Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 04:28:30

Không thể phủ nhận thành tựu nhân quyền Việt Nam

Ngày đăng: 12/12/2019

QK2 – Từ lâu, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng, mượn cớ, núp bóng vỏ bọc “nhân quyền” để phủ nhận xuyên tạc thành tựu vì con người của Việt Nam, vu khống Việt Nam vi phạm nhân quyền. Nhân dịp Ngày Nhân quyền thế giới (10 tháng 12) hằng năm, các thế lực thù địch thường tăng cường các hoạt động chống phá Đảng và năm nay cũng vậy. Tổ chức phản động Việt Tân lại bày đặt cái gọi là “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” – Một chiêu trò cũ rích chúng thực hiện thường niên dành cho những kẻ vi phạm pháp luật, chà đạp lên nhân quyền Việt Nam.

Trên mạng xã hội từ cuối tháng 11 công khai xuất hiện thư mời tham dự buổi trao giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng và hội thảo về nhân quyền tại Việt Nam. Thật nực cười! Lê Đình Lượng là đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức khủng bố “Việt Tân”, đã bị pháp luật tuyên phạt 20 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và 5 năm quản chế. Ông ta từng sử dụng mạng xã hội lôi kéo người khác vào tổ chức phản động; đăng, tải nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam cổ súy cho tổ chức khủng bố "Việt Tân", xúc phạm lãnh tụ, kêu gọi lật đổ chính quyền nhân dân; kích động biểu tình và gây rối an ninh trật tự xã hội. Chỉ có một vấn đề ngẫu nhiên, Lê Đình Lượng sinh đúng ngày “Ngày nhân quyền thế giới” (10 tháng 12). Chúng hô hào triệu tập lực lượng ấy để tự cho mình cái quyền trao đổi về tình hình của đất nước và những nỗ lực cụ thể trong công cuộc tranh đấu cho nhân quyền và tự do của dân tộc Việt Nam.

Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần ở các đơn vị cơ sở.

Điểm mặt những “nhà tranh đấu” mà Việt Tân tôn sùng, trao “giải thưởng” ấy đều là những người đại loại như Lê Đình Lượng, là những người vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, dựng lên những thành phần vi phạm pháp luật Việt Nam để tâng lên thành những nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam và coi đó như là những biểu tượng.

Phải khẳng định rằng, pháp luật Việt Nam, cũng như pháp luật của bất cứ quốc gia nào, không dung thứ cho những kẻ bán dân hại nước. Những người vi phạm pháp luật, nhất là những kẻ bị pháp luật trừng trị vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” như Lượng đều là những kẻ phản dân, hại quốc.

Kể từ khi gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (viết tắt là ICCPR) ngày 24-9-1982, Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc bảo vệ và phát huy quyền vì con người. Các Báo cáo quốc gia năm 2017, 2018 về thực thi Công ướcICCPR và Báo cáo trả lời danh sách các vẫn đề quan tâm của Ủy ban Nhân quyền LHQ, qua đó cho thấy Việt Nam đã có những bước phát triển nổi bật và nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là trong việc bảo vệ, thúc đẩy các quyền dân sự, chính trị. Những năm gần đây, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đặc biệt trên các lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền, kiện toàn hệ thống pháp luật về quyền con người, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, báo chí và hội nhập quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế được duy trì liên tục trên 6%/năm đã giúp tạo thêm hàng triệu việc làm cho người dân, duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh từ 9,9% năm 2015 xuống 7,7% năm 2017, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Việt Nam đã và đang tham gia tích cực và có những sáng kiến được ghi nhận tại các cơ chế liên quan đến quyền con người của Liên hợp quốc, đón nhiều chuyên gia theo cơ chế các Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; gia nhập thêm 2 công ước nhân quyền cơ bản là Công ước chống tra tấn (CAT) và Công ước về quyền của người khuyết tật (CRPD).

Hồi tháng 3 năm nay, tại Geneva (Thụy Sỹ), Việt Nam tiếp tục bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia lần thứ ba về thực thi Công ước ICCPR tại Phiên họp lần thứ 3 do Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc tổ chức. Báo cáo nhấn mạnh, những cải cách và biến chuyển mạnh mẽ không chỉ diễn ra trong lĩnh vực thương mại và kinh tế, mà còn ở những lĩnh vực phức tạp hơn như pháp luật, tư pháp, không phân biệt đối xử, quản trị công, thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người. Do đó, đời sống vật chất và tinh thần của hơn 90 triệu người dân Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng, ấm no và hạnh phúc hơn. Tất cả các nỗ lực cải cách của Việt Nam diễn ra trong hòa bình, với sự ủng hộ của người dân Việt Nam, qua đó, góp phần nâng cao sự hưởng thụ của người dân về các quyền dân sự và chính trị phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam; bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đấy là điều khẳng định về thành tựu quyền con người Việt Nam, thuộc về chất lượng cuộc sống thực tế của đại đa số người dân Việt. Không thể chỉ lợi dụng việc một vài cá nhân vi phạm pháp luật để tạo cớ xuyên tạc, vu khống thành tựu nhân quyền của cả đất nước. Hơn nữa, tổ chức Việt Tân là tổ chức phản động lưu vong, hoạt động nhằm mục đích xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phương thức hành động của tổ chức này hiện nay chuyển từ dùng bạo động, vũ trang, khủng bố, phá hoại ở Việt Nam sang phương thức đấu tranh bất bạo động hiện đại; kết hợp giữa đấu tranh bất bạo động với bạo lực cục bộ địa phương. Ba năm nay, từ ngày 4 tháng 10 năm 2016, Bộ Công an đã đưa Việt Tân vào danh sách các tổ chức khủng bố tại Việt Nam. Những công bố về cái gọi là trao giải thưởng nhân quyền kể trên chỉ là “trò hề” chống phá Đảng ta của tổ chức phản động chính trị. Chúng ta cần hết sức cảnh giác.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.