Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 03:26:05

Không được hướng lái kinh tế sang chính trị

Ngày đăng: 15/06/2022

QK2 – Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” theo Điều 211 Bộ luật Hình sự, thì các đối tượng cơ hội chính trị, phản động tán phát nhiều bài viết trên các trang mạng phản động. Điển hình, ngày 1/4/2022, trên trang VOA Tiếng Việt, đối tượng Trần Văn tán phát bài viết “Xử lý tham nhũng: Không có niềm vui, chỉ có căm giận và bất bình”; trên trang Facebook Chân Trời Mới Media, đối tượng Đỗ Ngà tán phát bài viết “Khoét lỗ pháp luật”; ngày 3/4/2022, Trang Việt Tân rêu rao “Chiến dịch đánh tư sản bắt đầu”, đồng thời suy diễn: “Nhiều tỷ phú lần lượt bị bắt giam, một số khác đang được dự đoán sẽ xộ khám trong thời gian tới”… Nội dung của các bài viết trên nhằm vu cáo việc phối hợp giữa các cơ quan trong xử lý vụ án và bôi nhọ, nói xấu Chính phủ ta trong việc quản lý, điều hành nền kinh tế.

Lực lượng chức năng khám xét trụ sở tại tập đoàn FLC – Nơi làm việc của ông Trịnh Văn Quyết.

VIỆC KHỞI TỐ, BẮT TẠM GIAM TRỊNH VĂN QUYẾT LÀ ĐÚNG PHÁP LUẬT

Như chúng ta đã rõ, ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Theo điều tra, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc “làm giá”. Những cá nhân này thường xuyên thông đồng thực hiện các mánh khóe mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung, cầu giả để đẩy giá lên cao. Ông Trịnh Văn Quyết cùng những người giúp sức đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, số lượng đặt mua chiếm 12% và số lượng đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng thị trường. Hành vi tạo cung cầu giả của nhóm Trịnh Văn Quyết đã đẩy giá cổ phiếu FLC tăng hơn 64%. Sau khi giá cổ phiếu FLC được “thổi” lên cao, 175 triệu cổ phiếu đã được bán ra. Tổng số cổ phiếu FLC của nhóm ông Quyết bán ra đã khớp lệnh là 74,8 triệu, với giá trung bình là 22.500 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu này đã được bán “chui”, không công bố trước khi thực hiện giao dịch. Tổng số tiền bị can Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính số tiền hơn 530 tỉ đồng. Việc khởi tố Trịnh Văn Quyết là động thái khi Bộ Công an giao Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành điều tra, xác minh hành vi thao túng thị trường chứng khoán xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Như vậy, những việc làm của Trịnh Văn Quyết là trái với pháp luật Việt Nam, việc bắt giữ, điều tra sai phạm của Trịnh Văn Quyết và những người tiếp tay cho ông ta là hoàn toàn minh bạch và đúng quy định của pháp luật.

COI TRỌNG SỰ PHÁT TRIỂN MINH BẠCH CỦA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Thị trường chứng khoán được coi là những kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế, kênh đầu tư quan trọng, phản ảnh sự phát triển của nền kinh tế. Những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, song hành với đó là những hành vi lừa đảo, gian dối, lũng đoạn thị trường cũng nhanh chóng xuất hiện dưới nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Để quản lý thị trường nhạy cảm này, ngày 3/12/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản… Và không phải ngẫu nhiên, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá, tình hình tội phạm kinh tế diễn biến phức tạp, nhất là liên quan tới trái phiếu, chứng khoán, bất động sản. Bên cạnh đó, sự quyết liệt trong việc xử lý những hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan thẩm quyền quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm làm trong sạch bộ máy quản lý thị trường chứng khoán và việc khởi tố vụ án liên quan đến sai phạm của ông Trịnh Văn Quyết đã được đông đảo quần chúng nhân dân, các nhà đầu tư đồng tình ủng hộ.

Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố, điều tra các bị can là những người nổi tiếng, có vị thế kinh tế và có ảnh hưởng trong xã hội đều dựa trên căn cứ các yếu tố cấu thành tội phạm, đúng người, đúng tội, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, không có trường hợp ngoại lệ. Do vậy, không thể lấy lý do bị can là những doanh nhân giàu có để xuyên tạc thành “chiến dịch đánh tư sản”, “tấn công vào kinh tế tư nhân”. Mọi bị can khi bị khởi tố, điều tra đều căn cứ vào hành vi, khách thể bị xâm hại, các yếu tố lỗi, không có bất cứ lý do nào để ngụy biện thành việc phân biệt kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác. Chính vì vậy, mọi người cần cảnh giác trước âm mưu xuyên tạc, hướng lái sang các vấn đề chính trị của các thế lực thù địch cho rằng Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện chiến dịch “đánh vào giới tư sản”, “tấn công vào kinh tế tư nhân” sau những sai phạm của Trịnh Văn Quyết. Đó thực sự là những luận điệu xuyên tạc, đánh lận bản chất vụ án của các thế lực thù địch, phản động nhằm chống phá cách mạng Việt Nam.

VŨ HẢI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.