Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 06:47:29

Hướng về nguồn cội

Ngày đăng: 23/04/2018

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân, con lạc cháu hồng từ nhiều thế hệ nay. Ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam để tưởng nhớ công ơn của các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Lễ hội được tổ chức vào ngày 10-3 âm lịch hàng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ).

Năm nay, Lễ hội Đền Hùng được diễn ra từ ngày 21 đến 25-4 .

Truyền thuyết kể rằng: Kinh Dương Vương sinh một con trai, sau nối ngôi vua cha lấy danh là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con là tổ tiên của người Bách Việt. Một ngày, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp rất khó”. Vì vậy, 50 người con theo mẹ lên non, 50 người con theo cha xuống biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi làm vua. Trải qua 18 đời, vua Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho An Dương Vương. Các đời sau đã lấy ngày 10-3 âm lịch làm ngày Giỗ tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các vua Hùng và nhắc nhở người dân Việt Nam cùng tưởng nhớ, thờ cúng tổ tiên.

Ngày giỗ tổ Hùng Vương 10-3 chính là nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, công ơn của những người đi trước. Hàng năm, cứ vào ngày này thì người dân Việt Nam dù đang ở đâu cũng cùng nhau hướng về Đền Hùng, nơi cội nguồn của dân tộc.

Từ ý nghĩa quan trọng đó nên nghi thức được tiến hành khá cầu kì. Khi tế lễ Hùng Vương thường có âm nhạc, lễ vật và một ban tế lễ gồm những người có chức sắc được làm chủ tế.

Năm nay, Lễ hội Đền Hùng được diễn ra từ ngày 21 đến 25-4 (tức ngày 6 đến 10-3 âm lịch) với nhiều nội dung phong phú, đa dạng và đặc sắc. Được chia làm hai phần: Phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ gồm: Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại Đền Thượng, lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, lễ dâng bánh dầy và bánh chưng, lễ rước kiệu về Đền Hùng và lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018… Phần hội gồm: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố, chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội Đền Hùng năm 2018, hội thi bơi chải Việt Trì, hội sách Đất Tổ và triển lãm ảnh nghệ thuật, tổ chức trình diễn Hát Xoan, biểu diễn múa rối nước…

Để chuẩn bị tốt cho các hoạt động nói trên, trước đó thành phố Việt Trì đã chủ động tạo không gian riêng cho mỹ quan đô thị mang đậm nét đặc trưng vùng miền với hàng trăm cờ Tổ quốc, cờ đôi đuôi cá, băng zôn, biểu ngữ… tại các tuyến đường của thành phố và các điểm công cộng, duy trì hệ thống đèn chiếu sáng và đèn trang trí, thay đổi nội dung khẩu hiệu, hình ảnh tuyên truyền trên bảng điện tử, đèn Led và các cụm đèn trang trí. Thành phố Việt Trì đã tiến hành chỉnh trang đô thị, chuẩn bị cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đón đồng bào về dự Giỗ Tổ. Song song với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch cũng được chăm lo hết sức khẩn trương với mục tiêu tạo sự thuận lợi, hài lòng nhất cho đồng bào cùng du khách về dự Giỗ Tổ và tham gia các hoạt động lễ hội.

 Với sự chuẩn bị chu đáo, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018 sẽ thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy lan tỏa giá trị văn hóa Hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương khi hành hương về Đất Tổ –  nơi tìm về nguồn cội.

Bài, ảnh: BÙI THỦY

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.