Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 12:27:19

Giúp dân bằng những mô hình sáng tạo, thiết thực

Ngày đăng: 06/07/2020

QK2 – Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 326 (KT-QP 326) đóng quân trên địa bàn vùng cao, biên giới thuộc 3 huyện của 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, với mật độ dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người; cơ sở hạ tầng chưa phát triển, có 13/15 xã đặc biệt khó khăn. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu; sự phối hợp giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 326 đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ KT-QP, các dự án được đầu tư, phê duyệt góp phần xây dựng hạ tầng cơ sở, nông thôn mới, phát triển KT-XH, giúp dân xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Mô hình hỗ trợ bò sinh sản của Đoàn KT-QP 326 góp phần giúp dân xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trên cơ sở nghiên cứu kỹ những đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng, Đoàn KT-QP 326 đã chủ động xây dựng, nhân rộng một số mô hình kinh tế, như: Trồng cây dược liệu dưới tán rừng; canh tác cây ăn quả và cây lương thực trên đất dốc; nuôi lợn, gà, thỏ khép kín; nuôi cá nước ngọt; trồng các giống lúa cạn, sắn, ngô cao sản chịu hạn phù hợp thổ nhưỡng vùng cao, nắng nóng. Để đảm bảo các mô hình có tính khả thi cao, trước khi nhân rộng tại địa phương, Đoàn đều triển khai thử nghiệm, đánh giá hiệu quả kinh tế và xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn cho từng mô hình; tổ chức cho cán bộ, nhân dân tham quan mô hình mẫu. Điển hình là mô hình trồng dược liệu, Đoàn tổ chức nghiên cứu trồng thử 16 loại cây; trong đó xác định 4 cây chủ lực: Hà thủ ô đỏ, Sa nhân tím, Đẳng sâm, Tỏi đá rất phù hợp với điều kiện địa hình đất dốc và dưới tán rừng, thổ nhưỡng, khí hậu cho hiệu quả kinh tế cao, được khuyến khích trồng rộng rãi. Hiện nay, Đoàn đang khảo nghiệm, đánh giá thêm 9 loại dược liệu khác trước khi triển khai, nhân rộng trong vùng, tạo động lực đẩy mạnh sản xuất nông sản ở địa phương. Đồng thời, phối hợp với các công ty dược tiến hành khảo sát, xây dựng mô hình vùng sản xuất dược liệu và bao tiêu sản phẩm; từng bước hình thành mạng lưới thương mại, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, phá vỡ thế độc quyền của tư thương, xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh trong khu vực, nâng cao lợi nhuận cho đồng bào.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 326 cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, Đoàn đã triển khai 6 dự án xây dựng hạ tầng, trồng rừng phòng hộ, hỗ trợ hàng nghìn ngày công, máy móc, giúp địa phương xây dựng 7 công trình phục vụ dân sinh (đường giao thông, cầu treo, đập thủy điện, kênh mương thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt, sản xuất…) trị giá gần 60 tỷ đồng; triển khai và nhân rộng 20 mô hình chăn nuôi, trồng trọt, giúp hàng trăm hộ dân phát triển kinh tế vườn đồi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4-5% mỗi năm”.

Ngoài ra, Đoàn KT-QP 326 cũng tích cực phát huy vai trò của các Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị (Đội SX và XDCSCT) trong việc thực hiện các mô hình, dự án giúp dân thoát nghèo nhanh và bền vững. Dẫn chúng tôi đến thăm nhà chị Mùa Thị Dông, thuộc xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, Thiếu tá Nguyễn Văn Ngọc, Đội trưởng Đội SX và XDCSCT số 7 cho biết, gia đình chị Dông là 1 trong 20 hộ được hỗ trợ bò sinh sản từ Mô hình giảm nghèo bền vững mà Đội đang triển khai thực hiện. Trong đó, các hộ dân được hỗ trợ bò sinh sản cũng như kinh phí, kỹ thuật xây dựng mô hình trồng cỏ, làm thức ăn cho bò. Con bê đầu tiên sinh ra sẽ giao lại cho đơn vị để tiếp tục quay vòng dự án, hỗ trợ các hộ khác. Với hình thức này bò giống sẽ được lai tạo với giống bò địa phương để tăng giá trị thương phẩm đồng thời hạn chế chăn thả tự do làm ảnh hưởng đến canh tác hoa màu, kiểm soát việc phối giống cũng như dịch bệnh. Đến nay đàn bò đang sinh sản và phát triển tốt, qua đó góp phần giúp các hộ gia đình từng bước thoát nghèo.

Tâm sự với chúng tôi, chị Mùa Thị Dông phấn khởi cho biết: “Từ khi được bộ đội đoàn KT-QP 326 tặng bò sinh sản, gia đình chúng tôi đã có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Hơn nữa, bộ đội còn đến tận nhà hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi làm chuồng, chăm sóc, phòng chống bệnh cho bò. Nhờ đó mà bò giống phát triển tốt lắm. Có sức khỏe, có bò giống, gia đình tôi sẽ cố gắng lao động để thoát nghèo”.

Được biết, bên cạnh mô hình hỗ trợ bò sinh sản, hiện nay Đội XS và XDCSCT số 7 còn thực hiện thêm 2 mô hình là: Trồng sắn cao sản kết hợp trồng Đẳng sâm trên đồi dốc và trồng cây dược liệu. Đến nay, các mô hình đều có sự phát triển rõ nét, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể: Với mô hình trồng sắn kết hợp trồng Đẳng sâm trên đồi đất dốc, cấp ủy, chỉ huy Đội đã vận động 2 hộ dân trồng thử nghiệm 2,5ha sắn cao sản cho thu hoạch 32 tấn sắn khô đạt giá trị trên 100 triệu đồng (vượt 37% giá trị kinh tế và sản lượng so với canh tác truyền thống). Ngoài ra, Đẳng sâm trồng dưới tán sắn cũng cho thu hoạch gần 1,5 tấn giá trị gần 20 triệu đồng, qua đó góp phần tận dụng tối đa tài nguyên đất, tăng thêm thu nhập. Đối với mô hình trồng cây dược liệu, đơn vị đã tiến hành trồng khảo nghiệm 3 loại cây dược liệu (Cà gai leo, Hà thủ ô và Nhân trần). Trong đó, Đội phối hợp với địa phương quyết tâm triển khai và nhân rộng mô hình cây Cà gai leo với tổng diện tích trên 1ha, hiện tại đang phát triển tốt, dự tính cho thu hoạch trên 140 triệu đồng/năm.

Có thể nói, bằng nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, Đoàn KT-QP 326 đã và đang góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làmcủa đồng bào nơi vùng cao biên giới, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp cuộc sống người dân từng bước no ấm hơn, tạo sức sống mới cho diện mạo nông thôn miền núi.

Bài, ảnh: TRẦN HÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.