Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 02:36:10

Gìn giữ điệu hát Ví, hát Giang

Ngày đăng: 22/05/2019

QK2 – Hát Ví, hát Giang bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất, đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mường. Trải qua năm tháng, những điệu hát ấy đã trở thành “món ăn” tinh thần được đồng bào trân trọng gìn giữ và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ngân nga điệu hát Ví, hát Giang

Đã từ lâu, điệu hát Ví, hát Giang đã gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Mường ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Những điệu hát mượt mà, say đắm đã tạo nên nét đặc trưng văn hóa độc đáo, phù hợp với đặc điểm lao động sản xuất trên nương, rẫy, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào nơi đây.

Đứng bên nếp nhà sàn, chị Hà Thị Tiên (xã Tiên Sơn, huyện Tân Sơn) ngân nga câu hát Ví: “Em không phải con nhà thường cũng chẳng phải con nhà sang. Em như con gà mới học gáy, như cây măng mới mọc. Có điều gì không phải mong anh thông cảm cho em”. Câu hát thể hiện sự khiêm tốn, tế nhị của cô gái khi lần đầu nói chuyện với chàng trai. Tiếng hát Ví mộc mạc chân thành như lời ăn tiếng nói hằng ngày của đồng bào. Sau câu hát, chị Tiên giải thích: “Hát Ví được bắt nguồn từ chính nhu cầu cuộc sống của đồng bào dân tộc mình. Các cụ kể lại rằng, thủa xa xưa, các bản thường quần tụ bên những con suối, quả đồi. Những chàng trai, cô gái đứng cách nhau một con suối dùng điệu hát Ví để trao duyên, hay đi làm nương hát ở đồi bên này gọi đồi bên kia”.

 Trải dài theo năm tháng, điệu hát Ví được hình thành từ đó. Hát Ví được chia làm ba thể loại: Ví cổ, Ví kim và Ví cải biên. Ví cổ hát bằng tiếng Mường cổ. Ví kim và Ví cải biên bằng tiếng Việt. Có thể nói Ví cải biên là sự giao thoa văn hóa để phù hợp với nhu cầu hiện nay. Nhiều câu Ví được đồng bào sáng tác ứng đối trong quá trình sinh hoạt, biểu diễn do vậy mang đậm hơi thở của cuộc sống. Chẳng hạn khi người con trai hát: “Ta về hỏi mẹ cùng cha/ Sẽ cho ta được làm con một nhà ới…a…ơi”. Người con gái đáp lại: “Khi đi em hỏi mẹ cha/Chồng xa cũng lấy, chồng gần cũng ưng ới…a…ơi”. Không chỉ dùng trong đối đáp giao duyên, điệu hát Ví còn được sáng tác và biểu diễn trong các dịp hội hè, Tết họ, Tết bản, về nhà mới, được đồng bào rất ưa thích.

Khi được hỏi về hát Giang, chị Tiên giới thiệu: “Hát Giang được hình thành từ điệu hát “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường. Hát Giang yêu cầu cao hơn đối với hát Ví, ca từ của hát Giang phải có nội dung phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh được biên soạn thành bài hoàn chỉnh”. Hát Giang có “Giang kể chuyện” để kể các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết từ xa xưa, gắn nhiều đến các yếu tố tâm linh, sự ra đời các sự vật, các câu chuyện lịch sử… “Giang trao duyên” hay còn gọi là “Giang ghẹo”  để diễn tả tình yêu đôi lứa, trai gái đối đáp giao duyên tìm bạn. Điệu hát này yêu cầu phải có cả nam và nữ cùng hát, được đệm bằng trống cái.

Điểm đặc biệt của Hát Ví, hát Giang đó là sự sáng tạo của người hát. Ngoài những làn điệu cơ bản, khi đôi trai gái hát đối với nhau, tùy theo tâm tư tình cảm mà có thể sáng tạo ra nội dung theo tiếng lòng của mình. Chính vì vậy, điệu hát Ví, hát Giang có sự phong phú, đa dạng về ca từ hấp dẫn người nghe.

Nghệ nhân hát Ví, hát Giang trình diễn phục vụ đồng bào trong dịp lễ hội.

Bảo tồn làn điệu hát Ví, hát Giang

Là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường, điệu hát Ví, hát Giang   cũng giống như nhiều di sản văn hóa hóa phi vật thể khác đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một. Chính vì vậy, huyện Tân Sơn đã chủ trương bảo tồn điệu hát Ví, hát Giang bằng nhiều phương thức khác nhau trên cơ sở gìn giữ những giá trị nguyên gốc. Cùng với việc sưu tầm các làn điệu điệu hát Ví, hát Giang cổ, ngành văn hóa huyện đã quan tâm đến việc phát huy vai trò của các nghệ nhân trong việc truyền dạy hát Ví, hát Giang.  

Là người thuộc nhiều câu hát Ví, hát Giang, nghệ nhân Hà Thị Sóng (xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn) chia sẻ: “Hát Ví, hát Giang cổ khó nghe nên nhiều người không thích nữa, nhất là đối với lớp trẻ. Chính vì vậy để gìn giữ được vốn quý của cha ông để lại, bên cạnh những làn điệu cổ chúng tôi cũng sáng tác thêm nhiều lời mới phù hợp với điều kiện hiện nay giúp mọi người dễ nghe, dễ học hơn. Rất mong chính quyền các cấp và cơ quan chức năng quan tâm, có nhiều biện pháp bảo tồn làn điệu hát Ví, hát Giang của đồng bào dân tộc Mường”.

Với quyết tâm bảo tồn điệu hát Ví, hát Giang, huyện đã Tân Sơn đã có chủ trương mở các lớp dạy hát ở các xã trong huyện. Địa phương lựa chọn hạt nhân có năng khiếu gửi tham gia các lớp tập huấn do huyện tổ chức, mời các nghệ nhân có uy tín tham gia truyền dạy. Cùng với đó, ngành văn hóa in tài liệu cấp phát cho đồng bào, đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân tham gia sáng tác các bài hát góp phần làm phong phú thêm điệu hát Ví, hát Giang. Nhiều liên hoan được tổ chức tạo không gian để các nghệ nhân và đồng bào diễn xướng điệu hát Ví, hát Giang nhằm thu hút nhiều người cùng tham gia.

Ông Vũ Tiến Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: “Đưa điệu hát Ví, hát Giang  trở về với cuộc sống do chính đồng bào gìn giữ là một trong những chủ trương mà huyện thực hiện nhằm gìn giữ và bảo tồn làn điệu hát Ví, hát Giang. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương khuyến khích đồng bào tham gia các lớp học, tăng cường các hoạt động giao lưu, biểu diễn tại các sự kiện, lễ hội trong và ngoài tỉnh góp phần quảng bá giới thiệu làn điệu hát Ví, hát Giang tới đồng bào cả nước”.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.