Thứ ba Ngày 16 Tháng 04 Năm 2024, 04:58:29

Học tập tinh thần làm báo của Bác

Ngày đăng: 20/06/2019

QK2 – Suốt cuộc đời làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và gắn bó với hoạt động báo chí. Người từng học báo, viết báo, bán báo; đồng thời sáng lập ra nhiều tờ báo, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn người làm báo trưởng thành. Người đã sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Phóng viên Báo Quân khu luôn bám sát, phản ánh kịp thời những sự kiện diễn ra trên địa bàn.

 Bài báo đầu tiên của Bác là “Bản yêu sách của dân tộc Việt Nam", đăng trên báo Nhân loại, ngày 18-6-1919, ký tên Nguyễn Ái Quốc. Bài báo cuối cùng là: "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng", đăng trên báo Nhân Dân, ngày 1-6-1969, với bút danh T.L. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác tròn nửa thế kỷ làm báo. Người đã viết báo đủ các thể loại, bằng nhiều thứ tiếng; sáng lập và chỉ đạo nhiều tờ báo, viết hàng ngàn bài báo khác nhau.

Tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) do Bác là chủ bút, kiêm chủ nhiệm. Những người cộng sự với Bác, người là luật sư, người là thầy thuốc, nhà buôn hoặc sinh viên, họ bận bịu công việc và gia đình nên không thể để nhiều thì giờ cho tờ báo, mỗi người chỉ có thể góp một số tiền nhỏ và tham gia viết chút ít. Bác là nhân vật chính cho tờ báo chạy, vì vậy, Bác là người viết chính kiêm chủ nhiệm, chủ bút, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc. Lúc đầu, Bác gửi báo bán ở những cửa hàng nhỏ nhưng không chạy lắm. Bác tìm ra cách tìm đến trong những cuộc mít tinh dân chúng và phát báo. Qua đó, mọi người ủng hộ Bác có tiền để duy trì tờ báo. Việc xuất bản tờ Người cùng khổ là một vố đánh vào bọn thực dân, lập tức có lệnh cấm không cho tờ báo đó vào các thuộc địa. Nhưng Bác đã không chịu thua. Bác nhờ những thủy thủ có cảm tình chuyển báo đi các thuộc địa cùng nhiều cách phổ biến tờ báo bí mật khác. Những người lao động Việt Nam ở Pháp mặc dù số nhiều không biết đọc, cũng bí mật gửi tiền quyên cho báo.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác luôn quan tâm đến báo chí và đào tạo đội ngũ báo chí cách mạng. Bác học và rèn viết báo từ “trường đời”, “trường cách mạng” chứ không phải ở một trường đại học báo chí nào. Những năm 1938, 1939, Đảng Cộng sản Đông Dương cho ra tờ báo Đảng (Báo Dân Chúng) và tờ Notre Voix xuất bản bằng tiếng Pháp. Đang công tác ở nước ngoài, Bác gửi bài về đăng ở trong nước tố cáo tội ác của đế quốc và góp ý kiến chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập báo Thanh niên (21/6/1925) xuất bản tại Quảng Châu, Trung Quốc đưa về nước, hướng tôn chỉ mục đích của tờ báo vào nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ, vận động quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ thanh niên phải đoàn kết đứng lên cứu nước, cứu nhà, tự đem sức ta mà giải phóng cho ta.

Người đã nhận ra và luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén của người làm cách mạng. Người đã tạo ra phong cách viết báo độc đáo đồng thời người nêu ra nhiều quan điểm cần thiết cho người làm báo. Người dạy, viết báo phải có căn cứ, viết sát đối tượng, viết ngắn gọn, giản dị, viết sinh động, lôi cuốn; đồng thời phải viết thẳng thắn, có tính chiến đấu và người làm báo phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng. Đặc biệt, khi viết và gửi báo, Bác luôn khiêm tốn, cầu thị học hỏi và tôn trọng bạn đọc. Bác nhờ anh em ở tòa báo sửa bài và quan điểm của Bác là sửa để tác giả được học hỏi thêm. Khi có sai sót, Bác nhận khuyết điểm và thành thật tự phê bình, xin lỗi bạn đọc. Trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác thường xuyên viết báo biểu dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua kháng chiến, kiến quốc, xây dựng con người mới, bài trừ thói hư, tật xấu…

Hàng nghìn tác phẩm báo chí Bác để lại đề cập nhiều lĩnh vực rộng lớn của đời sống xã hội di sản quý cho cách mạng. Người quan niệm "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ". Người là người thầy của các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam. Tư tưởng, quan niệm và những lời dạy của Người đối với các nhà báo mãi mãi là sợi chỉ đỏ để các nhà báo nghiên cứu, học tập và làm theo.

VIỆT LONG (tổng hợp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.