Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 12:06:48

Không có “miền đất hứa” cho di cư tự do

Ngày đăng: 11/08/2018

QK2 – Cách đây chừng 4 tháng, trên Báo điện tử Dân trí có đăng bài viết “Đắk Nông: Dân di cư tự do và cuộc sống ở “miền đất hứa nhiều không”. Bài viết phản ánh cuộc sống của gần 2.000 nhân khẩu cư trú trong cánh rừng thuộc huyện Đắk G’Long, hầu hết là đồng bào Mông, Dao, Khmer, là dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào hoặc từ miền Tây lên. Cuộc sống của người dân thiếu thốn đủ bề với rất nhiều “không”: Không đất làm nhà; không đất canh tác; không điện; không sóng thông tin; không phúc lợi xã hội; hôn nhân không giá thú; trẻ em không có giấy khai sinh, không đến trường; người lớn không có chứng minh thư; ốm đau, bệnh tật không bảo hiểm y tế… Từ đó, có thể phát sinh nhiều hệ lụy như cư trú bất hợp pháp lấn chiếm đất làm nhà ở, phá rừng lấy đất canh tác, khó khăn quá lại rời đi nơi khác, tiếp tục cuộc sống nay đây mai đó…

Cuộc sống bình yên của nhân dân các dân tộc Sín Chéng, Si Ma Cai (Lào Cai).

Tương tự, trên Báo Biên phòng cách đây khoảng một năm cũng phản ánh về một số người Mông Việt Nam di dịch cư sang nước láng giềng, chỉ vì nghe nói sang đó dễ làm ăn, vậy là bán nhà cửa, trâu bò tha hương, sống không hộ khẩu, không quyền công dân… Sau một thời gian “nếm khổ” thân phận di cư, đành phải từ bỏ “miền đất hứa” bên kia biên giới trở về cố hương. Sau vài năm trở lại quê hương bản quán, lao động miệt mài và chính đáng, có của ăn, của để mới nhận ra rằng: Ở Việt Nam, cuộc sống sung túc hơn nhiều so với cuộc sống di cư, bất hợp pháp bên kia biên giới.

Tình trạng di, dịch cư là một trong những hiện tượng xã hội khá phổ biến của đồng bào dân tộc ít người. Bên cạnh dòng di cư có kế hoạch do Nhà nước tổ chức, trong đồng bào ở một số tỉnh vùng Tây Bắc vẫn xuất hiện tình trạng di, dịch cư tự do. Thời gian gần đây, theo tổng hợp của các cơ quan chức năng, hiện tượng di, dịch cư tự do trong đồng bào vẫn tiếp tục tái diễn.

Qua tìm hiểu thấy rằng, nguyên nhân di dịch cư tự do chủ yếu do thiếu đất sản xuất, cuộc sống khó khăn, di cư theo anh em họ hàng, người thân để thiết lập cuộc sống mới với hy vọng sẽ tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những lý do trên, một số hộ di cư tự do xuất phát từ việc bị các thế lực thù địch và các phần tử xấu kích động, dụ dỗ, lôi kéo. Chúng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo trong đồng bào các dân tộc, can thiệp gây sức ép về vấn đề nhân quyền, quyền của các dân tộc ít người, nhất là một số tỉnh vùng Tây Bắc; gia tăng các hoạt động chống phá gây mất ổn định ở vùng cao biên giới; tuyên truyền đạo trái pháp luật, chống lại chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương; tuyên truyền về xây dựng nhà nước Mông tự trị gây chia rẽ giữa Đảng với nhân dân, giữa các dân tộc… Một số đối tượng còn dựng lên một viễn cảnh cuộc sống ở “miền đất hứa” hoặc tung ra những tin đồn xuyên tạc, thất thiệt nào đó để tác động vào tâm lý, dư luận của đồng bào. Bằng nguồn tài chính của một số tổ chức phản động, các đối tượng lén lút về các làng bản, tìm hiểu những người dân nhẹ dạ cả tin, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, qua đó xúi giục bán tài sản, bán hết những công cụ, tư liệu sản xuất và hỗ trợ, lôi kéo di cư. Đến “miền đất hứa” rồi, nếu may mắn địa phương đến còn thưa dân; nguồn đất nhiều thì góp phần giải quyết vấn đề thiếu lao động. Thậm chí, họ còn cài cắm lực lượng phản động, trà trộn trong đồng bào di cư để thực hiện mưu đồ xấu, tuyên truyền, xuyên tạc, tạo sức ép với địa phương, tạo cớ cho các lực lượng trong và ngoài nước xuyên tạc chủ trương, chính sách đồng bào dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Đặc điểm của di, dịch cư tự do là “đi chui”, “đi không báo, đến không trình”, gây khó khăn cho công tác quản lý cả ở địa phương và nơi đến trong việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, thực hiện các chính sách như y tế, giáo dục, văn hóa – xã hội. Dân tự dời đi dẫn đến một số nơi, nhất là khu vực biên giới “trống dân”, ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới cũng như đánh mất dần bản sắc văn hóa. Nếu đi không thuận lợi trở về, nhà cửa, tài sản, tư liệu sản xuất không còn. Mặt khác, tình trạng tranh chấp đất canh tác và đất ở giữa dân nhập cư và ngụ cư sở tại có thể diễn ra phức tạp. Để có đất ở và sản xuất, người dân sẵn sàng phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản, săn bắt các loại thú rừng, hủy hoại môi trường sinh thái. Đời sống khó khăn, nguy cơ mắc các tệ nạn xã hội như nghiện hút, buôn bán ma túy cao, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, lại dễ bị kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Để chủ động quản lý, ngăn chặn tái diễn di, dịch cư tự do, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở cần chủ động nắm chắc tình hình, tập trung chỉ đạo, hỗ trợ để giải quyết hài hòa các yêu cầu kinh tế – xã hội để ổn định đời sống, sản xuất của đồng bào ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn âm mưu xuyên tạc, phá hoại đường lối quan điểm của Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; tuyên truyền cho đồng bào hiểu và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước trong việc lựa chọn nơi cư trú theo quy hoạch, kế hoạch, không di cư tự do; nhận thức, cảnh giác âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng, xúi giục đồng bào từ bỏ quê hương, tìm đến “miền đất hứa”, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân ở các bản làng vùng cao.

Bài, ảnh: ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.