Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 11:23:59

Kiên trì giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng biện pháp hoà bình

Ngày đăng: 19/07/2022

QK2 – Vừa qua, một số trang mạng xã hội đã tán phát bài viết “Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam phát biểu gì tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19?” với nội dung xuyên tạc bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng nước ta tại Đối thoại Shangri-La năm 2022; vu cáo Việt Nam “sẽ sử dụng sức mạnh” để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp biển đảo. Đây là sự bịa đặt trắng trợn hòng xuyên tạc đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng của Việt Nam!

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 19.

Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 tại Singapore mới đây là diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực, có sự tham dự của các bộ trưởng quốc phòng, sĩ quan quân đội cấp cao và các nhà phân tích quân sự từ nhiều nước trên thế giới. Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra với sự tham dự của 575 đại biểu đến từ 40 quốc gia. Tại Đối thoại Shangri-La 2022, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc”, trong đó nhấn mạnh quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, mang tính chất hòa bình, tự vệ, tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc. Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã cho thấy tầm nhìn chiến lược đối với các vấn đề an ninh khu vực và thế giới, gắn với thực tiễn, cùng những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt về quốc phòng, an ninh. Trong đó, khẳng định xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển luôn là mong muốn chung của nhân loại, nhưng các vấn đề an ninh truyền thống vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là việc cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn tiếp tục xảy ra. Do vậy, việc nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình là đòi hỏi tất yếu khách quan của mỗi quốc gia, dân tộc.

Đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khẳng định: “Việt Nam đã trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh tự vệ nên thấu hiểu sự tàn phá và hậu quả của xung đột, bạo lực. Vì vậy, chúng tôi chủ trương xây dựng quân đội, tiềm lực quốc phòng đủ mạnh để tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế cao cả”. Đây cũng là phương châm chỉ đạo chiến lược được đúc rút qua thực tiễn, kinh nghiệm lớn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thể hiện sự thấu suốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” về quân sự, quốc phòng của Việt Nam, đó là: Kiên định về mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; kiên trì giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia – dân tộc, phù hợp với luật pháp quốc tế; có đối sách phù hợp với từng đối tượng, từng tình huống. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng nhấn mạnh phương châm bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam đã được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đó là: Kiên định về mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; kiên trì giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế… Như vậy, bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La 2022 đã khẳng định sự nhất quán trong chính sách quốc phòng của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, chứ không phải như những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, đề cao vai trò “sức mạnh quân sự” trong bảo vệ Tổ quốc và giải quyết các vấn đề tranh chấp mà các thế lực thù địch bịa đặt, tung hô.

Hiện nay, tình hình quan hệ thế giới có nhiều diễn biến mới phức tạp, xu thế chủ đạo của thế giới là hòa bình, hợp tác và phát triển; song những biến động chính trị, những mâu thuẫn và xung đột, chủ nghĩa khủng bố quốc tế, sự can thiệp của chủ nghĩa đế quốc về chính trị đối với các nước trong khu vực và thế giới, gây ra sự bất ổn, làm đổ vỡ hàng loạt các thể chế, từ “cách mạng đường phố”, “cách mạng sắc màu”, “mùa xuân Ả Rập”…, tạo sóng gió trên chính trường quốc tế diễn ra ngày càng phức tạp. Trong khi cả thế giới vẫn chưa kịp phục hồi bởi những tác động của đại dịch Covid-19 thì xung đột Nga – Ucraina lại nổ ra…, tác động tới quá trình hiện đại hóa quân sự ở nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới. Với nước ta, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ…

Vì thế, trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giữ vững hòa bình, ổn định, Việt Nam phải nỗ lực giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình để xây dựng đất nước. Đồng thời, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong từng tấc đất, tấc biển, từng hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Không mất cảnh giác hoặc để lôi cuốn, kích động trước luận điệu cổ xúy cho bạo lực, cho quân sự mà quên đi nhiệm vụ tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước ngày càng vững mạnh.

VŨ HẢI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.