Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 02:11:04

Giá trị văn hoá cốt lõi và Chiến lược xây dựng nền văn hoá tiên tiến

Ngày đăng: 22/11/2021

Nghị quyết của Đảng đã nêu: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; còn cách hiểu về bản sắc văn hóa hiện nay là: Tính độc đáo, tính riêng biệt về ngôn ngữ, cư trú, hôn nhân gia đình, trang phục, phong tục tập quán… Người viết cho rằng, để hoạch định chiến lược xây dựng nền văn hóa tiên tiến nên bắt đầu từ những giá trị cốt lõi, đồng thời hiểu rõ hơn về mối quan hệ biện chứng giữa tính “tiên tiến” và “đậm đà bản sắc dân tộc”. 

Để hoạch định chiến lược xây dựng nền văn hóa tiên tiến nên bắt đầu từ những giá trị cốt lõi (Ảnh minh hoạ)

Đó không phải là hai vấn đề mà là hai mặt của một chiến lược xây dựng văn hóa, bao gồm: Tiếp thu những giá trị văn hóa thế giới được “Việt Nam hóa” và “Hiện đại hóa” những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.. 
Nhận diện giá trị văn hóa cốt lõi 
Khái niệm “bản sắc văn hóa” gồm cả tính bền vững và tính lâu dài nên nó không chỉ là những gì tốt đẹp nhất mà còn có cả những nhược điểm có tính cố hữu. Tuy nhiên, bài viết này chưa đề cập đến những nhược điểm mà chỉ nêu những “giá trị văn hóa cốt lõi” được hiểu là tổng hòa những phần tinh túy nhất của bản sắc văn hóa. 
Một trong những cách nhận diện giá trị văn hóa cốt lõi đơn giản và dễ hiểu là xem thế giới ca ngợi nhiều nhất những phẩm chất gì của con người Việt Nam? Internet đã cung cấp nhiều thông tin lịch sử để thế giới biết đến Việt Nam là dân tộc kiên cường, bất khuất, “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”… Vì thế, các thế lực phong kiến lớn nhất và thực dân, đế quốc hùng mạnh nhất thế giới đã từng đô hộ Việt Nam hàng ngàn năm, hàng trăm năm đều phải bỏ chạy… Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ngước nhìn lên quả chuông đồng ở Văn Miếu đã nói: “Các bạn là một dân tộc mạnh mẽ, không ai có thể áp đặt!”. Truyền hình Mỹ đã từng phát chương trình nói về 5 quốc gia “khó khuất phục nhất”, trong đó Việt Nam đứng thứ nhất và được coi là “không thể khuất phục”. 
Nói về năng lực Việt Nam, thế giới ca ngợi nhiều nhất là tài năng quân sự vì là một nước nhỏ, người không đông, tiềm lực kinh tế, quân sự không mạnh nhưng đã đánh bại những thế lực hùng mạnh nhất. Việt Nam có hai trong số mười vị tướng được thế giới vinh danh là Danh tướng giỏi nhất mọi thời đại. 
Nói đến con người Việt Nam, ấn tượng mà người nước ngoài cảm nhận được là những tố chất còn mang nhiều dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước với đức tính giản dị, cần cù, chịu khó: “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”, “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”… Người Việt có sức chịu đựng đau thương, mất mát rất lớn: “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ” và hãy nhìn những nghĩa trang liệt sĩ ở khắp nơi và nhìn lên bàn thờ của các gia đình liệt sĩ sẽ thấy rõ hơn điều đó. 
Một dân tộc đã chịu quá nhiều đau thương như thế chắc hẳn phải có lòng căm thù giặc sâu sắc, thế nhưng, dân tộc ấy lại có lòng vị tha rất cao cả. Trong chiến tranh đã từng thả rất nhiều tù binh, trong hòa bình lại tha thứ, gác lại quá khứ để làm bạn với tất cả các nước – kể cả với các cựu thù trên nguyên tắc tôn trọng và bình đẳng. Có nghiên cứu cho rằng, phải chăng người Việt Nam duy tình nhiều hơn duy lý? Nên căm thù rất sâu sắc mà vị tha cũng rất bao dung. Người Việt còn rất giỏi chịu đựng gian khổ, thiếu thốn. Đó là những con người “chân trần trí thép”. Và, người Việt có tinh thần lạc quan rất cao, thể hiện trong cách nói về tai nạn hay thiệt hại nào đó luôn kèm theo câu “còn may”: Còn may không ai bị thương nặng; Còn may không có người thiệt mạng… 
Những vấn đề nêu trên không phải là tất cả bản sắc văn hóa Việt Nam mà chỉ là dẫn chứng một số nét về những giá trị văn hóa cốt lõi có vai trò như “tế bào gốc” của nền văn hóa Việt. Có thể coi đó là định hướng cho việc hoạch định chiến lược xây dựng nền văn hóa tiên tiến. 
Chiến lược xây dựng văn hóa tiên tiến nên bắt đầu từ đâu? 
Người viết cho rằng, chiến lược xây dựng nền văn hóa tiên tiến sẽ không giới hạn trong lĩnh vực hoạt động của các ngành văn hóa mà sẽ mang tính bao quát tất cả các mặt của đời sống vật chất và tinh thần của đất nước. Do đó, xin đề xuất mấy ý kiến cụ thể sau đây để tham khảo khi xây dựng chiến lược: 
Một là: Không nên tiếp cận theo hướng chỉ xây dựng những bộ tiêu chí chung cho tất cả mà nên xây dựng những nội dung văn hóa đặc thù đối với từng lĩnh vực. Vì văn hóa nông thôn với sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới… khác với văn hóa đô thị có công nghiệp, dịch vụ, doanh nghiệp; Văn hóa giáo dục khác với văn hóa lãnh đạo, quản lý…, khác với văn hóa giao thông… Đặt vấn đề như vậy không phải là sự dàn trải, phân tán mà là tạo ra những “mảnh ghép văn hóa” đa dạng nhưng tương thích với nhau để thực hiện mục đích chung. Nói cách khác, đó là quy luật “thống nhất trong đa dạng”. 
Hai là: Chiến lược xây dựng văn hóa tiên tiến nên xác định ba trụ cột chính là giáo dục, luật pháp và hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trụ cột giáo dục là căn bản nhằm tạo ra “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Trụ cột luật pháp là không thể thiếu nhất là trong thời “văn hóa mạng”. Trụ cột thứ ba là hoạt động văn hóa nghệ thuật sẽ gắn chặt hơn với lợi ích kinh tế đầu tư cho văn hóa sinh lời như lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, du lịch… Đồng thời, phải chống sự lạm dụng việc khai thác các lễ hội văn hóa truyền thống để trục lợi và tuyên truyền mê tín dị đoan. Một vấn đề mới đặt ra là xây dựng nếp sống văn hóa thích ứng với điều kiện “bình thường mới và sống chung với Covid”. 
Đặc điểm lịch sử Việt Nam là vừa có rất nhiều chiến công chống ngoại xâm oanh liệt lại vừa có nhiều lần bị xâm lược. Nguyễn Trãi từng viết: Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, nhưng hào kiệt thời nào cũng có, tức là, khi nào hào kiệt để cho bọn tiểu nhân bất tài chiếm lấy những vị trí trọng yếu trong chính quyền thì chúng sẽ làm cho đất nước suy vong, là thời cơ cho kẻ thù xâm lược… Rồi sau đó, hào kiệt và nhân dân lại phải tốn rất nhiều xương máu để giành lại độc lập. Để chu kỳ ấy không lặp lại có vai trò vô cùng quan trọng của chiến lược xây dựng nền văn hóa tiên tiến với mục đích cao nhất là vừa bảo tồn vừa hiện đại hóa những giá trị văn hóa cốt lõi. Là yếu tố quyết định giữ vững độc lập vừa tiếp thu và “Việt Nam hóa” những tinh hoa văn hóa thế giới, biến thành sức mạnh Việt Nam như ông cha ta đã thực hiện: Tiếp thu văn hóa Nho giáo để đánh bại quân xâm lược của phong kiến phương Bắc; tiếp thu văn minh phương Tây để đánh bại quân xâm lược của thực dân đế quốc phương Tây. Đó là bí quyết tạo sức mạnh của Việt Nam đã được lịch sử chứng minh. 

(Theo Báo Văn hóa)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.