Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 03:14:30

Không chủ quan với bệnh bạch hầu

Ngày đăng: 15/07/2020

“Trong vòng 10 năm trở lại đây, Phú Thọ chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh bạch hầu và tỷ lệ trẻ được tiêm phòng đầy đủ là trên 95%. Tuy nhiên, có một số cá thể do tính chất cơ địa dù được tiêm chủng đủ nhưng vẫn có thể mắc bệnh. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không nên lơ là, chủ quan với bệnh”.

Bác sĩ Nguyễn Phong Việt – Cán bộ phụ trách Chương trình TCMR, Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Đó là khẳng định của bác sỹ Nguyễn Phong Việt – Cán bộ phụ trách Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, Báo Phú Thọ đã có bài trò chuyện với bác sỹ.

 

Xin bác sỹ cho biết những thông tin khái quát về căn bệnh bạch hầu?  

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng – nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae (còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler) tiết ngoại độc tố gây nên. Bệnh thường găp ở trẻ em <15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ. Đặc điểm của trực khuẩn bạch hầu là sức chịu đựng của vi khuẩn ngoài cơ thể rất lớn, chúng có thể chịu được khô lạnh, Trong những điều kiện thuận lợi như được chất nhày ở họng bảo vệ có thể sống đến vài tuần. Theo một số tài liệu và nghiên cứu cho thấy trực khuẩn bạch hầu có thể sống trên đồ vải đến 40-50 ngày, trên cát 100 ngày, đồ chơi bằng gỗ được 3 tháng, bút mà học sinh bị bệnh ngậm vào mồm đã phát hiện trực khuẩn bạch hầu sau 15 ngày. Tuy nhiên tác nhân gây bệnh bạch hầu rất nhạy cảm với các yếu tố hóa lý, ví dụ: Ánh sáng mặt trời trực tiếp giết chúng sau vài giờ, ánh sáng khuếch tán có thể giết chúng trong vài ngày. Ở 600C chết sau 10 phút, Dung dịch clorua thủy ngân 1% hoặc phenol 5% chết sau 1 phút. 

Hiện tại tỉnh Phú Thọ đã xuất hiện căn bệnh này chưa? Bác sỹ có thể chia sẻ thêm về sự nguy hiểm của căn bệnh đối với con người được không? 

Trong vòng 10 năm trở lại đây tỉnh Phú Thọ chưa xuất hiện bệnh bạch hầu, tuy nhiên tại một số tỉnh Tây Nguyên hiện nay ghi nhận nhiều ca mắc và đã có trường hợp tử vong. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, tính tới ngày 8/7/2020, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 68 ca dương tính với bạch hầu. Đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong.

Sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu là có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp và dẫn đến tử vong. Trong giai đoạn sớm của bệnh hoặc giai đoạn sau đó bệnh nhân có thể bị rối loạn nhịp tim, suy tim. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim sau nhiều năm có thể dẫn tới bệnh tim mãn và suy tim. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận…

Dựa vào yếu tố nào chúng ta có thể nhận biết được dấu hiệu của bệnh?

Khi mắc bạch hầu, triệu chứng sớm nhất là viêm họng, chán ăn và sốt nhẹ. Sau 2 đến 3 ngày xuất hiện giả mạc trắng có màu ngà ở trong họng và lưỡi, giả mạc này có đặc điểm là dai, dính và dễ chảy máu nếu bóc giả mạc. Ngoài ra, giả mạc có thể màu xám hoặc đen. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày sau khi mắc bệnh. Thể bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có thể làm sưng cổ và làm hẹp đường thở.

Xin bác sỹ cho biết hiện tại có các loại vắc-xin nào phòng bệnh? Tỉ lệ trẻ tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu ở Phú Thọ là bao nhiêu? Theo bác sỹ, trẻ em hay người lớn đã được tiêm phòng đầy đủ còn nguy cơ mắc bệnh hay không?

Vắc xin phòng bệnh bạch hầu có cả trong chương trình TCMR và Tiêm chủng dịch vụ, được sản xuất dưới dạng phối hợp  như vắc xin 6 trong 1, 5 trong 1, 3 trong 1…

Tỉ lệ tiêm chủng bạch hầu đủ 3 mũi cho trẻ dưới 1 tuổi, và tiêm nhắc lần 4 lúc 18-24 tháng tuổi trong 5 năm gần đây trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều trên 95%.

Khi trẻ được tiêm chủng đầy đủ đúng lịch thì khả năng phòng bệnh bạch hầu là rất cao (trên 90%), cũng có một số cá thể do tính chất cơ địa, mặc dù tiêm chủng đủ nhưng cơ thể không sinh đủ hoặc không sinh kháng thể phòng bệnh; đối với người lớn, nồng độ kháng thể có chiều hướng giảm dần theo tuổi, tuy nhiên nguy cơ mắc bệnh còn phụ thuộc vào tình hình dịch tễ của bệnh. Cách hiệu quả nhất để phòng bệnh bạch hầu hiện nay là tiếp tục duy trì tỉ lệ tiêm chủng cao trên cộng đồng, tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, đồng thời tăng cường giám sát dịch tễ bệnh tại cộng đồng.

Bác sỹ Nguyễn Phong Việt thực hiện công tác tuyên truyền lợi ích khi trẻ được tiêm chủng đầy đủ đến phụ huynh

Thưa bác sỹ, hiện đã có thuốc chữa bệnh bạch hầu chưa?

Hiện nay, đã có thuốc điều trị bệnh bạch hầu gồm: Sử dụng kháng độc tố bạch hầu (SAD) và kháng sinh ngay (penicillin G,erythromycin, azithromycin) để ngăn chặn các biến chứng để giảm nguy cơ tử vong.
Bệnh nhân ổn định sau 2 – 3 tuần điều trị theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Là một bác sỹ, ông có khuyến cáo gì đối với người dân về căn bệnh này?

Trong các biện pháp phòng chống dịch các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng, việc bảo vệ cá thể và cộng đồng bằng các vắc xin đặc hiệu là quan trọng và hiệu quả nhất. Ngoài việc tiêm đầy đủ và đúng lịch cần lưu ý bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể đề phòng dễ dàng bằng cách tiêm chủng phòng bệnh. Trì hoãn việc tiêm phòng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh và đảm bảo việc tiêm nhắc để cơ thể đạt được miễn dịch phòng bệnh.

Các bậc cha mẹ cần kiểm tra lại các mũi vắc xin trẻ đã tiêm trong sổ/phiếu tiêm chủng xem trẻ đã được tiêm đầy đủ hay chưa, nếu trẻ chưa được tiêm đầy đủ, sót mũi cần tiêm sớm cho trẻ khi có thể. Nếu có thắc mắc về lịch tiêm chủng cha mẹ có thể liên hệ với Trạm Y tế xã phường thị trấn nơi mình sinh sống để được tư vấn các vắc xin trong Tiêm chủng mở rộng hoặc các phòng tiêm dịch vụ để được tư vấn các vắc xin dịch vụ tùy theo nhu cầu và điều kiện cụ thể.

 

Cảm ơn bác sỹ về cuộc trò chuyện này!

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.