Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 05:14:07

Hiệu quả “4 tại chỗ” trong phòng chống lụt bão ở Yên Bái

Ngày đăng: 12/11/2019

QK2 – Là một tỉnh miền núi phía Bắc, Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên lượng mưa hàng năm thường lớn hơn các tỉnh khác trong khu vực. Đó là một trong những nguyên nhân gây nên nhiều đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhưng với tinh thần tự chủ, tự lực, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, làm tốt công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thiệt hại ổn định cuộc sống của người dân.

Bài 1: Những con số, hình ảnh khó quên

Với đặc điểm của một tỉnh miền núi, địa hình chia cắt mạnh, núi cao sườn dốc, cùng hệ thống sông ngòi dày đặc nên ở bất cứ địa bàn nào trong tỉnh Yên Bái đều có thể xảy ra mưa lớn kéo dài kèm theo mưa đá, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Trong khi đó, do thói quen tập quán của đồng bào các dân tộc nên dân cư phân bố không đều, chủ yếu là sườn đồi, khe suối; hệ thống rừng già không còn, cơ bản là rừng tái sinh, lớp phong hóa địa chất không ổn định; kết cấu hạ tầng giao thông, điện lưới, thông tin liên lạc chưa đồng bộ; nhận thức của một bộ phận người dân về tác hại của thiên tai còn bị lơ là, xem nhẹ. Đó chính là những trở ngại tác động đến cuộc sống cũng như công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn tan hoang sau lũ quét (tháng 8 năm 2018).

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Yên Bái, trong 2 năm 2017 và 2018, địa bàn tỉnh xảy ra 36 đợt thiên tai, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Đã làm chết và mất tích 75 người, bị thương 58 người; 9.503 nhà bị sập và hư hỏng; 51.591 con gia súc, gia cầm bị chết; thiệt hại hơn 12 ha đất sản xuất nông nghiệp. Tổng thiệt hại 2.875 tỷ đồng. Cùng với sự tài trợ, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và tỉnh ưu tiên ngân sách khắc phục nhưng cũng mới chỉ được 12% so với mức thiệt hại. Chỉ tính trong 10 tháng đầu năm 2019 cũng đã xảy ra 15 đợt mưa lũ, dông lốc, áp thấp nhiệt đới làm chết 6 người, 5 người bị thương; hư hỏng 2.192 căn nhà dân; thiệt hại hơn 900 ha nông, lâm nghiệp; chết 9.180 con gia súc, gia cầm; 19 công trình của tập thể bị hỏng, tốc mái, ước tính thiệt hại khoảng 39 tỷ đồng. Với một tỉnh còn khó khăn như Yên Bái thì những con số thiệt hại trên đã gây hậu quả nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của địa phương và cuộc sống của người dân. Nhưng đó lại là sự thật, những con số khó quên và là nỗi trăn trở suy tư trong lòng của cán bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Trở lại bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn những ngày này, chúng tôi không chỉ ngạc nhiên trước sự đổi thay kỳ diệu của vùng đất được coi là “rốn lũ” mà còn thán phục bởi sự quyết tâm, nghị lực vượt khó của người dân nơi đây. Cả một bản ngổn ngang bùn, đất đá, cây que do lũ quét ngày nào giờ thay vào đó là những ngôi nhà mới khang trang, những thửa ruộng lúa chín vàng đang vào mùa thu hoạch.

Nhấp chén chè tươi vàng óng, còn nóng hổi, ông Hà Văn Huyên, Trưởng bản Tủ kể: Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 trong tháng 8 năm 2018, một cơn lũ ống kinh hoàng như một con thú dữ từ đâu kéo đến đã san phẳng gần hết nhà cửa, tài sản của người dân. Bản Tủ có 69 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Thái đã bao đời nay sống yên bình dưới chân núi Khe Ma. Vậy mà chỉ trong phút chốc đã cuốn phăng mọi thứ của người dân, làm chết và mất tích 3 người, 17 ngôi nhà bị trôi và sập. Cũng may chính quyền địa phương đã có sự cảnh báo, di chuyển kịp thời nên chỉ thiệt hại có vậy, còn không hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Hình ảnh cả bản bị tan hoang sau lũ, người dân nháo nhác tìm người thân chắc sẽ khó phai mờ trong tâm trí chúng tôi. Mong sao trong tương lai, người dân trong bản không còn phải chứng kiến cảnh tượng như vậy nữa.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái là người có nhiều năm liền theo dõi, chỉ đạo phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ cho hay, diễn biến thời tiết trên địa bàn tỉnh năm nào cũng vậy rất khó lường, mau lẹ. Có những đợt mưa lũ cả 9/9 huyện, thành, thị đều bị ảnh hưởng. Nhưng trọng điểm nhất vẫn là địa bàn các huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Văn Yên. Khi dự báo thời tiết có vấn đề hoặc cơn bão, áp thấp nhiệt đới, các cấp chính quyền và ngành chức năng đều chủ động bám nắm tình hình, sẵn sàng xử lý giải quyết các tình huống, diễn biến. Đối với những nơi bị thiệt hại nặng, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh sẽ thành lập sở chỉ huy nhẹ tại hiện trường, cán bộ, LLVT túc trực 24/24, sẵn sàng chung sức cùng người dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và nhiều cán bộ của tỉnh, huyện có những đợt hàng chục ngày liền nằm tại thực địa để đôn đốc, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, ngay từ khi xảy ra đến lúc nhân dân ổn định cuộc sống. “Khi nào bà con chưa yên ổn, cán bộ chưa về cơ quan” – Đó là câu nói cửa miệng mà nhiều cán bộ và chiến sĩ LLVT của tỉnh Yên Bái thuộc lòng trong những ngày tham gia khắc phục bão lũ. Với đặc điểm của các địa phương miền núi khi bị mưa lũ, hệ thống giao thông và viễn thông thường bị ảnh hưởng, nhiều lực lượng rất khó khăn để tiếp cận hiện trường. Song các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể và LLVT, nhất là cấp huyện, xã đã chủ động, tìm mọi cách khắc phục nhanh nhất có thể, không để người dân bị đói rét, sống cảnh màn trời chiếu đất, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.

Bài, ảnh: DUY TUẤN – THÀNH LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.