Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 12:45:01

Hoàn thành tốt nhiệm vụ trên vùng chiến lược Tây Bắc

Ngày đăng: 25/10/2017

Trước năm 2000, vùng Tây Bắc rất khó khăn từ kinh tế đến an ninh, chính trị… sự có mặt của Ban chỉ đạo Tây Bắc đã giúp Bộ Chính trị kiểm tra, nắm tình hình và quan trọng nhất là tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển vùng. Sau 15 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Bộ Chính trị đánh giá cao, Báo Quân khu xin trích đăng một số nội dung trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Bắc Hầu A Lềnh.

Đồng chí Hầu A Lềnh.

 PV: Khi thành lập, nhiệm vụ của các ban chỉ đạo, trong đó có Ban chỉ đạo Tây Bắc tập trung vào vấn đề gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Hầu A Lềnh: Nhiệm vụ lúc đầu chỉ thực hiện các vấn đề liên quan an ninh chính trị, dân tộc, tôn giáo. Sau này bổ sung nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị cho cơ sở, quốc phòng và an ninh. Như vậy, nhiệm vụ bao hàm hết tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng an ninh, tôn giáo đến xây dựng hệ thống chính trị (trọng tâm xây dựng hệ thống cán bộ cơ sở, công tác quy hoạch, bố trí, bổ nhiệm, đào tạo cán bộ, tổ chức Đảng ở cơ sở). Đây là hoạt động trung gian, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương chứ không phải là chức năng độc lập.

PV: Vậy trong 15 năm qua, Ban chỉ đạo Tây Bắc thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào?

Đồng chí Hầu A Lềnh: Theo đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương và ngay tại Hội nghị Trung ương 6 vừa rồi, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trình trước Trung ương đã khẳng định: Các ban chỉ đạo trong đó có Ban chỉ đạo Tây Bắc đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cụ thể Ban chỉ đạo Tây Bắc đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra nhiều đề án, dự án. Trong đó có thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh trung du vùng núi phía Bắc. Sau đó là triển khai thực hiện kết luận về tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội, bao hàm quy hoạch đến phát triển ngành, kinh tế giảm nghèo, xây dựng hệ thống chính trị…

Ban chỉ đạo Tây Bắc đã lập các đề án mang tính đặc thù trên địa bàn vùng như đề án phát triển kinh tế, xã hội của Mường Nhé (Điện Biên)… hay các đề án liên quan đến các dự án di dân, xây dựng thủy điện, xây dựng hệ thống giao thông trên địa bàn vùng. Cầu Pá Uôn (Quỳnh Nhai, Sơn La) hay cầu từ thị xã Mường Lay nối Lai Châu với Điện Biên đều do Ban chỉ đạo Tây Bắc đề xuất… Nhờ vậy mà đời sống, giao thông đi lại vùng Tây Bắc khởi sắc lên.

PV: Vậy theo đồng chí, việc giải thể các ban chỉ đạo trong đó có Tây Bắc lúc này là hợp lý?

Đồng chí Hầu A Lềnh: Ban chỉ đạo chỉ là cấp trung gian, có sứ mệnh trong một giai đoạn nhất định, với từng nhiệm vụ cụ thể. Hiện các cấp từ Trung ương đến địa phương đã đảm nhận, phối hợp và triển khai những công việc thuận lợi hơn rất nhiều. Vì vậy, tôi thấy việc giải thể các ban chỉ đạo lúc này là hợp lý. Có thể nói, đến bây giờ các bộ, ban, ngành, các địa phương đã chủ động hoàn toàn, vậy nên không cần thiết phải có ban chỉ đạo này nữa

PV: Ban chỉ đạo đã chuẩn bị tâm thế cho việc dừng hoạt động trên như thế nào?

Đồng chí Hầu A Lềnh: Chúng tôi xác định tư tưởng lâu rồi. Bắt đầu từ khi có đề án Trung ương 6, thực ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng đặt vấn đề này rồi. Không đặt vấn đề cụ thể sẽ là ai, nhưng mình đã tiếp thu nghị quyết, biết rõ ràng hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cần tinh gọn, hiệu quả, cắt bỏ khâu trung gian và chắc chắn trong nhiệm kỳ này sẽ tổ chức, sắp xếp lại bộ máy.

PV: Theo đồng chí, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Tây Bắc được ghi nhận như thế nào?

Đồng chí Hầu A Lềnh: Phải nói rằng trong 15 năm hoạt động, với vai trò là phối hợp nên có những lúc chức năng, nhiệm vụ của ban chỉ đạo trùng với các bộ, ban, ngành, vậy nên hiệu quả mang lại chưa thấy rõ nét, có lúc không thể nổi hẳn lên được. Tuy nhiên xét về chức năng nhiệm vụ, yêu cầu công tác thì chúng tôi cơ bản hoàn thành nhiệm vụ.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PHÚ BÌNH (thực hiện)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.