Thứ ba Ngày 16 Tháng 04 Năm 2024, 12:04:01

Khát vọng sống và yêu

Ngày đăng: 28/08/2019

Bài 2: Hồi sinh những trang nhật ký chiến trường

Người em trai út của liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh là Bùi Hùng Tuấn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thương nghiệp Hà Nội, anh dạy học tại Trường Trung cấp Thương nghiệp Sơn Tây. Trước ngày nhập ngũ (đầu năm 1985), anh đã xin phép gia đình cho đem theo cuốn nhật ký cuối cùng của anh Đỉnh với mục đích tìm đến nơi anh Đỉnh đã hy sinh và an nghỉ. Tại trang cuối của cuốn nhật ký này, có một người đồng đội đã vẽ sơ đồ nơi an nghỉ liệt sỹ Đỉnh. Tuy nhiên, sau 3 năm quân ngũ, Bùi Hùng Tuấn vẫn chưa thực hiện được ước nguyện vì đơn vị anh đóng quân ngoài Bắc.

Gia đình liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh tặng sách cho đoàn viên thanh niên TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Hoàn thành nghĩa vụ, Bùi Hùng Tuấn chuyển ngành về công tác tại ngành xăng dầu, rồi đến năm 1992 cùng gia đình chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc và sinh sống. Thời gian thấm thoát thoi đưa cho đến đầu năm 2010 trong một lần về quê, ông Tuấn thấy những cuốn nhật ký của anh trai dần bị ố vàng và có dấu hiệu bị mối xông. Sợ hỏng mất những điều mà người anh cả mình đã nâng niu trân quý bao năm, ông Tuấn xin phép gia đình cho đem vào miền Nam để cho các con đọc và cất giữ bảo quản. Trên đường từ nhà xuống Hà Nội rồi cả lúc đợi tàu ông Tuấn lấy cuốn nhật ký có những vần thơ bay bổng ra để đọc cho mọi người cùng nghe. Nhiều người đã rất thích thú và khen những áng văn, bài thơ bay bổng tràn đầy tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, luôn cháy bỏng khát vọng sống và yêu; là sự khát khao của tuổi trẻ hiến dâng để Tổ quốc trường tồn.

Thấy bố mẹ mỗi lần đọc lại nhật ký của bác Đỉnh rất khó khăn vì một số trang giấy đã bị ố vàng, các con ông Bùi Hùng Tuấn khuyên bố đánh máy lại toàn văn nội dung các cuốn nhật ký để đăng lên Blog và lưu lại cho nhiều người đọc được. Thấy ý tưởng hay nên hàng ngày đi làm về ông đã dành từ 1 đến 2 giờ để đánh máy lại. Ông Tuấn bền bỉ, kiên trì lật dở, thậm chí mua cả kính lúp để soi cho chuẩn xác từng câu chữ. Ông như được tiếp thêm sức mạnh, làm không biết mệt nên sau một năm, gần một nghìn trang nhật ký viết tay của anh trai đã được ông sao chép lại hoàn chỉnh và đăng tải lên trang Blog cá nhân. Có khá nhiều người quan tâm đón đọc, cổ vũ động viên ông. Thậm chí có người đọc không thiếu một trang nhật ký nào và nay đã trở thành người thân quen với gia đình liệt sỹ.

Sau nhiều đêm trăn trở suy tư và mong muốn những cuốn nhật ký của anh sẽ được lưu lại làm tài liệu giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, ông Bùi Hùng Tuấn đã quyết định biên tập, sắp xếp tuần tự lại và xin cấp phép xuất bản. Ông đã dành rất nhiều thời gian tìm gặp những đồng đội cũ của anh trai mình trò chuyện, tìm hiểu sưu tầm thêm tư liệu, tài liệu, hình ảnh; gặp những nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ có tên tuổi xin ý kiến và mong được trợ giúp. Rất may đi đến đâu ông cũng được sự giúp đỡ ủng hộ nhiệt tình với tất cả tấm lòng và trách nhiệm. Nhiều họa sĩ sau khi đọc xong bản thảo đã họa tranh tái hiện lại chân dung tự họa trong nhật ký và nội dung những trang nhật ký tiêu biểu của liệt sỹ; một số bài thơ đã được phổ nhạc thành những bài hát và nội dung cuốn nhật ký chiến trường này đã được dựng thành nhiều bộ phim tư liệu có giá trị đã đạt giải cao trong các cuộc liên hoan phim truyền hình và các cuộc thi âm nhạc.

Tháng 4 năm 2012, đúng dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Quảng Trị và cũng là 40 năm ngày giỗ của liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh, cuốn sách “Khát vọng sống và yêu” đã được Nhà xuất bản Thanh niên phát hành, trong niềm vui khôn xiết của đồng đội, gia đình và những người tham gia biên tập, in ấn. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Thọ đã dành hẳn một chương trình truyền hình trực tiếp để giới thiệu sự chuẩn bị ra mắt cuốn nhật ký này. Sau ngày ra mắt, cuốn nhật ký chiến trường “Khát vọng sống và yêu” cùng Album nhạc cùng tên tại Nhà Văn hóa Thanh niên Tp.HCM do Báo Thanh niên bảo trợ truyền thông, thì hàng nghìn cuốn sách đã được các độc giả cả nước, đặc biệt là các bạn trẻ, học sinh đón nhận như là một món quà vô giá từ quá khứ để lại.

Thể theo ước nguyện của chiến sĩ Bùi Kim Đỉnh trong một lần về phép thăm gia đình, anh thổ lộ sau khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ về làm giáo viên và gắn bó với trường học. Ngay trong dịp phát hành đầu tiên cuốn nhật ký này, ông Bùi Hùng Tuấn đã đề xuất tặng toàn bộ tiền thu được thông qua việc phổ biến và phát hành sách để thành lập Quỹ học bổng mang tên liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh nhân dịp kỷ niệm 50 Ngày thành lập Trường PTTH Việt Trì (tháng 6/2012). Khi đó gia đình ông Tuấn đã ủng hộ 50 triệu đồng để khởi đầu việc  hình thành Quỹ học bổng Bùi Kim Đỉnh tại trường. Sau đó, Hội khuyến học tỉnh Quảng Trị và Hội khuyến học tỉnh Phú Thọ đã chung tay hỗ trợ tiếp tục phát hành tái bản những lần sau để vận động, thành lập thêm Quỹ Học bổng Bùi Kim Đỉnh tại các địa phương này. Đến nay, Quỹ học bổng Bùi Kim Đỉnh hoạt động khá hiệu quả, đã dành tặng hàng trăm suất học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó, những học sinh có hoàn cảnh thuộc diện đặc biệt khó khăn ở các địa phương tại TP.HCM và trên cả nước.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.