Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 02:40:42

Không để hiện tượng mượn phê bình làm điều xấu

Ngày đăng: 22/09/2019

QK2 – Một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng ta đã chỉ ra, đó là: “Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”.
Vấn đề này cần được khắc phục để tự phê bình và phê bình (TPB&PB) ngày càng trở thành liều thuốc hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng.

Bài 1: Từ lời dạy của Bác Hồ

 

Vì sao phải phê bình? Từ rất sớm, trong chuyên mục Thường thức chính trị, trên Báo Cứu quốc, từ ngày 16-1 đến ngày 23-9-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình), thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật”.

Mục đích của TPB&PB theo tư tưởng Hồ Chí Minh là: Với tổ chức, “cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”; “để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”. Nếu đoàn kết làm nên sức mạnh của Đảng thì TPB&PB được coi là cội nguồn sức mạnh bậc nhất của Đảng. Với các đảng viên, “một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau”; “là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm”.

TPB&PB là phương pháp để giáo dục, rèn luyện đảng viên. Người cho rằng: “Chúng ta vì dân, vì nước mà làm cách mạng. Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ. Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng, thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình. Mục đích phê bình là cốt lợi cho công việc chung”.

Phê bình như thế nào? Mục đích đã đúng thì lại cần phải có một tinh thần, thái độ, cách thức thực hiện phù hợp. Đây chính là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm. Người căn dặn: “Vì vậy phê bình mình cũng như phê bình người khác ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi không nên vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét”.

Để phê bình có hiệu quả, theo Người, phải phê bình toàn diện, đa chiều; do đó, trong bài Thuốc đắng dã tật nói thật mất lòng, Người nhấn mạnh: “Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn”. Người cũng căn dặn: Phải kết hợp giữa phê bình và tự phê bình; phải thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, đúng nguyên tắc và nêu gương trước cấp dưới, trước quần chúng.

Đặc biệt, phê bình phải trên tình đồng chí thương yêu nhau. Đây là điều căn cốt nhất và phương thức hiệu quả nhất khi thực hành phê bình. Trong Di chúc, Người căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu nhau”.

Phải dân chủ trong phê bình và tôn trọng đối tượng được phê bình. Ngày 30-5-1957, khi nói chuyện với cán bộ, đảng viên và thanh niên Hải Phòng, Người ân cần nói: “Phê bình phải dân chủ, nghĩa là Bác phê bình các cô, các chú, trái lại các cô, các chú có thể phê bình Bác, có cái hay phải học, cái khuyết điểm thì phê bình. Các cô, các chú yêu Bác, muốn Bác tiến bộ thì phải phê bình”. Phong cách phê bình của Người thể hiện sự gần gũi, yêu thương nhau giữa các thành viên trong một đại gia đình lớn; vừa mềm dẻo, vừa cương quyết để đạt được mục đích của TPB&PB mà không “cứng rắn, mệnh lệnh, ép buộc” dẫn đến hiệu quả thấp, thậm chí phản tác dụng.

HÀ SƠN THÁI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.