Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 04:44:10

Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh…

Ngày đăng: 13/05/2019

QK2 – Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, dù không trực tiếp cầm súng nhưng vai trò của những người phụ nữ lại vô cùng to lớn, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc.Đó là những chị dân công đi tải lương, phục vụ chiến dịch.

Đoàn Văn công phục vụ các đơn vị ngoài mặt trận. (Ảnh TL)

Để đảm bảo hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ, dân công miệt mài gánh gồng những tải gạo, lương thực, rau, vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày; bất chấp hiểm nguy vượt qua mưa bom, bão đạn quân thù, kiên trì vận chuyển hàng hóa theo yêu cầu của chiến dịch.Những bàn chân, đôi tay chai sần, tóe máu gắng sức để vận chuyển lương thực cung ứng cho chiến dịch. Phụ nữ Mông, Khơ Mú xuống núi "tay xách, nách mang" lợn, gà, dê, ra xanh, ngô, khoai; phụ nữ Thái rời xa bếp củi mang thóc gạo, muối, cá… ủng hộ bội đội đánh giặc. Bất chấp những hiểm nguy, nhiều nữ dân công, thanh niên xung phong còn tham gia mở đường, sửa đường. Với khẩu hiệu "bảo vệ giao thông tuyệt đối", chị em dũng cảm đứng cạnh những quả bom nổ chậm làm dấu cho bộ đội, dân công vượt qua, nhiều người còn trực tiếp tham gia chống lầy, phá bom, đắp đường sạt lở, bắc cầu, bắc đá… Nhiều chị xông pha giữa bom đạn để cứu hàng, ngụy trang hàng; số khác lại túc trực ở những đoạn thác, ghềnh hiểm trở, hướng dẫn bè, mảng vượt qua an toàn.

Đó còn là những nữ y tá quân y, ngày đêm bám sát trận địa với bộ đội, miệt mài chăm sóc thương binh. Trong những tình huống khẩn cấp, lượng thương binh nhiều hoặc những ca bệnh phức tập, họ còn quên ăn, quên ngủ hết lòng vì thương binh, cứu chữa nhanh, chính xác và kịp thời. Nhiều nữ y tá kiêm cả nhiệm vụ tải thương binh, băng qua làn đạn quân thù, về đến trại cứu chữa an toàn, trong nhiều hoàn cảnh, họ còn là chỗ dựa về tinh thần cho bệnh binh.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác chính trị đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của chiến sĩ ngoài mặt trận; một trong số đó là những chương trình văn nghệ trong những lúc giải lao, sau những giờ chiến đấu căng thẳng "một mất, một còn". Với nhiều chiến sĩ, chỉ cần nhìn thấy văn công thôi là thấy sức sống, sự tươi sáng và là cả niềm hân hoan, vui sướng. Trong điều kiện chiến tranh khó khăn, những nữ văn công sẵn sàng lấy nhọ nồi kẻ mắt, với tinh thần "tiếng hát át tiếng bom" đem những điệu múa, vở kịch, lời ca đến với bộ đội. Đó thực sự là những nguồn cổ vũ, khích lệ về tinh thần hết sức quý báu, xua tan những mệt mỏi, gian khổ và tiếp thêm động lực cho những người lính chiến đấu đến cùng, "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Đó còn là những người vợ, người mẹ chấp nhận biệt ly, chia cách, tiễn chồng, con ra mặt trận, thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc, còn mình chu toàn việc gia đình, con cái, tích cực lao động sản xuất làm ra nhiều lúa gạo tiếp tế cho tiền tuyến; đồng thời cũng sẵn sàng tư thế "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", tham gia du kích, vận động, biểu tình… Đã có những câu chuyện được kể về người phụ nữ tạm dừng chuyện cưới xin để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, hay về nữ dân công cháy cả mái tóc vì dính bom napan nhưng vẫn lao mình vào cứu những hòm đạn. Có chị bản thân bị thương nhưng vẫn cắn răng chịu đựng vượt qua những hầm hào khói lửa đưa thương binh về hầm trú ẩn an toàn hay bà mế già người Thái sẵn sàng nhường những bồ thóc cuối cùng trong nhà cho bộ đội để họ ăn no đánh giặc…

THU HUYỀN ( Tổng hợp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.