Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 09:59:14

Hiệu quả, lan tỏa “dân vận khéo” của LLVT Đất Tổ

Ngày đăng: 08/09/2021

QK2 – Trong 2 năm qua, tuy đại dịch Covid-19 tác động lớn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, song Đảng ủy- Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Phú Thọ đã dành sự quan tâm đặc biệt lãnh đạo, chỉ đạo LLVT làm tốt công tác dân vận. Cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò công tác dân vận. Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, nên các chiến sĩ LLVT đất Tổ thường xuyên đổi mới phương pháp, cách thức dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa quân đội và nhân dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc vì sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Kỳ 1: Đến với dân lúc vất vả, gian nguy nhất

Với điều kiện địa lý tự nhiên, Phú Thọ có cả trung du, miền núi và đồng bằng, là vùng Đất Tổ linh thiêng, song thiên tai, dịch bệnh xảy ra là điều khó tránh khỏi. Có những năm lượng mưa lớn, đã xảy ra hiện tượng lũ chồng lũ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, cơ sở vật chất, hoa màu, tài sản của người dân. Còn nhớ, cuối năm 2018 do mưa lớn nhiều ngày, cùng với nước từ thượng nguồn đổ về làm cho 7/13 huyện, thành phố, thị xã bị thiệt hại, nhất là trên địa bàn huyện Thanh Sơn, Tân Sơn; nhiều nhà dân bị ngập và sập, thiệt hại lớn về hoa màu, gia súc, gia cầm. Ngay khi cơn lũ xảy ra, đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập các tổ công tác xuống địa bàn chỉ đạo cứu người dân và đưa tài sản đến nơi an toàn. Trong đó, LLVT tỉnh đã huy động 1.819 cán bộ, chiến sĩ, gồm lực lượng thường trực của Bộ CHQS tỉnh và một số đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn; 1.516 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ; 25 xuồng máy, ôtô và phương tiện để giúp đưa người dân đến nơi an toàn, cùng khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định cuộc sống của người dân.

Đại tá Nguyễn Minh Long, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ trao tiền ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.

Đến huyện Thanh Sơn ngay sau trận mưa lũ qua đi, đến đâu cũng thấy cây cối đổ nát, mái tôn, biển quảng cáo rơi, xiêu vẹo, bùn đất ngổn ngang. Tại Trường tiểu học xã Sơn Hùng, hàng chục cán bộ, chiến sĩ quân đội cùng lực lượng dân quân và giáo viên nhà trường chạy đua với thời gian để thu dọn bùn đất. Thầy và trò nhà trường nhớ mãi hình ảnh các chú bộ đội dầm mình trong nước hàng tuần liền giúp nhà trường dọn dẹp bùn đất, để chuẩn bị cho năm học mới được khai giảng theo đúng kế hoạch.

Chứng kiến bộ đội giúp đỡ người dân trong trận mưa lũ lịch sử ấy, bà Đoàn Thị Mai, nhà ở thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, thổ lộ: “Những lúc ngập lụt, nước lũ cuốn mạnh, vậy mà cán bộ, chiến sĩ bất chấp hiểm nguy để lao vào cứu người, cứu tài sản cho dân, chúng tôi thật sự cảm kích. Khi mưa lũ và ngập úng qua đi, các anh tranh thủ sớm tối giúp dựng lại nhà cửa, thu dọn bùn đất, cây cối đổ. Gia đình tôi cũng như người dân trên địa bàn rất cảm phục và trân trọng việc làm của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh”.

Không chỉ giúp dân trong khắc phục hậu quả lũ lụt, thiên tai, các chiến sĩ LLVT đất Tổ còn thường xuyên gần dân, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cùng với đó phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy thường xuyên trao đổi thông tin, tổng hợp tình hình do người dân phản ánh, giải quyết kịp thời những bức xúc, nhất là trong đồng bào dân tộc, tôn giáo, từ đó tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết hiệu quả các vấn đề, không để phát sinh các điểm nóng, không có khiếu kiện tập trung, vượt cấp, đông người. Dẫu còn nhiều khó khăn tác động chi phối, song mỗi người dân Phú Thọ luôn cảm thấy hài lòng, hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Theo Đại tá Đào Tiến Anh, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh, để làm công tác dân vận hiệu quả, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy các cấp thường xuyên kiện toàn hệ thống cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận từ tỉnh tới cơ sở; dân vận thường xuyên, liên tục, theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” chứ không làm ồ ạt theo phong trào. Quan tâm xây dựng các mô hình, điển hình “dân vận khéo”, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, kinh nghiệm làm công tác dân vận cho cán bộ, chiến sĩ; tiến hành dân vận ở mọi lúc mọi nơi, kết hợp huấn luyện làm dân vận, thông qua giao lưu, kết nghĩa, phối hợp, thực hiện chế độ chính sách hậu phương Quân đội… để làm công tác dân vận. Không chỉ làm dân vận trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương mà cả trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, các tuyến giao thông huyết mạch; trong đền bù giải phóng mặt bằng; tuyển quân, tuyển sinh quân sự; trong bầu cử HĐND và bầu cử Quốc hội; trong tinh giản biến chế, sáp nhập các cơ quan công sở và địa phương. Không chỉ lực lượng thường trực mà cả dân quân tự vệ, dự bị động viên đều tham gia công tác dân vận. Qua đó đã xuất hiện nhiều phong trào mới, cách làm hay, có sự lan tỏa và được nhân rộng trong các khu dân cư như: “Cụm đoàn kết quân dân”; “Tiểu đội dân quân tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp” hay mô hình: “Con đường dân quân”; “Trạm xá quân-dân y”. Đã có nhiều chiến sĩ dân quân tự vệ, dự bị động viên làm chủ trang trại, có quy mô rộng 5-6 ha, có giá trị kinh tế cao và trở thành điểm sáng hướng dẫn, giúp đỡ người dân cùng phát triển.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.