Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 10:51:32

Hiệu quả mô hình nuôi bò ở Trung đoàn 82

Ngày đăng: 24/07/2018

QK2 – Bò là loài vật dễ nuôi và chăm sóc, chi phí thức ăn thấp, ít rủi ro nên được nhiều đơn vị tổ chức nuôi nhằm đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm cho bộ đội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do các đơn vị chủ yếu nuôi theo phương pháp truyền thống là chăn thả, nên bò chậm lớn, trọng lượng nhỏ. Trước thực trạng đó, từ năm 2015 đến nay, Trung đoàn 82 (Quân khu 2) đã thực hiện thí điểm nuôi 20 con bò lai Úc theo phương pháp nuôi nhốt, vỗ béo. Kết quả cho thấy, đây là cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chăm sóc bò nuôi nhốt ở Lữ đoàn 82.

Đến thăm Trung đoàn 82 đúng thời điểm nắng nóng nhất từ đầu mùa hè, nhưng ai trong chúng tôi cũng cảm thấy không khí như dịu xuống khi bước vào khu vực tăng gia tập trung của đơn vị. Ngoài những vườn rau, củ, quả non xanh mơn mởn đang trong thời kì thu hoạch, những cái ao sâu rộng hàng nghìn m2, nước xanh thăm thẳm, cá bơi thành đàn, chúng tôi không khỏi ấn tượng khi tham quan hệ thống chuồng trại chăn nuôi bò lai Úc của Trung đoàn. Theo quan sát của chúng tôi, khu chuồng nuôi nhốt bò của đơn vị hết sức kiên cố, rộng khoảng hơn 100 m2, được bố trí ở nơi thoáng mát, cao ráo, bảo đảm ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, diện tích trung bình đạt khoảng 5m2/con. Nền chuồng được láng xi-măng, có độ dốc 2-3% để nước không bị ứ đọng. Dọc theo hành lang của chuồng được bố trí các máng ăn, uống, xung quanh chuồng, đơn vị cho trồng nhiều cây bóng mát để chống nắng cho bò về mùa hè.

Theo Trung tá Hà Văn Thự, Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 82, công tác vệ sinh cho đàn bò nuôi nhốt, vỗ béo giữ vai trò hết sức quan trọng. Do đó, hàng ngày, hệ thống chuồng trại, máng ăn, uống, môi trường xung quanh luôn được bộ phận chăn nuôi của đơn vị vệ sinh sạch sẽ, khô ráo; định kỳ hai tháng một lần tiến hành tẩy uế toàn bộ khu vực bên trong chuồng nuôi nhốt, phát quang bờ bụi, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải; một tuần tắm cho bò 2-3 lần. Song song với đó, đơn vị cũng chú trọng diệt chuột, dán, ve, ruồi, muỗi, hạn chế tối đa các động vật trung gian có thể truyền bệnh vào khu vực chăn nuôi bò. Quá trình chăm sóc, tổ chăn nuôi có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe đàn bò, khi có dấu hiệu bất thường, kịp thời báo cáo chỉ huy để có hướng xử lí.

Cũng theo đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần, bò nuôi vỗ béo là loại bò con 7-8 tháng tuổi, hoặc bò thải loại trong sản xuất. Sau khi mua về, bò sẽ được bộ phận chăn nuôi tiến hành tẩy giun, sán, cho uống bổ sung một số loại vitamin cần thiết, đồng thời tiêm vacxin phòng các bệnh phổ biến ở trâu, bò như tụ huyết trùng, lở mồm, long móng. Thức ăn cho bò gồm hai loại: Thô và tinh, trong đó thức ăn thô chủ yếu sử dụng cỏ, rơm, rạ, cây chuối, lá cây xanh sẵn có. Ngoài ra, đơn vị còn trồng thêm hai héc-ta cỏ voi, cỏ lông tây làm nguồn thức ăn cho đàn bò. Bên cạnh đó, vào mùa thu hoạch lúa, ngô, đơn vị tổ chức thu mua rơm, rạ của bà con nông dân trong khu vực, đưa vào làm nguồn thức ăn dự trữ cho bò vào thời điểm hanh khô, ít cỏ tươi. Ngoài thức ăn thô, đơn vị cũng chú trọng bổ sung thức ăn tinh cho đàn bò (chiếm khoảng 30% nhu cầu), gồm các loại sắn, ngô, lúa đã nghiền nhỏ; cám công nghiệp, sử dụng rơm khô băm nhỏ đem ủ chua, đồng thời tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn như bã rượu, rỉ mật, bã đậu để cho bò ăn thêm… Trong đó, tháng đầu nuôi nhốt, vỗ béo, đơn vị cho bò ăn nhiều thức ăn thô xanh, ít thức ăn tinh để bò làm quen với khẩu phần ăn năng lượng cao (khoảng 1-1,2kg/con/ngày). Từ tháng thứ hai, tăng khẩu phần thức ăn tinh lên 2kg/con/ngày. Thông thường, thức ăn thô xanh thường được đơn vị sử dụng kết hợp với thức ăn tinh, giúp đàn bò tăng trưởng nhanh và có chất lượng thịt tốt hơn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, qua gần 3 năm thử nghiệm bằng phương pháp nuôi nhốt, vỗ béo đàn bò ở Trung đoàn 82, cho thấy, đối với loại bò thải loại trong sản xuất, sau 3 tháng đã tăng trọng bình quân 25-28kg/tháng/con; sau 10 tháng, có thể đạt trọng lượng bình quân từ 500-550kg/con, thu lãi 1,2-1,3 triệu đồng/con/tháng. Đối với bò con giống, sau 3 tháng đạt 18-20kg/con; sau một năm nuôi có thể đạt trọng lượng bình quân 350kg/con, thu lãi 8-9 triệu đồng/con. Như vậy có thể thấy, đánh giá bước đầu, phương pháp này ở Trung đoàn 82 đã thành công, đạt được yêu cầu, mục đích đề ra.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Hoàng Tân Dân, Phó Trung đoàn trưởng Quân sự Trung đoàn 82 phấn khởi cho biết, trước đấy, mỗi con bò phải nuôi gần một năm rưỡi mới đủ trọng lượng xuất chuồng, thì từ khi áp dụng kĩ thuật nuôi bò theo phương pháp nuôi nhốt, vỗ béo, thời gian rút ngắn xuống còn một năm (với loại bò thải loại chỉ khoảng 3 tháng), lại có thể tận dụng được nguồn phụ phẩm sẵn có trong đơn vị, giảm đáng kể chi phí chăn nuôi. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung đoàn 82 đang nuôi trên 50 con, phấn đấu bảo đảm tự túc được 60% định lượng thịt bò cung cấp cho bữa ăn hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ.

Bài, ảnh: HỒNG SÁNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.