Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 04:46:08

Giữ gìn sự nghiêm minh của pháp luật

Ngày đăng: 09/11/2018

QK2 – Ngày cuối cùng của tháng 10, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương tiếp tục mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng” được quy định tại Điều 318, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với 30 bị can vì có hành vi gây rối trật tự trước trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận hồi tháng 6 vừa qua.

Đổi mới nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở Trung đoàn 148.

Theo cáo trạng, chiều và tối ngày 10 tháng 6, các bị can là những đối tượng tụ tập trước cổng UBND tỉnh Bình Thuận có hành vi hò hét, xô đẩy cổng và khung sắt tường rào UBND tỉnh; ném đá, bom xăng tự chế vào lực lượng công an đang làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự công cộng gây ồn ào, hỗn loạn, mất an ninh trật tự và làm ách tắc giao thông nhiều giờ liền tại khu vực. Hành vi này thuộc trường hợp “Dùng hung khí”, “Gây cản trở giao thông nghiêm trọng” và “Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng”; đồng thời trực tiếp xâm phạm đến an toàn công cộng, đến quy tắc sinh hoạt ở nơi công cộng, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Tại phiên tòa, tất cả các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình và bày tỏ sự ăn năn, hối cải mong muốn pháp luật khoan hồng. Hội đồng xét xử khẳng định: Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của nhiều người, làm trở ngại hoạt động của các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự công cộng. Trên cơ sở cáo trạng và lời luận tội, kết quả tranh tụng tại phiên tòa và các quy định của Bộ Luật hình sự, tòa đã xử phạt các bị cáo từ 2 năm đến 3 năm 6 tháng tù. Tại phiên tòa, đông đảo quần chúng nhân dân quan tâm và đồng tình, đồng thời cũng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục truy bắt các đối tượng cầm đầu, xúi giục, kích động để đưa ra xét xử trước pháp luật.

Vi phạm pháp luật, bị pháp luật xử lý là đương nhiên, bởi pháp luật là ranh giới điều chỉnh mọi hành vi con người, là cán cân công lý để tất cả mọi công dân bình đẳng, phải tôn trọng và thực thi. Tuy nhiên, điều đáng nói, 30 bị can này tuổi đời còn rất trẻ, duy nhất một bị can trên 50 tuổi; 11 bị can thuộc thế hệ 9X; có 7 đối tượng lúc thực hiện hành vi phạm tội chưa đủ 18 tuổi, tại phiên tòa được chỉ định luật sư bào chữa và người giám hộ là cha, mẹ dự phiên tòa. Có lẽ đó là điều vô cùng đáng tiếc khi các đối tượng vi phạm pháp luật, một “vết đen” khó quên để lại trong cuộc đời. Mặc dù còn trẻ, các bị cáo đó không lường trước hậu quả để lại cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Nhiều bị cáo đang là lao động chính, lao động duy nhất của gia đình. Chính tại phiên tòa, các bị cáo ăn năn hối cải, chỉ vì không kiềm chế bản thân, bị kích động, nghe theo sự xúi giục của các đối tượng xấu kích động nên tham gia thực hiện các hành vi chống phá, cùng với sự thiếu hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật nên vướng vào vòng lao lý. Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến tỏ ra tiếc thay cho các bị cáo. Một độc giả bình luận: “Cha ông ta đã có công dựng nước thì ta có trách nhiệm giữ lấy nước”. “Đất nước này đã nuôi ta lớn lên thì hà cớ chi lại đi nghe lời những kẻ xấu biểu tình, gây rối, đập phá tài sản Nhà nước là chính chúng ta đã đập phá công sức và thành quả của nhân dân và của chính mình, vì đó là tiền thuế của mỗi người chúng ta đóng góp. Giờ thì phải vướng vào vòng lao lý, cái giá phải trả thật quá đắt!”; “Một phút nông nổi, ân hận cả đời”…

Còn một điều vô cùng tệ hại nữa mà các bị cáo không lường hết, vào đầu tháng 6 năm 2018, lợi dụng khi Quốc hội đang thảo luận, xây dựng Luật An ninh mạng cũng như dự thảo Luật Đặc khu, các thế lực thù địch, phản động gia tăng các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc không đúng sự thật, kích động người dân gây rối, biểu tình gây bức xúc trong dư luận. Sự việc tiếp tục diễn biến những tháng sau này, kể cả khi Luật An ninh mạng đã chính thức được công bố, nhiều thế lực thù địch trong và ngoài nước tiếp tục tuyên truyền, kích động người dân tụ tập đông người, họ mong trở thành “chiến dịch” cao điểm biểu tình, gây rối dịp Quốc khánh đất nước. Mặt khác, khi các cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật xét xử những người vi phạm pháp luật, họ tiếp tục cho đó là vi phạm nhân quyền, tạo cớ để nói xấu Đảng ta, xuyên tạc bản chất pháp luật Việt Nam gây hiểu lầm trong nhân dân.

Ngày 9 tháng 11 năm 2018 là Ngày Pháp luật Việt Nam. Chủ đề của ngày này năm nay đã được Bộ Tư pháp đề xuất là “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây chính là ngày mà cách đây 73 năm, ngày 9 tháng 11 năm 1946, Quốc hội đã ban hành bản Hiến pháp năm 1946. Điều 8, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2013 quy định: Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp  Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là dịp để tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, khẳng định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của mọi công dân; giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến các lĩnh vực pháp luật, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội, giúp cho những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần với người dân hơn và dễ dàng đi vào cuộc sống. Pháp luật là công cụ để quản lý Nhà nước, điều hành xã hội. Hiện nay, các thế lực thù địch gia tăng các hoạt động xuyên tạc, chống phá hệ thống phá luật của ta, chúng đòi ta xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; một số điều của Bộ luật Hình sự về tội chống Nhà nước và hiện nay là Luật An ninh mạng. Lợi dụng những vấn đề thực tiễn thực thi pháp luật, chúng liên tục tạo cớ pháp luật Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, gia tăng sức ép với các tổ chức quốc tế nhằm o ép ta trong tiến trình hội nhập và phát triển, chống phá sự lãnh đạo của Đảng ta. Chính vì vậy, để đảm bảo sự nghiêm mình của pháp luật, mỗi công dân cần tôn trọng, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, không để các thế lực thù địch tạo cớ, can thiệp chống phá cách mạng nước ta.

ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.