Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 10:29:15

Huy động sức mạnh tổng lực cho công tác đặc biệt

Ngày đăng: 24/07/2018

LTS – Tiếp nối tinh thần yêu nước, phát huy đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam, trong những năm qua, các cấp, các ngành, cùng toàn xã hội đã phát huy sức mạnh tổng lực, thực hiện sâu rộng công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng…

Có thể nói, đây là công tác đặc biệt, đặt ra nhiều thách thức cho các cấp, ngành cũng như địa phương…, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, toàn diện, để tri ân hiệu quả và thiết thực với các đối tượng chính sách.

Bài 1: Toàn xã hội cùng tri ân

Kể từ năm 1947, đất nước ta có thêm một ngày đặc biệt để tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Đó là ngày 27-7, Ngày Thương binh- Liệt sĩ. Kể từ đó đến nay, hệ thống chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện. Cùng với đó, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương trong cả nước cũng ra sức hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo công tác ưu đãi với người có công đạt kết quả cao nhất.

Từ những chính sách của Đảng, Nhà nước…

Theo ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội), 71 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, tuyệt đại bộ phận người có công đã được hưởng đúng, đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Chính sách người có công lần đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành bằng Sắc lệnh số 20/SL ngày 16 tháng 2 năm 1947 quy định về hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Từ đó đến nay đã có hàng nghìn văn bản pháp quy được ban hành về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh: molisa.gov.vn.

Từ năm 1986 đến nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, hệ thống pháp luật nước ta đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội. Nhà nước đã đề ra nhiều văn bản luật ưu đãi xã hội đối với người có công, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994. Đây là hai văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 1992, đánh dấu sự tiến bộ trong hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công, cùng với các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành hai pháp lệnh này tạo thành hệ thống pháp luật về ưu đãi người có công.

Sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Pháp lệnh ưu đãi năm 1994 đã được tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới và quá trình cải cách hành chính vào các năm 1998, 2000. Và đặc biệt vào năm 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thay thế Pháp lệnh ưu đãi năm 1994 vì không còn phù hợp, chưa thực sự công bằng, Chính phủ và các bộ cũng đã ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn.

Năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005. Ngày 9-4-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Nhiều chương trình tri ân, về nguồn được tổ chức thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đến các Anh hùng liệt sĩ, người có công trong cả nước. Ảnh: Thu Hà.

Chính sách ưu đãi người có công đã từng bước được hoàn thiện về các diện đối tượng và chế độ ưu đãi. Đến nay, đã có 12 diện đối tượng người có công được quy định tại Pháp lệnh, điều kiện xem xét xác nhận đã được sửa đổi, bổ sung mở rộng nhằm đảm bảo xác nhận đúng và không bỏ sót đối tượng như đối với liệt sĩ, thương binh… Toàn quốc đã xác nhận hơn 9 triệu lượt người có công, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ,  gần 500.000 thân nhân liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Các chế độ ưu đãi được quy định đối với từng diện đối tượng người có công, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống, phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội từng thời kỳ, đảm bảo mức sống của người có công và thân nhân. Bên cạnh đó người có công và thân nhân còn được hưởng các ưu đãi khác về đất ở, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, cấp phương tiện chỉnh hình, phục hồi chức năng, bảo hiểm y tế, giáo dục đào tạo, tín dụng…

… Đến sự vào cuộc của toàn xã hội

Hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc người có công, những năm qua, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội đã triển khai hàng loạt các hoạt động tri ân, thể hiện sâu sắc sự quan tâm tới những đối tượng chính sách.

Đại diện Hội Phụ nữ Sư đoàn 316, Quân khu 2 thăm, tặng quà gia đình nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam.

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Yêm, Phó cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, với nhiệm vụ là cơ quan đầu ngành thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác chính sách trong Quân đội, năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Cục Chính sách đã kịp thời tham mưu, đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng triển khai, nghiên cứu, đề xuất ban hành nhiều văn bản về chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Từ năm 2017 đến nay, Cục Chính sách đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 189 liệt sĩ, ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đối với 1.277 thương binh, 118 bệnh binh… Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực, hiệu quả, nổi lên là việc vận động cung cấp và xử lý thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tổ chức rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2017 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập 3.265 hài cốt liệt sĩ (ở trong nước là 1.554 hài cốt, ở nước ngoài 2.071 hài cốt). Hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được phát triển sâu rộng trong toàn quân.

Tại Sư đoàn 316, một trong những sư đoàn chủ lực đủ quân đầu tiên của Quân đội, công tác chính sách với người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ cũng được quan tâm đặc biệt. Thượng tá Đỗ Duy Chinh, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 316 cho rằng, thực hiện chính sách ưu đãi với người có công là việc làm thể hiện sự tri ân sâu sắc với lớp người đi trước, làm tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Trong những năm qua, Sư đoàn 316 tổ chức giải quyết đúng, đủ các chế độ tiêu chuẩn, chính sách cho người có công. Các dịp lễ, tết, đơn vị đều thực hiện thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ; thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn đơn vị đóng quân… Công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ cũng được triển khai đồng bộ với việc rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ thông tin liệt sĩ của đơn vị…

Đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức đại diện cho thế hệ trẻ cho biết, những năm qua, cùng với các cấp, các ngành, tuổi trẻ của các địa phương trong cả nước cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, tỏ lòng tri ân, trách nhiệm của mình đối với các Anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được tổ chức gắn với việc triển khai thực hiện “Tháng Thanh niên”, “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè”; chương trình “Xuân tình nguyện”, “Tuần đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”. Với phương châm tổ chức các hoạt động thiết thực, có hiệu quả và hướng về cơ sở, các cấp bộ Đoàn và tuổi trẻ các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Thăm, tặng quà, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các thương binh, bệnh binh, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng; tổ chức liên hoan văn nghệ tuyên truyền các ca khúc cách mạng; chăm sóc nghĩa trang, mộ liệt sĩ; tổ chức Lễ thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ…

Có thể nói, trong những năm qua, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn được thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế; các cấp, ngành, tổ chức xã hội và nhân dân cũng hết sức tích cực tham gia chăm sóc người có công với cách mạng, từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công, góp phần giữ vững ổn định chính trị- xã hội, có tác dụng sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nói chung và các gia đình có công với cách mạng nói riêng./.

(Theo QĐND Online)

Bài 2: Hiệu quả từ công tác phối hợp

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top