Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 04:46:14

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12

Ngày đăng: 17/11/2020

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức đã khai mạc ngày 16-11, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, tình hình Biển Đông vẫn còn nhiều thách thức khó lường, tác động đến hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực. Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, các bên cần nêu cao tinh thần đối thoại, thúc đẩy hợp tác, cùng phát triển và cùng tìm các giải pháp hòa bình cho những khác biệt và tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế; tăng cường hợp tác, biến Biển Đông thành vùng biển kết nối và hợp tác thay vì cạnh tranh và đối đầu; tăng cường xây dựng và duy trì một môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác biển ở Biển Đông; chủ động phòng tránh nguy cơ đụng độ ngoài ý muốn trên biển; thúc đẩy hợp tác nhằm phục hồi kinh tế và cùng phát triển; hợp tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tăng cường nghiên cứu khoa học biển và phát triển bền vững ở Biển Đông; không ngừng hướng tới giải quyết hòa bình các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, các nước cần tiếp tục thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, ủng hộ tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhất trí việc ASEAN có một cách tiếp cận chiến lược chung đối với vấn đề an ninh biển khu vực; tạo điều kiện thuận lợi để ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn thành đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); không tiến hành các hoạt động đơn phương, cả quân sự và dân sự nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông; tiếp tục đề cao, tôn trọng sự toàn vẹn và giá trị thống nhất, phổ quát của UNCLOS 1982, coi công ước này là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động trên biển, đồng thời cần tôn trọng quyền lợi hợp pháp căn cứ theo luật pháp quốc tế của các bên liên quan ở Biển Đông.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 16 và 17-11 với 8 phiên lớn và 1 phiên đặc biệt, với các chủ đề: (1) Tình hình Biển Đông trong tình hình thế giới biến động; (2) Vai trò của ASEAN với tầm nhìn sau năm 2025; (3) Tranh luận pháp lý bằng công hàm tại Liên hợp quốc; (4) Cạnh tranh định hình công luận về Biển Đông và vai trò của báo chí; (5) Xây dựng các quy tắc ứng xử để tránh va chạm tại Biển Đông; (6) Nguồn cá, nghề cá và bảo vệ tài nguyên sinh vật biển; (7) Nghiên cứu khoa học biển; (8) Khai thác tài nguyên biển bền vững và phiên đặc biệt cho phép giới trẻ chia sẻ quan điểm về vấn đề Biển Đông.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.