cáo lên trung đội, đại đội. Ngay sau đó, cán bộ các cấp đã động viên kịp thời. Và khi vợ sinh con, chiến sĩ đó được đơn vị tạo điều kiện thuận lợi để động viên vợ con. Chính sự quan tâm sâu sát, giúp đỡ nhiệt tình, tạo điều kiện kịp thời của đơn vị đã tạo nên động lực giúp chiến sĩ đó phấn đấu tốt, hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong 3 tháng huấn luyện.

Về Sư đoàn 316 lần này, chúng tôi đặc biệt ấn tượng bởi một “sáng kiến” mang tên “Hồ sơ thông tin chiến sĩ” được triển khai trong nội bộ sư đoàn vài năm trở lại đây và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cuốn hồ sơ này chứa đựng khá nhiều thông tin hữu ích cho công tác quản lý chiến sĩ mới, trong đó có những thông tin như: Sở thích cá nhân; sở trường; nguyện vọng của bản thân…Đặc biệt, hồ sơ này có phần “Theo dõi tình hình tư tưởng của chiến sĩ”, được cập nhật hằng tháng, và đây là thông tin quan trọng để nắm được diễn biến tư tưởng của chiến sĩ mới, giúp đơn vị giải quyết và quản lý hiệu quả. Tìm hiểu “Hồ sơ thông tin chiến sĩ” của chiến sĩ mới Dương Văn Luận, thuộc Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 148), có thể nắm được Luận có năng khiếu và sở thích đá bóng, có nguyện vọng được đào tạo nghề sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự…

Nhiều mô hình sáng tạo, thiết thực

Điều khiến Phó chính ủy Sư đoàn 316, Thượng tá Nguyễn Ngọc Ngân tâm đắc về hoạt động Công tác Đảng, công tác chính trị trong huấn luyện chiến sĩ mới là đơn vị đã xây dựng và triển khai thành công nhiều mô hình như: “3 đồng hành, 1 mục tiêu”; “3 cùng, 2 trước, 2 sau”; “Mỗi tuần một câu chuyện về Bác. Mỗi ngày thực hiện một lời dạy của Bác”; hay “5 phút lắng đọng”…

Thượng tá Nguyễn Ngọc Ngân giới thiệu cụ thể: Với “3 đồng hành, 1 mục tiêu”, thì 3 đồng hành là: đồng hành trong nhận thức, tư tưởng chính trị, chia sẻ, giáo dục bộ đội; đồng hành trong nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ; đồng hành trong rèn luyện nâng cao thể lực. Còn một mục tiêu thì không gì khác chính là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Để thực hiện mô hình trên, các đơn vị đã lựa chọn những đồng chí có năng lực giáo dục, thuyết phục, năng lực nắm bắt tâm tư tình cảm để làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm thực hiện đồng hành trong nhận thức, tư tưởng chính trị, chia sẻ, giáo dục bộ đội; lựa chọn những đồng chí có khả năng nói, khả năng viết, có trình độ từ cao đẳng trở lên để đồng hành trong nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ; lựa chọn những đồng chí có năng khiếu về thể thao, văn hóa văn nghệ để đồng hành trong rèn luyện nâng cao thể lực.

Hoạt động cổ vũ thao trường có tác dụng tạo không khí phấn khởi trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới ở Sư đoàn 316.

Đến Trung đoàn 98, chúng tôi được nghe Thiếu úy Nguyễn Văn Hải, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 8, Tiểu đoàn 8, chia sẻ cụ thể hơn về mô hình “3 cùng, 2 trước, 2 sau” mà các anh đã và đang thực hiện. Hải cho biết “3 cùng” chính là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với chiến sĩ mới: Cùng ăn để nắm được chế độ, tiêu chuẩn của bộ đội có đúng, đủ, hợp lý không, chiến sĩ mới có ăn ngon, ăn hết khẩu phần không; cùng ở để nắm bắt tâm tư của chiến sĩ, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa chỉ huy với chiến sĩ; cùng làm để nêu gương cho chiến sĩ làm theo. Trong khi đó “2 trước” chính là làm trước và dậy trước: Làm trước để bộ đội dễ quan sát, dễ làm theo; dậy trước để quan sát xem bộ đội ngủ có ngon hay thấp thỏm, lo âu. “2 sau” là về sau, ngủ sau: Về sau để kiểm tra chất lượng công việc, từ đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời; ngủ sau để quan sát được bộ đội có chấp hành nghiêm chế độ ngủ nghỉ hay không, đồng thời cũng nắm bắt được tư tưởng bộ đội.

Cũng nhờ thực hiện tốt “2 sau” mà Thiếu úy Nguyễn Văn Hải đã nắm bắt và đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời tư tưởng của chiến sĩ mới Lò Văn Tình, quê ở Hà Giang. Tình là lao động chính của gia đình, bố bị tai nạn liệt nửa người, mẹ sức khỏe yếu. Ngủ sau chiến sĩ, nên Hải phát hiện Lò Văn Tình khóc trong giờ nghỉ trưa, hỏi ra mới nắm rõ hoàn cảnh của Tình hơn. Nguyễn Văn Hải và đội ngũ cán bộ các cấp đã tích cực động viên, giúp đỡ kịp thời, nhờ đó tư tưởng của Lò Văn Tình dần ổn định và phấn đấu đạt kết quả cao trong huấn luyện.

(Theo QĐND Online)

Bài 3: Tổ chức huấn luyện khoa học, cán bộ bám sát thao trường

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top