Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 04:39:09

Kỳ 3: Cần những “Liều thuốc đặc trị” 

Ngày đăng: 24/08/2022

QK2 – Sự chống phá quyết liệt, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch trên không gian mạng mỗi khi Đảng ta xem xét xử lý đảng viên vi phạm ít nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Vậy các ngành chức năng, tổ chức Đảng phải làm gì với những chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch? Do đó rất cần những “liều thuốc đặc trị”.

Giờ giải lao đọc báo nắm bắt thông tin của các chiến sĩ Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.

Để hạn chế được những thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, phản động mỗi khi Đảng, Nhà nước ta xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, các cơ quan chức năng như: Thanh tra, ủy ban kiểm tra và cơ quan cảnh sát điều tra các cấp cần thận trọng hơn nữa khi kết luận vụ việc, vụ án liên quan đến cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chủ trì, chủ chốt, giữ vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền, bộ ngành, địa phương. Kết luận đó nên gửi “hỏa tốc” đến các cơ quan, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương, bộ ngành liên quan, để thống nhất tư tưởng và hành động. Phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ đảng viên ở cơ sở, trong việc nắm bắt thông tin và tuyên truyền về sự việc kỷ luật cán bộ cho người dân, người thân. Tránh tình trạng xử lý kỷ luật, pháp luật cán bộ chủ chốt mà đảng viên cấp dưới lại không nắm được gì. Thậm chí một số ít đảng viên có biểu hiện “mũ ni che tai”, thờ ơ, lạnh nhạt, không quan tâm đến những sự việc hệ trọng của đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, cũng cần nghiêm cấm đảng viên phát ngôn, chia sẻ với các “báo lá cải”, kẻ xấu về sự việc theo ý chủ quan của cá nhân, từ đó làm phức tạp tình hình, vô tình tạo cơ hội cho các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá.

 Trong mỗi sự việc, cơ quan chức năng nên có thông cáo báo chí rõ ràng, minh bạch, thông tin đầy đủ, khách quan về vụ việc gửi tới các cơ quan truyền thông, báo chí. Các cơ quan báo chí trong nước, nhất là một số báo điện tử không nên đi quá sâu, bình luận, phân tích, kể lể theo kiểu câu view ngoài thông cáo báo chí về lối sống, đời tư của người cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý. Vì chính từ thông tin đó, các thế lực thù địch sẽ “xào xáo, nhào nặn” rồi tung lên mạng với những bình luận, suy diễn rất hồ đồ. Cơ quan quản lý ngành thông tin và truyền thông các cấp cần có những chế tài, liên hệ làm việc với chủ các trang mạng xã hội, có biện pháp ngặn chặn từ sớm, từ xa những thông tin vu khống, xấu độc của các thế lực thù địch.

Các ban, ngành, đoàn thể, mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân không xem, không nghe, không truy cập vào những trang mạng phản động, có yếu tố nước ngoài. Các cấp hội như: Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh…, nên thiết lập những trang, nhóm  Facebook, Zalo để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên cách xem, nắm bắt thông tin trên những kênh truyền thông chính thống lớn của Đảng, Nhà nước ta như: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Quốc hội…; sẵn sàng thông tin, phản bác lại các quan điểm sai trái, xấu độc về vụ việc, không để cán bộ, hội viên thuộc quyền chia sẻ, bình luận, hoặc bị các thế lực thù địch dụ dỗ, lôi kéo, kích động. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên trước những thông tin sự việc kỷ luật cán bộ các cấp; kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên bình luận, chia sẻ thông tin của các thế lực thù địch, phản động. Cán bộ chuyên ngành thông tin và truyền thông các cấp cần theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình, địa bàn. Khi có các nội dung, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch kịp thời có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh, không để chúng ngang nhiên “tung hoành” trên các trang mạng xã hội.

Cùng với các hoạt động tuyên truyền phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch, Đảng, Nhà nước ta đã và đang từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế quản lý cán bộ, đảng viên, tài nguyên, vật tư, tài chính. Xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”; một cơ chế răn đe để không dám tham nhũng” và cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng” trong quá trình thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục nghiên cứu các chế tài để bịt kín những “kẽ hở” trong quản lý, điều động, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, hướng tới mục tiêu “xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”. Kiên quyết không dùng những cán bộ “đứt dây thần kinh” tự trọng, trơ trẽn chạy chức, chạy quyền.

Đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị, địa phương phải là người tiên phong nêu gương trong lối sống và việc làm, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để cho một số doanh nghiệp, cá nhân có biểu hiện vun vén, tư lợi mua chuộc, lôi kéo. Kết nạp nhưng đi đôi với kiên quyết sàng lọc, đưa những đảng viên không còn nhuệ khí, những người “Hữu danh vô thực” ra khỏi Đảng theo đúng Chỉ thị số 28- CT/TW, ngày 21/1/2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

DUY TUẤN – THÚY QUỲNH

♦ Kỳ 1: Nhận diện những “căn bệnh” xấu

♦ Kỳ 2: Loại “sâu mọt” để cứu thân cây

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.