Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 02:50:53

Huy động sức mạnh tổng lực cho công tác đặc biệt (bài 3)

Ngày đăng: 25/07/2018
Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947/ 27-7-2018)

Huy động sức mạnh tổng lực cho công tác đặc biệt (bài 3)

Có thể nói, đây là công tác đặc biệt, đặt ra nhiều thách thức cho các cấp, ngành cũng như địa phương…, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, toàn diện, để tri ân hiệu quả và thiết thực với các đối tượng chính sách.

Bài 3: Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, đổi mới cách làm

Dù đã đạt nhiều kết quả trong thực hiện công tác chính sách ưu đãi với người có công, quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, nhưng không thể phủ nhận, vẫn còn có hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện công tác đặc biệt này. Những vướng mắc này đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi những sự thay đổi từ chủ trương, chính sách đến quá trình thực hiện của các bộ, ngành, địa phương để không chỉ Nhà nước, các cấp, ngành mà cả xã hội có thể cùng chung tay thực hiện công tác chăm sóc người có công, như một nghĩa cử tri ân cao đẹp.

Tháo gỡ từ chính sách…

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Yêm, Phó cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, hiện nay,  hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên, chưa thực sự đồng bộ, thống nhất; chưa phù hợp với thực tiễn và chưa sát với từng nhóm đối tượng; một số văn bản quy định thiếu cụ thể về điều kiện, căn cứ, tiêu chuẩn giữa đối tượng được công nhận và đối tượng không được công nhận người có công với cách mạng. Quy định về hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng diện tồn đọng còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, đổi mới cách làm để thực hiện công tác chăm sóc người có công. Ảnh: Hải Đăng.

Cùng quan điểm này, theo đại diện Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, hiện nay, trong công tác chăm sóc người có công, thực hiện chính sách ưu đãi cũng như quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc hoàn thiện các hồ sơ thương binh, bệnh binh để chi trả trợ cấp ưu đãi đang gặp khó khi chiến tranh đã lùi xa, việc lưu trữ hồ sơ không đầy đủ.

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình xem xét, xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như  thương binh vẫn còn tình trạng đối tượng lợi dụng để trục lợi chính sách, gây tổn thất ngân sách, giảm uy tín của Đảng, Nhà nước trước nhân dân và gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng tình hình chính trị-xã hội. Thời gian vừa qua, qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và đình chỉ trợ cấp của gần 7.000 đối tượng do không đủ điều kiện hưởng, trong đó riêng thương binh là gần 4.000 đối tượng, chủ yếu tập trung vào các dạng sai sót như xác nhận sai, giấy tờ gốc làm căn cứ xác lập hồ sơ không đảm bảo tính pháp lý (tẩy xóa, sửa chữa, ghi thêm), giả mạo giấy tờ gốc…

Trước những thực tế này, Cục trưởng Cục Người có công cho rằng, cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công phù hợp với từng đối tượng và điều kiện kinh tế xã hội của đất nước. Đại diện Bộ CHQS tỉnh Hà Giang nêu kiến nghị cần phải có những chính sách mới trong việc xác định hồ sơ thương binh, liệt sĩ để việc hoàn thiện hồ sơ, chi trả trợ cấp được tiến hành đúng tiến độ, tránh gây bức xúc cho nhân dân.

Đối với công tác quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, đại diện Bộ CHQS tỉnh Hà Giang cho rằng, công tác này cũng đang khó khăn khi mà lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh chưa được rà phá rất nhiều, đòi hỏi những chính sách mới trong công tác quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để vừa đảm bảo an toàn cho đội ngũ quy tập, vừa nhanh chóng hoàn thành công tác thiêng liêng này. Kiến nghị của Bộ CHQS tỉnh Hà Giang cũng là kiến nghị chung của nhiều địa phương khác trong cả nước, đặc biệt là những địa phương còn nhiều mộ liệt sĩ chưa được tìm kiếm, quy tập.

Theo báo cáo của Cục Người có công, hiện nay, cả nước còn khoảng hơn 200.000 hài cốt chưa được quy tập và khoảng hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ  đã quy tập nhưng chưa đầy đủ thông tin. Công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn đang gặp nhiều vướng mắc như: Thiếu thông tin về liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ; hồ sơ, sơ đồ quy tập hài cốt liệt sĩ; địa hình, địa vật phức tạp và thay đổi nhiều; số lượng hài cốt nhiều, nằm nhiều nơi ở trong nước và nước ngoài; số mẫu hài cốt và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ cần phân tích quá lớn… Đại diện Cục Người có công cho biết đã tham mưu việc tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

… Đến tổ chức triển khai sâu rộng xã hội hóa…

Thực tế cho thấy, việc thực hiện công tác chính sách ưu đãi với người có công, trong đó có thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo thông qua hệ thống văn bản chính sách ưu đãi.

Cùng với hệ thống chủ trương, chính sách của Nhà nước, sự quan tâm của cộng đồng sẽ tạo nên nguồn lực to lớn giúp đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công được cải thiện, đồng thời tạo mọi điều kiện và nguồn lực có thể để bản thân người có công tự nỗ lực vươn lên.

Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang cung cấp.

Trước những thay đổi mới của xã hội, công tác thực hiện chính sách ưu đãi với người có công cũng cần có những chuyển biến mới trong tổ chức triển khai mà trọng tâm là hướng tới huy động sự vào cuộc của toàn xã hội. Ở đó không chỉ là sự phối hợp giữa các đơn vị chủ quản, có trách nhiệm mà là sự tham gia của cả các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các cá nhân, nhà hảo tâm… cùng góp công, góp của để công tác đặc biệt được thực hiện hiệu quả.

Hiện nay tại hầu hết cả tỉnh, thành phố trong cả nước đã bắt đầu huy động sức mạnh tập thể, thực hiện xã hội hóa trong thực hiện công tác đặc biệt này và ghi nhận những kết quả khả quan. Nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ cho việc chăm sóc, giúp đỡ và hỗ trợ các đối tượng chính sách, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa và nhiều hình thức hỗ trợ khác. Có những doanh nghiệp đã coi việc quan tâm, chăm sóc các đối tượng chính sách là hoạt động truyền thống, luôn có các hoạt động quan tâm chăm sóc đối tượng chính sách một cách tích cực.

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người công trong thời kỳ mới. Ảnh: Thu Hà.

Hà Nội là địa phương có số người có công lớn, với gần 80 vạn người (chiếm gần 10% toàn quốc, theo thống kê năm 2017). Từ năm 2016, thành phố đã vận động xã hội hóa và ứng trước nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 7.566 hộ gia đình người có công, với số tiền hơn 402 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách là 229 tỷ đồng, nguồn vận động xã hội hóa là 173 tỷ đồng, đến nay cơ bản các hộ gia đình người có công đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Rõ ràng, xã hội hóa đang đem lại kết quả tích cực, thiết thực. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác xã hội hóa thì việc tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện chính sách ưu đãi với người có công cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, để tất cả các tầng lớp nhân dân có nhận thức đầy đủ về công tác đặc biệt này.

71 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc, cả hệ thống chính trị-xã hội, qua từng thời kỳ, đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động tri ân tới những người con trung hiếu của Tổ quốc. Năm nay, dù không phải là năm chẵn kỷ niệm, nhưng hàng loạt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, tặng quà các gia đình có công, gia đình liệt sĩ đã bắt đầu được triển khai tại các địa phương trong cả nước, như một sự tri ân sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân tới thế hệ anh hùng.

(Theo QĐND  Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top