Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 04:44:37

Giữ nét đẹp truyền thống Hội Vật đuổi giải Đình Vĩnh Mộ

Ngày đăng: 15/02/2023

QK2 – “Mình về đằng ấy mà xa/ Thì về Vĩnh Mộ với ta cho gần/ Vĩnh Mộ có tục hát Xuân/ Có vật đuổi giải đầu tuần tháng giêng”. Câu ca dao được truyền tụng trong dân gian vùng Đất Tổ như mời gọi người dân xã Cao Xá và bà con quanh vùng đến với Đình Vĩnh Mộ, nơi diễn ra Hội Vật đầu xuân.

Các đô vật tham gia thi đấu tại Hội Vật đuổi giải Đình Vĩnh Mộ.

Lần thứ 5 tham gia Hội Vật đuổi giải Đình Vĩnh Mộ từ năm 2015 đến nay, anh Quách Ngọc Quân, khu 6, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) cảm thấy đầy phấn khởi, tự hào. Tập luyện và tham gia thi đấu cọ sát với nhiều đô vật trước Tết Nguyên đán Quỹ Mão, anh Quân và 7 đô vật khác thuộc các làng ở Cao Xá được huấn luyện viên đội tuyển Vật tại Trung tâm Đào tạo – Huấn luyện thể dục thể thao tỉnh Phú Thọ truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý tham gia thi đấu, nhất là các thế, miếng đánh mang đặc trưng của môn Vật. Quách Ngọc Quân chia sẻ: “Tôi đam mê Vật dân tộc từ nhỏ. Được tập luyện và tham gia thi đấu ngay tại đình làng mình tôi rất hào hứng. Tham gia Hội vật hằng năm tôi không chỉ được thoả mãn niềm đam mê mà hơn hết để góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống văn hoá của quê hương”.

Hoà mình vào Hội Vật đuổi giải Đình Vĩnh Mộ, chúng tôi mới cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp của từng đô vật: Xe đài đúng kỹ thuật, trong thi đấu xuất hiện nhiều miếng vật độc đáo. Hội Vật năm nay bên cạnh các đô vật đến từ các làng thuộc xã Cao Xá, còn xuất hiện nhiều đô vật có thứ hạng của tỉnh Phú Thọ. Các đô vật từng giành nhiều giải cao tại Giải Vô địch trẻ Vật cổ điển, Vật tự do cấp quốc gia. Anh Nguyễn Trung Hưởng, đô vật đến từ huyện Tam Nông, Phú Thọ, người giành Huy chương Bạc, Giải vô địch trẻ Vật cổ điển, Vật tự do toàn quốc năm 2017, Huy chương Đồng Giải Vô địch Vật cổ điển, Vật tự do quốc gia năm 2022 hào hứng: “Tôi rất vui khi được tham gia thi đấu tại Hội Vật đuổi giải Đình Vĩnh Mộ. Tôi thấy các đô vật tham gia thi đấu đều có rất nhiều miếng đánh hay, kỹ thuật, thể lực tốt. Hội vật ở đây thể hiện nét đẹp truyền thống, văn hoá riêng có ở một vùng quê”.

Hội Vật đuổi giải hằng năm đều được tổ chức tại Đình Vĩnh Mộ thuộc thôn Vĩnh Mộ, nay đổi tên là thôn Vĩnh Tề, xã Cao Xá. Đình thờ vị Thành Hoàng là Tướng Quốc dưới thời Hùng Duệ Vương. Tên huý của Ngài là Nguyễn Văn Kỳ. Đương thời Ngài giữ chức Dũng Lược Phụ Thiên Tướng Quân. Khi cáo lão, Ngài về thôn Vĩnh Tề chiêu dân, lập nên ấp Bình Mạc Sách, tức thôn Vĩnh Tề ngày nay. Do có công lớn phò Vua, hộ quốc nên Ngài được phong là Đại Vương Đương Cảnh Thành Hoàng Dũng Lược Phụ Thiên Tướng Quân. Hằng năm, cứ đến ngày khai hạ mùng 7 tháng giêng là Ngài Kỳ mở lễ hội Vật đuổi giải. Hội vật diễn ra suốt 5 ngày, từ ngày mùng 7 đến trưa ngày 11 tháng giêng mới kết thúc.

Hội Vật đuổi giải Đình Vĩnh Mộ xưa kia nổi tiếng khắp vùng. Đến ngày hội là dân các vùng nô nức trẩy hội về Vĩnh Mộ, vừa để xem vật, vừa để dự hát Xoan, hát Ghẹo. Các đô vật ở các lò Vật: Tứ Xã, Sơn Vi, Tràng Đông, Tràng Nam, Việt Trì, Chính Công, Thanh Lạng, Sơn Tây… đều về Vĩnh Mộ đua tài.

Trước đây, mỗi lần diễn ra Hội vật ở Đình Vĩnh Mộ, nhân dân quanh vùng ban ngày thì hò reo, trống phách ầm ầm cổ vũ cho các đô vật, tối đến dân làng tổ chức đốt lửa trại và giao lưu hát Xoan. Có năm, làng mời các đoàn hát hội, hát chèo về biểu diễn cho bà con xem. Hội Vật đuổi giải Đình Vĩnh Mộ gồm 5 giai đoạn: Vật thờ, hay còn gọi là Vật trình Thánh (dân làng cử ra 2 đô vật lão thành có nhiều thành tích trong thi đấu và có những miếng vật hay để Vật trình Thánh. Vật trình Thánh để xin phép Thánh được bắt đầu Hội Vật. Vật trình Thánh chỉ mang tính chất trình diễn chứ không vật thắng – thua); Vật hội đồng, hay còn gọi là Vật trình làng (cứ 3 đôi hoặc 5 đôi cùng vào xới vật với nhau, hết tốp này đến tốp khác, cho đến khi mọi đô vật đều được trình làng. Vật hội đồng cũng không vật thắng – thua, mà chỉ vờn nhau, thăm dò nhau là chính); Vật giải (các đô vật được sắp xếp theo độ tuổi và thứ hạng cân để vào vật với nhau. Vật giải là thi đấu loại trực tiếp, thắng ở lại, thua ra. Cuối cùng tìm ra được người nhất giải). Vật đổ giải (người được nhất giải chưa lấy giải vội, mà trèo lên vuốt tay vào giải rồi quay xuống ngồi xếp chân bằng tròn ở giữa xới vật, mặt hướng về phía trước. Ý là thách đố xem còn ai giám vào vật nữa không. Người nào vào vật đổ giải thì bước lên chỗ treo giải, vuốt tay vào giải rồi xuống xới bắt tay người thách đấu. Nếu vật thắng người giữ giải thì người giữ giải xin nhường giải. Vật đổ giải đến trưa ngày 11 tháng giêng mới kết thúc); cuối cùng là đuổi giải (người thắng cuộc trèo lên cột cờ giật lấy giải rồi cùng cả đoàn đô vật cắm đầu, cắm cổ chạy ra khỏi làng. Phía sau là dân làng cầm gậy, gộc, ráo mác, trống chiêng thanh la hò reo đuổi theo. Đuổi đến khi nào đoàn đô vật chạy ra khỏi làng và nhảy xuống nước thì làng mới thôi đuổi. Tục lệ này để ca ngợi chiến thắng thuỷ tặc trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh. Khi chạy giải đoàn, đô vật không ai được ngoảnh lại phía sau. Nếu ngoảnh mặt lại sẽ bị dân làng đánh đòn. Vì quay mặt lại là năm ấy dân làng “mất giông”). Đuổi giải xong là kết thúc hội vật. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì dân làng rất phấn khởi, nhà nhà ăn mừng như ăn Tết và tin rằng năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Bài, ảnh: MẠNH TƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.