Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 09:54:13

Hình ảnh chiến sĩ biên cương phía Bắc qua văn học nghệ thuật

Ngày đăng: 17/02/2019

QK2 – Tôi còn nhớ ngày nhỏ, mỗi lẫn được nghe lời ca: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…”, mặc dù còn nhỏ nhưng thấy trái tim rạo rực khi một phần máu thịt của Tổ quốc bị đe dọa. Lớn lên vào quân ngũ, qua các hình thức nghệ thuật thơ, ca, nhạc, họa…, thấy hình ảnh và cuộc sống của những chiến sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mới cao cả làm sao!

Viếng Đài tưởng niệm liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang trên điểm cao 468.

Những câu chuyện có thật về  sự tàn khốc của cuộc chiến như ngày giỗ trận chung của Sư đoàn 356 (ngày 12-7-1984); đạn pháo nã vào làm thấp ngọn núi, biến những phiến đá khổng lồ thành “lò vôi thế kỷ” hay hình ảnh người dân sơ tán khi giặc ùn ùn kéo sang… được các cựu chiến binh ngày ấy kể lại còn hằn in trong tâm trí. Có một hình ảnh sâu hơn, đẹp hơn, ấy là lời bài hát đầy thiết tha mà hào sảng từ sáng tác của nhạc sĩ Trần Chung, phổ thơ Lò Ngân Sủn: “Chiều biên giới em ơi!/Có nơi nào xanh hơn/ Như chồi xanh cỏ biếc/ Như rừng cây của lá/ Như tình yêu đôi ta”. Giữa cuộc chiến khốc liệt ấy mà lời thơ cảm xúc tràn trề, đầy chất thơ. Nghe bài hát thấy có tiếng suối, tiếng nhạc ngựa, tiếng lau rừng xào xạc trong gió và ở đó thấp thoáng bóng người chiến sĩ cầm súng bảo vệ biên cương. Nếu không có hình ảnh “Đôi ta cùng chiến hào/ Tình yêu đẹp tiếng hát/ Giữ đất trời quê ta” thì người nghe không biết đây là bài thơ, bài hát ra đời giữa cuộc chiến đấu căng thẳng kéo dài. Hình ảnh, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc với giai điệu mượt mà, bay bổng trên nền thơ làm cho người đọc, người nghe cảm thấy cuộc sống, chiến đấu bảo vệ biên cương nhẹ nhàng như cuộc sống bình yên nơi núi rừng đầu nguồn biên giới.

Một nhà thơ, hay đúng hơn là một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, đó là bác Lê Đức Thọ từng có nhiều cảm nhận, chia sẻ với cuộc sống, chiến đấu của người chiến sĩ nơi biên giới. Khi đã vào độ tuổi “xưa nay hiếm”, chân chồn gối mỏi, bác Lê Đức Thọ đã có chuyến lên thăm điểm tựa nơi biên cương. Bác đã cảm nhận sâu sắc cuộc sống khó khăn, thiếu thốn cũng như cuộc chiến đấu vất vả, hy sinh của người chiến sĩ. “Điểm tựa trên cao, anh đứng giữa đỉnh đồi/ Một mảnh áo bông thay nhau khi đổi gác/ Súng lạnh buốt tay, mắt hướng về phía trước/ Tai lắng nghe từng tiếng động trong đêm…”. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn ấy cứ tự nhiên chảy trong vần thơ của nhà lãnh đạo có tâm hồn thi sĩ, đồng cảm, sẻ chia. “Gạo sấy khoai mì và bát canh toàn quốc/ Nước chấm đại dương cũng đỡ lúc đói lòng/ Cũng có khi thịt ấm chân răng/ Nhưng có bữa cơm toàn muối trắng/ Sinh hoạt tinh thần còn bao thiếu thốn/ Cả năm trời mới có một lần phim…”. Và nữa, cuộc sống tình cảm nơi biên cương xa gia đình thì “Mấy tháng một lần thư nhà mới đến/ Mẹ lại báo về vì mấy sào ruộng khoán/ Thiếu bàn tay lao động để tăng gia…”.

Cuộc sống dẫu khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng ở vào thời điểm đó, đất nước vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ vài năm, kinh tế – xã hội khủng hoảng, thiếu ăn thiếu mặc là đặc điểm chung của toàn xã hội. Vậy nên, người chiến sĩ nơi biên cương vẫn lạc quan, chia sẻ, sống cuộc sống đầy ắp tình người để vượt lên khó khăn mà chiến đấu: “Tôi nhớ buổi chiều anh cõng tôi lên/ Chân tôi yếu không thể nào leo hết dốc/ Mỗi bước anh đi tôi đếm từng nhịp thở/ Hai trái tim thì thầm to nhỏ/ Hơi ấm lưng anh sưởi ấm cả lòng tôi”; “Nói đến đây anh bỗng cười xòa/ Đất nước khó khăn, quân thù còn đó”. Và trước tinh thần chiến đấu, hy sinh của người chiến sĩ, Lê Đức Thọ đã thốt lên “Ôi hồn anh là tâm hồn thời đại/ Còn khó khăn nào hơn thế nữa không anh”.

Bài thơ “Điểm tựa” của Lê Đức Thọ thể hiện sự quan tâm, tình cảm sâu sắc của nhà lãnh đạo với người chiến sĩ và từng phút, từng giây thấm, ngẫm vào tình cảm, tâm hồn chiến sĩ. Những cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới thời ấy và cả sau này, nhiều người thuộc lòng, chép trong sổ tay, gửi tặng đồng đội, người thân nơi quê nhà. “Điểm tựa” nơi biên cương là nghĩa đen, nhưng “điểm tựa” của người chiến sĩ, của Đảng, của dân chính là lòng tin, là tình yêu Tổ quốc, tình yêu thương con người trong mỗi chiến sĩ tạo thành sức mạnh tiềm tàng giúp mỗi chiến sĩ vượt qua khó khăn gian khổ, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

5 năm trước, nhạc sĩ Trương Quý Hải, nguyên chiến sĩ tuyên văn Sư đoàn 356 đã cùng đồng đội trở lại Vị Xuyên. Nơi đó bao đồng đội còn nằm lại giữa cánh rừng, len lỏi giữa khe đá thung sâu, trong đó còn nhiều chông, mìn, vật liệu nổ. Nỗi nhớ đồng đội, tình cảm sâu đậm một thời chung chiến hào đã thôi thúc người nghệ sĩ tài hoa ấy cho ra đời bài hát “Về đây đồng đội ơi” chỉ trong một ngày đêm.

 “Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn. Hà Giang đã ngưng chiến trận. Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn. Đài hương 468 ta hội quân. Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào… Hãy về đồng đội ơi” … Phải là những người trực tiếp cầm súng, chiến đấu thì tác giả mới có những tư liệu sống, những cảm xúc tận đáy lòng về đồng đội đến vậy.

Còn nhiều, rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật để đời ngợi ca, nhớ về cuộc chiến đấu hào sảng, bi hùng ấy và nó còn được lưu mãi mãi về sau, nhắc nhở, dấy lên niềm tự hào, tự tôn dân tộc, về thế hệ cha anh đã từng đổ máu và mồ hôi, giữ gìn giang sơn bờ cõi đất nước. “Về đây đồng đội ơi”, tiếng gọi “hội quân” tha thiết của nhạc sĩ Trương Quý Hải cùng những người còn sống với những đồng đội đã hi sinh  để giữ vững từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.