Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 04:45:42

Giải quyết chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến: Vẫn còn những khó khăn, vướng mắc

Ngày đăng: 14/10/2016
Theo kết quả khảo sát, cả nước có gần 1 triệu đối tượng là dân công hỏa tuyến (DCHT) từng làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trong các cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg, ngày 14-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ về các chế độ, chính sách đối với DCHT (gọi tắt là Quyết định 49) vẫn còn bộc lộ không ít khó khăn, vướng mắc bởi phần lớn đối tượng không có giấy tờ làm căn cứ xét hưởng. Giải quyết vấn đề này như thế nào để bảo đảm công bằng, không sót, lọt đối tượng… thực sự là bài toán khó.

Một chủ trương giàu tính nhân văn 

Đã gần bước sang tuổi 90 nhưng vợ chồng ông bà Khổng Thị Nhất và Khổng Văn Nội (xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông bà phấn khởi khoe tấm “giấy chứng nhận” DCHT mới được cơ quan chức năng trao cùng 5,4 triệu đồng tiền mặt được hưởng theo Quyết định 49. Và rồi, những hồi ức về một thời tuổi trẻ sôi nổi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên Tây Bắc làm nhiệm vụ thồ gạo, tải đạn, cáng thương binh… cách đây hơn 60 năm bên ấm trà nóng cứ nối dài như không muốn dứt.

Cùng chung niềm vui như vợ chồng bà Nhất khi được nhận tiền theo Quyết định 49, ông Bùi Đào Hiên, xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi ngày ấy chỉ biết Tổ quốc cần là chúng tôi lên đường làm nhiệm vụ, nào ai nghĩ ngợi rằng sau này sẽ được cái gì. Vì vậy, khi được cơ quan chức năng hướng dẫn làm thủ tục để hưởng chế độ tham gia DCHT, chúng tôi phấn khởi và xúc động lắm”.

Để có được kết quả trên, theo Trung tá Bùi Anh Quân, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), thì quá trình triển khai xét duyệt đối tượng theo Quyết định số 49, huyện đã làm chặt chẽ, hướng dẫn tận tình, chu đáo, bảo đảm đúng theo trình tự. Trong đợt 1, toàn huyện đã tổ chức chi trả cho 191 đối tượng với tổng số tiền gần 395 triệu đồng, trong đó có 74 đối tượng còn sống.

 Chi trả chế độ theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ tại Vĩnh Phúc.​ Ảnh: HỒNG SÁNG.

Chi trả chế độ theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ tại Vĩnh Phúc.​ Ảnh: HỒNG SÁNG.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến nay, sau gần 1 năm triển khai Quyết định 49, trên cả nước đã có hơn 10.000 đối tượng được công nhận là DCHT. Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và sự đồng thuận của nhân dân đối với một quyết định mang đầy tính nhân văn và sự tri ân của Đảng, Nhà nước.

Gỡ những vướng mắc, bất cập

Nội dung Quyết định 49 quy định rất rõ: Đối tượng được chi trả theo quyết định là DCHT tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, được ủy ban hành chính, UBND cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung, được giao làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị quân đội hoặc phục vụ các chiến trường. Theo đó, những đối tượng có đủ điều kiện này được hưởng chế độ trợ cấp một lần ấn định theo các mốc thời gian thực tế trực tiếp tham gia DCHT với 3 mức: 2 triệu đồng; 2,7 triệu đồng và 3,5 triệu đồng/người. Quy định cũng nêu rõ, người đã từ trần thì một trong những thân nhân (vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp) được hưởng theo mức thống nhất tương ứng nêu trên. Ngoài ra, những đối tượng đủ điều kiện còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT), trợ cấp mai táng phí. Nếu được hưởng nhiều chế độ BHYT khác nhau thì chỉ được cấp một thẻ BHYT và được lựa chọn chế độ mức hưởng cao nhất… Cùng với đó, khi có quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần, mỗi người được cấp “giấy chứng nhận” tham gia DCHT.

Trao đổi với chúng tôi về quá trình triển khai thực hiện Quyết định 49 trên địa bàn, đồng chí Vũ Chí Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 24 tỉnh Vĩnh Phúc, cho rằng: Đối với những đối tượng còn đầy đủ giấy tờ thì việc thực hiện chi trả theo Quyết định 49 rất thuận lợi. Tuy nhiên, số đối tượng này trên thực tế hiện không nhiều (khoảng 1%). Bởi vì đối tượng tham gia DCHT khi trở về địa phương, ngoài một số ít được ghi vào hồ sơ cá nhân, phần lớn còn lại không có giấy tờ. Trong khi đó, hiện tại, đối tượng này phần nhiều đã qua đời, số còn sống tuổi cao, trí nhớ mai một, nên yêu cầu nhớ chính xác đơn vị, thời gian, địa điểm, nhiệm vụ được giao lúc tham gia DCHT có nhiều hạn chế. Tài liệu lưu trữ của các địa phương hầu hết đã thất lạc. Chưa kể, một số đối tượng tham gia DCHT do tuổi cao đã qua đời, con cháu khi được thông báo kê khai bảo đảm chế độ theo quyết định không mặn mà… Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Quyết định 49 ở tỉnh Vĩnh Phúc nêu trên cũng là những vướng mắc ở hầu hết các địa phương trên cả nước.

Tìm hiểu thực tế ở một số địa phương, đơn vị, chúng tôi nhận thấy, quá trình triển khai, nhiều đơn vị đã có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, nhằm hoàn thành theo lộ trình thực hiện Quyết định 49 vào năm 2017. Một trong những giải pháp được nhiều đơn vị đề cập là thành lập tổ tư vấn thực hiện quyết định này ngay từ cấp xã (theo quy định, tổ tư vấn chỉ được thành lập từ cấp huyện). Vai trò của hội đồng chính sách, tổ tư vấn cấp xã rất quan trọng. Bởi thành viên tổ tư vấn đều là những người trực tiếp tham gia DCHT, hoặc thanh niên xung phong, cán bộ hưu trí… nên hiểu và nắm chắc đối tượng. Việc nắm chắc đối tượng là cơ sở quan trọng để tư vấn cho hội đồng chính sách cấp xã trong quá trình xét duyệt.

Giải quyết những khó khăn trong thực hiện Quyết định 49, Thiếu tướng Phạm Đức Duyên, Phó chính ủy Quân khu 2, Trưởng ban Chỉ đạo 24 Quân khu 2, cho rằng: “Để thực hiện tốt chế độ đối với DCHT, bảo đảm chính xác, khách quan, kịp thời, nhanh chóng, phải kết hợp nhiều chính sách, như: Tăng cường đội ngũ làm chính sách xuống tận cơ sở (cấp xã) để thu thập hồ sơ. Hồ sơ thu đến đâu xét duyệt luôn đến đó, quá trình xét duyệt kết hợp các biện pháp vận động tuyên truyền để người dân thêm hiểu và tích cực hợp tác”.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình cho rằng, vai trò của đội ngũ tham gia Ban chỉ đạo 24 rất quan trọng. Đối tượng này phải tận tình, công tâm, khách quan, bảo đảm quá trình xét duyệt chặt chẽ, đúng quy trình. “Như vậy, đội ngũ làm công tác chính sách cần nghiên cứu kỹ, nắm chắc nội dung Quyết định 49. Triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, trong đó đặc biệt chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền. Tổ chức thực hiện phải minh bạch, công khai. Phát huy vai trò của các tổ chức cơ sở ở xã, phường, các tổ tư vấn và đặc biệt là đề cao vai trò giám sát của nhân dân”-Đại tá Ngô Quang Phúc, Phó cục trưởng Cục Chính sách, khẳng định với chúng tôi như vậy.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top