Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 07:15:05

“Gieo chữ” ở Pha Lọng

Ngày đăng: 15/08/2022

QK2 – Vượt dốc, băng rừng… đó là công việc thường ngày của đội viên trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) Đoàn KT- QP 326, khi di chuyển từ Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 (Đội 1) đến bản Huổi Men dạy chữ phổ thông cho người dân. Việc làm của các TTTTN đang từng ngày giúp đồng bào dân tộc Mông nơi đây nâng cao dân trí, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm. 

Lớp học tại điểm trường Pha Lọng, bản Huổi Men.

 

Tất tả sắp xếp sách vở, tài liệu, nước uống vào chiếc ba lô sờn bạc khi trời vừa sẩm tối, Vừ Bả Nọ, đội viên TTTTN Đội 1, Đoàn KT-QP 326 đã sẵn sàng cho một buổi lên lớp dạy tiếng phổ thông cho người dân tại điểm trường Pha Lọng, bản Huổi Men, xã Mường Lạn (Sốp Cộp, Sơn La). Điều khiển chiếc xe gắn máy, phương tiện mà cán bộ, nhân viên Đội 1 hằng ngày vẫn thường hay sử dụng xuống bản, Vừ Bả Nọ men theo con đường bê tông thẳng tắp hướng về phía bản Huổi Men. Hơn 3 tháng nay, từ khi lớp học được mở ra, cung đường từ Đội 1 xuống điểm trường Pha Lọng đã trở nên quen thuộc của Nọ. Trò chuyện với chúng tôi, Vừ Bả Nọ tâm sự: Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sơn La, chuyên ngành sư phạm, là người dân tộc Mông nên khi Đoàn KT-QP 326 có chủ trương mở lớp xoá tái mù chữ cho người dân trong vùng dự án, tôi được chỉ huy Đội 1 lựa chọn làm giáo viên đứng lớp.

Huổi Men là bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Lạn, người dân đều là người dân tộc Mông, thu nhập phần lớn dựa vào lúa nương và chăn nuôi nhỏ, hộ nghèo chiếm tỉ lệ cao. Con đường dẫn vào điểm trường Pha Lọng là con đường độc đạo, đường đất lởm chởm khó đi, dài hơn 6km. Mỗi khi khách lạ hay người dân di chuyển vào bản phải tăng bo bằng xe gắn máy hoặc đi bộ. Pha Lọng là điểm dân cư “vùng lõm” của xã Mường Lạn, nơi đây chưa có điện lưới Quốc gia, cũng chẳng có sóng điện thoại di động cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Trung tá Hờ A Là, Đội trưởng Đội 1, cho biết: “Phần lớn học sinh đến với lớp học đều là lao động chính trong gia đình. Hằng ngày họ lên nương, lên rẫy lao động, đến gần tối mới trở về nhà. Để người dân đến lớp học đông đủ nhất, lớp học tiếng phổ thông tại Pha Lọng thường được bắt đầu từ 19 giờ 30 phút đến 22 giờ đêm, từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần. Trước khi mở lớp, cán bộ, nhân viên Đội 1 phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã Mường Lạn cùng anh Vừ A May, Trưởng bản Huổi Men đến từng gia đình để vận động người dân theo học… Khi biết tiếng phổ thông sẽ giúp ích cho cuộc sống, sinh hoạt, người dân đều hồ hởi đăng ký tham gia. Qua tuyên truyền, vận động có 22 người dân ở bản Huổi Men theo học, trong đó có 6 cặp vợ chồng cùng đăng ký tham gia.

 

Trong không gian tĩnh lặng nơi vùng cao biên giới, chứng kiến buổi lên lớp của TTTTN Vừ Bả Nọ, chúng tôi ai nấy đều cảm thấy xúc động tại lớp học đặc biệt này. Không gian của lớp khá chật chội, lớp học chỉ có duy nhất 1 chiếc bóng điện chiếu sáng được sử dụng bằng nguồn năng lượng mặt trời, nhưng học sinh ai nấy đều học tập rất chăm chú. Mặc dù giọng đọc còn ngọng nghịu, nét chữ đôi khi viết nguệch ngoạc, nhưng các anh, chị em đều mong muốn đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông. Ngồi cạnh vợ mình là chị Hặng Thị Mái, anh Mùa A Nỏ bộc bạch: “Vợ chồng mình hằng ngày đi lên núi làm nương, cắt cỏ chăn nuôi, do không biết chữ nên mỗi lần xuống chợ mua, bán con gà, củ khoai mình phải dùng đốt ngón tay để tính toán đấy, khó khăn lắm. Được cán bộ Đoàn KT-QP 326 dạy cho cái chữ, dạy làm phép tính, vợ chồng mình mừng lắm!”.

 Trung tá Hờ A Là chia sẻ: Trước đây mỗi lần gặp gỡ, tiếp xúc, cán bộ, nhân viên Đội 1 đều nói bằng tiếng đồng bào để người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và dạy người dân biết tiếng phổ thông, nhưng cũng không được nhiều, học xong lại quên. Mở lớp học này cán bộ, nhân viên Đội 1 mong muốn sẽ đồng bào dân tộc Mông nơi đây đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông, thành thạo phép tính. Để giúp người dân tiếp thu tốt nhất nội dung học tập theo chương trình từ Lớp 1 đến Lớp 5, Đội 1 còn phối hợp với trường Tiểu học bán trú xã Mường Lạn đề nghị hỗ trợ về phương pháp giảng dạy.

 Anh Quàng Văn Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú xã Mường Lạn cho biết: “Nhà trường chúng tôi đánh giá rất cao việc Đoàn KT-QP 326 mở lớp học xoá tái mù chữ cho người dân vùng cao, biên giới. Bên cạnh cử giáo viên phối hợp hướng dẫn về phương pháp giảng dạy, học tập, nhà trường còn hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập giúp người dân học tập hiệu quả hơn”.

Theo Thượng tá Trần Quốc Trị, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Đoàn KT-QP 326: Mở lớp dạy tiếng phổ thông cho người dân trong vùng dự án được Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn KT-QP 326 xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn hằng năm. Để chương trình đạt hiệu quả cao, Đoàn KT-QP 326 phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Sốp Cộp lựa chọn những điểm bản mà nhu cầu học tập tiếng phổ thông của người dân chiếm tỉ lệ cao. Bên cạnh việc giúp người dân xoá tái mù chữ, Đoàn KT-QP 326 còn lồng ghép tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, cũng như tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn hoá, chung tay bảo vệ an ninh biên giới.

Bài, ảnh: MẠNH TƯỜNG

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.