Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 01:17:08

Không quên ơn người có công với cách mạng

Ngày đăng: 22/09/2019

QK2 – Một trong những sự kiện của đất nước trong tháng 9 vừa qua là tổ chức các hoạt động kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, một nhân sĩ yêu nước chân chính, một tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta học tập. Cùng với việc tuyên truyền giáo dục rộng rãi trong toàn dân, toàn quân ta nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của cụ Bùi Bằng Đoàn là lễ kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội. Buổi lễ do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức cùng với sự tham dự của các lão thành cách mạng, đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân gia đình cụ Bùi Bằng Đoàn…

Chân dung cụ Bùi Bằng Đoàn.

Sự kiện kỷ niệm nhân ngày sinh năm chẵn của một bậc lão thành cách mạng có công lao với đất nước “hai năm rõ mười” như vậy mà thật tệ bạc, trên một số cơ quan báo chí nước ngoài lại nêu câu hỏi “Chính quyền nhắc đến cụ Bùi Bằng Đoàn lúc này để làm gì?”. Và để trả lời câu hỏi đó, họ bình, bàn, võ đoán theo kiểu “ếch ngồi đáy giếng” nhưng cố tình suy luận bằng lời lẽ cay nghiệt. Luận điệu của một số cá nhân tự xưng là “nhà văn”, “nhà báo” đưa ra là: Việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm cụ Bùi “trọng thể và khoa trương”; Nghi thức tổ chức kỷ niệm trang trọng thường chỉ dành cho những quan chức cao cấp và những trí thức lớn (đã mất) của chế độ cầm quyền. Chính quyền “bỗng dưng” tổ chức trọng thể và rầm rộ lễ kỷ niệm về một nhân sĩ mà tên của ông đã bị chính quyền này quên lãng từ rất nhiều năm trước đã nêu ra một dấu hỏi lớn trong công luận…

 Họ còn thản nhiên tung ra luận điệu, cho rằng, một số trí thức độc lập đánh giá, cụ Bùi Bằng Đoàn không phải là một nhân tố “có công với cách mạng” một cách đặc biệt. Quá trình cụ Bùi Bằng Đoàn tham gia vào hoạt động điều hành của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là khá ngắn ngủi, nhiều năm qua, báo chí nhà nước rất ít khi nhắc tới tên cụ Bùi Bằng Đoàn. Sau lễ kỷ niệm không nhận được nhiều chú ý và phân tích của mạng xã hội; nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự và nhân quyền tỏ ra thờ ơ, chỉ xem đó là một trong số nhiều hoạt động mang tính tuyên truyền chính trị… Để tự trả lời, huyễn hoặc cho những nhận định của mình, họ quy kết cho lễ kỷ niệm nhằm phát đi thông điệp đảng cầm quyền hiện thời muốn trở về thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, huy động các nguồn lực nhân tài để bảo vệ và xây dựng đất nước mà không phân biệt đảng phái.

Một trong những luận điệu họ đưa ra là: Tổ chức các hoạt động kỷ niệm cụ Bùi Bằng Đoàn có liên quan đến Bùi Tín, con trai của cụ Bùi Bằng Đoàn để nhắn nhủ những người bất đồng chính kiến một thông điệp “quay đầu là bờ”! Qua đó, họ cho rằng các hoạt động kỷ niệm như lời kêu gọi trí thức noi gương người cha của kẻ bỏ đảng. Họ còn so sánh và lập luận đòi Đảng ta phải đối xử với nhân sĩ trí thức Bùi Bằng Đoàn thế nào thì phải đối xử với những người trí thức bất đồng chính kiến, chống phá Đảng mà gọi là “nhân sĩ, trí thức yêu nước, đấu tranh cho nền dân chủ” gần đây như thế.

Có thể nói, tất cả những luận điệu trên đều là võ đoán, suy luận thiếu căn cứ. Và cũng thật nực cười cho những kẻ chẳng biết đâu là “trời cao đất dày”, luôn có những hành động chống Đảng, chống đối chính quyền, nhân danh trí thức nhưng đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân, dám so sánh, đòi quyền lợi và háo danh như những người trí thức có công với nhân dân như cụ Bùi Bằng Đoàn. 

Cụ Bùi Bằng Đoàn là một trong những tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ trí thức Việt Nam, từ chủ nghĩa yêu nước, cụ đến với cách mạng của dân.

Trước khi nhận lời Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cố vấn cho cách mạng, cụ Bùi Bằng Đoàn là một vị quan Triều Nguyễn, học rộng tài cao, thanh liêm chính trực, giữ đến chức Thượng thư Bộ hình, được nhân dân kính trọng.

Năm 1945, sau khi lãnh đạo cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư mời cụ Bùi Bằng Đoàn ra giúp nước. Người viết rằng: “Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe. Kính thư".

Tại lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc diễn văn khẳng định cụ là một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, một nhà lãnh đạo mẫn cán của Chính phủ, người cộng sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ là một tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ Việt Nam với tinh thần vì nước vì dân, xả thân vì nghĩa lớn. Trong quá trình tham gia chính quyền cách mạng, cụ làm Cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Cụ được Quốc hội Khoá I (tại kỳ họp thứ 2) bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (thay cụ Nguyễn Văn Tố). Tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân, sống khiêm tốn, giản dị không màng phú quý, danh lợi của Cụ là tấm gương sáng để các đại biểu Quốc hội cùng cán bộ, đảng viên, toàn thể nhân dân ta học tập. Việc trọng dụng cụ Bùi Bằng Đoàn thể hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Việc tổ chức kỷ niệm trọng thể ngày sinh năm chẵn của cụ Bùi Bằng Đoàn là dịp để mọi cán bộ, đảng viên học tập, noi theo; đồng thời tri ân và tưởng nhớ công lao, sự cống hiến của cụ đối với nhân dân và cách mạng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc. Còn Bùi Tín, mặc dù là con trai của cụ Bùi Bằng Đoàn nhưng đi ngược lại truyền thống đạo nghĩa của gia đình, là kẻ trở cờ, đã xin tị nạn chính trị tại Pháp vào năm 1990, có nhiều bài viết chống Đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân là hành vi đáng bị lên án.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.