Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 05:49:26

Huy động sức mạnh tổng lực cho công tác đặc biệt (bài 2)

Ngày đăng: 24/07/2018

LTS – Tiếp nối tinh thần yêu nước, phát huy đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam, trong những năm qua, các cấp, các ngành, cùng toàn xã hội đã phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng…

Có thể nói, đây là công tác đặc biệt, đặt ra nhiều thách thức cho các cấp, ngành cũng như địa phương…, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, toàn diện, để tri ân hiệu quả và thiết thực với các đối tượng chính sách.

Bài 2: Hiệu quả từ công tác phối hợp

Việc hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi đối với người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ đặt ra yêu cầu riêng đối với mỗi cấp, ngành. Từ những đặc điểm riêng, mỗi địa phương, đơn vị lại có những cách làm khác nhau khi triển khai công tác đặc biệt này. Tuy nhiên, một điểm chung dễ nhận thấy là sự phối hợp giữa các cấp, ngành, các cơ quan đơn vị đang ngày càng phát huy tác dụng, giúp công tác thực hiện chính sách với người có công được thực hiện thuận lợi. Kinh nghiệm cho thấy, ở địa phương nào có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, từ Bộ CHQS đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tổ chức Đoàn thể địa phương sẽ đem lại hiệu quả tốt…

Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng

Là địa bàn rộng, đối tượng chính sách đông, phần lớn là người dân tộc thiểu số, thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau, công tác chính sách, đặc biệt là công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại Hà Giang bị cản trở bởi nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Thế nhưng, trong cái khó ló cái khôn, những người làm chính sách tại Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đã nghĩ ra phương pháp phát phiếu thông tin khảo sát để nhanh chóng nắm bắt thông tin mộ liệt sĩ.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đẩy mạnh trong những năm vừa qua.

Theo Thượng tá Trần Hữu Khanh, Trưởng Ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, càng khó khăn, đội ngũ làm công tác chính sách càng thêm ý chí, làm việc bằng cái tâm, để làm sao, giải quyết nhanh nhất chế độ ưu đãi cho các đối tượng chính sách cũng như nhanh chóng quy tập hài cốt liệt sĩ, đưa các anh về yên nghỉ nơi đất Mẹ. Với việc tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang áp dụng phương pháp phát phiếu thông tin khảo sát tới từng xã, phường để thu thập thông tin từ nhân dân, nếu có thông tin mới nào sẽ được nhân dân báo tới các cơ quan thẩm quyền một cách nhanh nhất, còn với việc giải quyết chế độ ưu đãi cho người có công, địa phương này cũng chủ động đốc thúc các đơn vị liên quan làm việc nhanh chóng, hiệu quả.

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được Bộ CHQS tỉnh Hà Giang đẩy mạnh trong những năm vừa qua.

Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang lại chú trọng đi sâu vào việc tuyên truyền thông qua Đài PT-TH tỉnh cũng như các Đài PT-TH huyện, đài truyền thanh xã, phường để đưa những thông tin về chủ trương, chính sách của Nhà nước về thực hiện chính sách ưu đãi với người có công đến nhanh nhất với mọi tầng lớp nhân dân.

Đại tá Nguyễn Văn Tiệp, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang cho biết, để các chính sách ưu đãi người có công đến gần hơn với quần chúng nhân dân, việc tổ chức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là cần thiết. Qua đó, huy động sự giúp đỡ từ chính các tầng lớp xã hội trong thực hiện chính sách sao cho nhanh nhất, đúng nhất và hiệu quả nhất. Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, biện pháp thiết thực, bảo đảm cho các tổ chức và cá nhân liên quan hiểu đầy đủ, đúng đắn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý nghĩa của chính sách ban hành; hiểu và nắm chắc về đối tượng, điều kiện áp dụng và nội dung chế độ, chính sách, thủ tục hồ sơ, quy trình, trách nhiệm thực hiện, tạo sự quan tâm, đồng thuận và giám sát chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức và nhân dân trong tổ chức thực hiện chính sách.

Bộ CHQS tỉnh Hà Giang tổ chức thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Bộ CHQS tỉnh Hà Giang cung cấp.

Cách làm của Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đem lại hiệu quả vô cùng thiết thực. Đại tá Nguyễn Văn Tiệp chia sẻ, thành công lớn nhất là Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai tập huấn cho cấp ủy, lãnh đạo để nâng cao nhận thức cho từ cấp lãnh đạo hiểu rõ các chính sách mới. Sau đó, các thông tin này cũng được phối hợp tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp xã hội, đối tượng chính sách trên toàn tỉnh. Tư tưởng có thông thì công việc mới suôn sẻ, với phương châm ấy, Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các cấp, ngành thực hiện công tác chính sách đạt được hiệu quả, nhận được sự ủng hộ, ghi nhận từ nhân dân địa phương.

Phối hợp sâu, rộng giữa các ban, ngành, đoàn thể

Câu chuyện phối hợp không phải là câu chuyện mới. Trong nhiều mặt của đời sống xã hội đã ghi nhận những tác dụng hiệu quả từ việc phối hợp giữa các tổ chức liên quan, tuy nhiên, trong lĩnh vực thực hiện chính sách đối với người có công thì sự phối hợp chặt chẽ sẽ thực sự đem lại hiệu quả đặc biệt. Bởi lẽ, ngay trong các chủ trương, chính sách do Chính phủ, Nhà nước ban hành cũng đã khẳng định, thực hiện công tác chính sách cho người có công là một nhiệm vụ quan trọng, rộng lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân. Thực tế đã chứng minh, tại các địa phương có sự kết nối, trao đổi, hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị chủ quản như: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ CHQS tỉnh cho đến các đơn vị liên quan như: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi,… sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công.

Sư đoàn 316 phối hợp với chính quyền địa phương trao nhà đồng đội. Ảnh: Sư đoàn 316 cung cấp.

Tại Sư đoàn 316, số lượng thông tin liệt sĩ phải rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh tính liệt sĩ lên đến con số hơn 20 nghìn. Ngay sau khi có Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Hướng dẫn số 1914/HD-VP ngày 16-7-2015 của Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia 1237 về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn và cấp ủy chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã chỉ đạo tốt việc quán triệt sâu kỹ tới 100% cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị nắm để thực hiện. Đơn vị đã triển khai xong việc giải mã phiên hiệu, ký hiệu đơn vị trong chiến tranh, phục vụ tốt việc cung cấp chính xác thông tin về đơn vị, địa bàn và thời gian chiến đấu, nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu của liệt sĩ. Để đạt được sự chuẩn hóa trong thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, theo Thượng tá Nguyễn Duy Chinh, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 316, đó là nhờ vào sự phối hợp, hiệp đồng giữa Sư đoàn với Bộ CHQS của 42 tỉnh, thành phố.

Đối với địa phương như Tuyên Quang, Đại tá Nguyễn Văn Tiệp, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang cho biết: Hằng tháng giữa Bộ CHQS tỉnh luôn có những trao đổi kịp thời với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác chính sách, từ đó, cùng tìm ra những giải pháp mới để nâng cao chất lượng công tác. Các đơn vị có nhiệm vụ, chức trách trên địa bàn cũng thường xuyên phối hợp, thống nhất đánh giá rà soát đối tượng chính sách đảm bảo không để sót đối tượng. Với các tổ chức chính trị xã hội như: Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi đã ký kết quy chế phối hợp hoạt động, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi khi triển khai phối hợp.

Tại Hà Giang, một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện công tác chính sách cho người có công, công tác phối hợp cũng được triển khai sâu rộng. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang đã phối hợp với UBND các huyện, bưu điện tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Theo Thượng tá Trần Hữu Khanh, Trưởng Ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, công tác phối hợp giữa Bộ CHQS tỉnh với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng được thực hiện thường xuyên và không gặp khó khăn, cản trở nào.

Được ví như khúc ruột miền Trung, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là nơi chứng kiến hàng ngàn người con ưu tú đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Ngày nay, cùng với các cấp, ngành, đoàn thể xã hội, Ban CHQS huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cũng nỗ lực làm tốt công tác chính sách vừa như một sự tri ân sâu sắc, vừa bù đắp lại những mất mát mà tổn thất chiến tranh mang lại cho vùng đất này. Thượng tá Trần Quang Đạt, Chính trị viên Ban CHQS huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, công tác Đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn huyện được thực hiện sâu rộng, đạt được những kết quả thiết thực. Không chỉ tổ chức nhiều hoạt động tri ân, đơn vị còn huy động ngày công tham gia cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, nhà tình nghĩa; đẩy nhanh thực hiện Quyết định 49 của Chính phủ cho 8.326 đối tượng, hiện đã chi trả cho hơn 4.000 đối tượng (hơn 9 tỷ)…

Có thể nói, những kết quả nổi bật trong thực hiện công tác chính sách ưu đãi với người có công ở các địa phương là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả từ sự phối hợp chặt chẽ, sâu sát và liên tục giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai, thực hiện công tác chính sách. Đúng như câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, nhờ sự phối hợp, những năm qua, tại nhiều địa phương, công tác thực hiện chính sách cho người có công đã có kết quả nổi bật, góp phần thực hiện an sinh xã hội, thể hiện đúng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

(Theo QĐND Online)

Bài 3: Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, đổi mới cách làm

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.