Thứ ba Ngày 23 Tháng 04 Năm 2024, 06:22:38

Khúc ca trường tồn cùng dân tộc Việt Nam

Ngày đăng: 02/09/2020

Mỗi dịp đến Tết Độc lập (2-9), muôn lòng người Việt không khỏi bồi hồi xúc động và trào dâng niềm phấn chấn, tự hào khi những lời ca hào sảng và giai điệu hùng hồn ca khúc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao vang lên trên khắp mọi miền Tổ quốc. 75 năm qua, Tiến quân ca-Quốc ca đã thấm vào tâm hồn của mỗi chúng ta, là di sản văn hóa vô giá trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.

Văn Cao là nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ tài danh của đất nước. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15-11-1923 tại làng Lạch Tray, nay là phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng; quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Cha ông vốn là Giám đốc Nhà máy nước Hải Phòng. Thuở nhỏ, Văn Cao học Trường Bonnal (Hải Phòng). Thời thanh niên, Văn Cao từng làm điện thoại viên của Sở Bưu điện Hải Phòng. Ông tham gia nhóm nhạc Đồng Vọng của nhạc sĩ Hoàng Quý, cùng các nhạc sĩ có tên tuổi, như: Tô Vũ, Đỗ Nhuận, Đinh Nhu… Cuối năm 1944, Văn Cao tham gia Mặt trận Việt Minh. Tháng 3-1948, Văn Cao được kết nạp vào Đảng. Ông viết nhiều tình khúc và ca khúc cách mạng đặc sắc. Nhiều ca khúc của ông được nhân dân yêu thích như: Chiến sĩ Việt Minh (sau đổi thành Chiến sĩ Việt Nam), Suối mơ, Thiên thai, Ngày mùa, Làng tôi, Mùa xuân đầu tiên, Trường ca sông Lô… Trong đó Tiến quân ca được Bác Hồ và Quốc hội khóa I lựa chọn làm Quốc ca. Nhạc sĩ Văn Cao mất tại Hà Nội ngày 10-7-1995. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật (đợt I, năm 1996) và Huân chương Hồ Chí Minh (tháng 7-2016). Tên ông đã được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…

Nhạc sĩ Văn Cao viết bài hát Tiến quân ca vào khoảng tháng 10-1944, trên căn gác nhỏ ở phố Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội) trong những ngày đồng bào phải chịu nạn đói khủng khiếp, phong trào cách mạng sục sôi trên cả nước. Trong cuốn hồi ký “Tại sao tôi viết Tiến quân ca?”, Văn Cao kể rằng: “Tin từ Nam Định lên cho biết mẹ tôi và các em tôi đang đói. Họ đang tìm mọi cách để sống qua ngày, như mọi người đang tìm một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến. Tiếng kêu cứu của mẹ tôi, các em, các cháu tôi vọng cả căn gác, cả giấc ngủ chiều hôm. Tất cả đang chờ đợi tôi tìm cách giúp đỡ. Tôi chưa được cầm một khẩu súng, chưa được gia nhập đội vũ trang nào. Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường ở phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi…”. Trước khi sáng tác Tiến quân ca, Văn Cao có gặp lại đồng chí Vũ Quý-một cán bộ Việt Minh hoạt động ở Hải Phòng. Vũ Quý có khuyên Văn Cao viết một ca khúc khơi dậy lòng yêu nước cho học sinh, thanh niên. Và Tiến quân ca ra đời từ đấy.

Ngày 16-8-1945, trong dịp Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa, đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cân nhắc trước 3 ca khúc: Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Minh của nhạc sĩ Văn Cao và bài Diệt phát xít của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Sau đó, Bác Hồ đã chọn bài Tiến quân ca làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Họa sĩ, nhà thơ Văn Thao, con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao kể lại: “Bác Hồ chọn Tiến quân ca làm Quốc ca, vì theo Bác, chọn Tiến quân ca là phù hợp nhất. Ca khúc thể hiện được ý chí, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc, lại ngắn gọn, đầy đủ về ý nghĩa, dễ thuộc lời và giai điệu hùng tráng”.

Ngày 2-9-1945, ca khúc Tiến quân ca chính thức được cử hành trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), do Ban nhạc Giải phóng quân thể hiện, dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên.

Nhạc sĩ Văn Cao có khả năng tiên đoán ngay từ khi đặt bút viết Tiến quân ca. Thời điểm tháng 10-1944, khi Văn Cao viết Tiến quân ca, trong các cuộc biểu tình của nhân dân chống Pháp-Nhật chỉ xuất hiện lá cờ đỏ búa liềm. Vậy mà Văn Cao đã viết: “Đoàn quân Việt Nam đi/ Sao vàng phấp phới/ Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…”. Mãi đến giữa tháng 8-1945, Đại hội Quốc dân dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới chọn lá cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2-9-1945, lá cờ đỏ sao vàng chính thức xuất hiện trong Lễ tuyên bố Độc lập tại Quảng trường Ba Đình cùng với bài Tiến quân ca. Và ngày 5-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh quyết định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng. Văn Cao cũng thể hiện khả năng tiên đoán sáng suốt của mình trong các ca khúc: Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Tiến về Hà Nội.

Từ ngày được Bác Hồ chọn cho đến năm 1955, Quốc ca giữ nguyên lời của bài Tiến quân ca. Sau năm 1955, Quốc hội mời nhạc sĩ Văn Cao sửa chữa một số chỗ về phần lời và trở thành bản Quốc ca như hiện nay. Ngày 15-7-2016, tại Hà Nội, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã chính thức hiến tặng bài hát Tiến quân ca cho đất nước và Quốc hội đã long trọng tiếp nhận. Cùng ngày, Nhà nước ta đã tổ chức truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Văn Cao; bà Nghiêm Thúy Băng (vợ nhạc sĩ Văn Cao) được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen do có công giữ gìn các tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao. 

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.