Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 04:56:45

Gắn phát triển kinh tế với củng cố, QP-AN, đối ngoại, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ

Ngày đăng: 02/02/2019

QK2 – Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc nằm chính giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc của Việt Nam. Phía Đông giáp với tỉnh Hà Giang, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với gần 200 km đường biên giới. Trên tuyến biên giới tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam có 1 cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai với 3 điểm thông quan (cầu đường bộ Kim Thành, cầu đường bộ qua sông Nậm Thi, cầu đường sắt), 1 cửa khẩu chính Mường Khương, 4 cửa khẩu phụ.
Với vị trí đặc biệt này, tỉnh Lào Cai trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của toàn vùng và là đầu mối thông thương kinh tế, giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc; là cửa ngõ quan trọng trong huyết mạch giao thông đường bộ, đường thủy trên sông Hồng và đường sắt trong hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; là cầu nối không chỉ Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và miền Tây Nam Trung Quốc; là trung tâm của hành lang Bắc – Nam trong hợp tác các nước tiểu vùng sông Mê Kông (GMS).  
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, những năm qua, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang (LLVT) Lào Cai đã phát huy nội lực, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng vươn lên và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá ổn định, cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 13,9%; công nghiệp – xây dựng 43,3%; dịch vụ 42,8%, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm. Quốc phòng – an ninh (QP-AN) được củng cố; quan hệ đối ngoại giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam tiếp tục phát triển theo phương châm "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Nhiệm vụ xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện được các cấp uỷ Đảng quan tâm lãnh đạo, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân dân, đoàn kết giữa các lực lượng được phát huy. Niềm tin của nhân dân với cấp uỷ Đảng và chính quyền không ngừng được củng cố vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình và đề án của tỉnh đề ra.

LLVT tỉnh Lào Cai thi đua huấn luyện giỏi.

Từ kết quả đạt được có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực mới để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong mặt bằng chung của cả nước, Lào Cai vẫn là một tỉnh nghèo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và các mặt khác chưa tương xứng với tiềm năng; nhiều thế mạnh chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả. Hạ tầng cơ sở tuy có nhiều cải thiện, nhưng còn thấp, kém. Đời sống nhân dân các dân tộc còn nhiều khó khăn. Công tác QP-AN có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, an ninh nông thôn, an ninh đô thị tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
Với tầm nhìn và đánh giá đúng tình hình, đặc điểm, nhiệm vụ của tỉnh Lào Cai trong thời kỳ mới, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai khoá XV đã đề ra mục tiêu tiếp tục đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Lào Cai tiến nhanh, tiến vững chắc trên tất cả các mặt, phấn đấu đến năm 2020 là tỉnh có trình độ phát triển trong vùng trung du miền núi Bắc Bộ và đạt loại khá của cả nước. Đại hội cũng khẳng định, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh trong giai đoạn tới là tập trung phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đó, Lào Cai đẩy mạnh triển khai thực hiện 4 chương trình, 19 đề án trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XV đã đề ra, trên cơ sở điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp và triển khai các đề án cụ thể đối với từng ngành, từng địa phương. Cụ thể là, trong phát triển KT-XH, tỉnh tập trung phát huy các tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm 10%, GDP bình quân đầu người đạt trên 58 triệu đồng/năm. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp – công nghiệp – du lịch, dịch vụ; từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong nông nghiệp, tập trung phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá; chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản theo hướng công nghiệp. 
Tăng cường đầu tư tạo bước phát triển đột phá trong công nghiệp, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh; cải tiến cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu thương mại (KTM) hiện đại. Tiếp tục tập trung cho các dự án trọng điểm, KCN Tằng Loỏng, KCN Bắc Duyên Hải, Đông Phố Mới và KTM Kim Thành, KTM cửa khẩu quốc tế Lào Cai, cửa khẩu chính Mường Khương. Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, các loại hình du lịch. Xây dựng thương hiệu “du lịch Sa Pa”; gắn du lịch với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, truyền thống lịch sử của các dân tộc.
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo cán bộ người dân tộc ít người, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, công nhân lành nghề. Tập trung đầu tư củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống y tế; đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhất là sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, đồng bào vùng dân tộc, vùng cao, biên giới. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, kiểm dịch, phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là các bệnh cúm gia cầm, lở mồm, long móng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cùng với đẩy mạnh phát triển KT-XH, tỉnh cũng tập trung tăng cường QP-AN, xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân (ANND), thế trận biên phòng toàn dân (BPTD), giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia. Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) toàn dân, nhất là bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, GDQP cho học sinh, sinh viên và toàn dân. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân trong quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân (UBND) về nhiệm vụ quốc phòng – quân sự (QP-QS), về kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết 28-NQ/TW về “Xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc”, Nghị định 152/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ. Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp uỷ, chính quyền các cấp, vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quân sự, các LLVT, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh đối với nhiệm vụ QP-QS địa phương. Chăm lo xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện gắn với xây dựng xã, phường, thôn, bản an toàn, làm chủ, nhất là ở địa bàn trọng điểm, chiến lược, miền núi, vùng cao, biên giới… Bảo đảm dân chủ ở địa phương, quyền làm chủ của nhân dân, củng cố “thế trận lòng dân”, phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên quyết làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ và các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, hòng gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh biên giới của các thế lực thù địch, phản động.
Tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, huyện, thành phố theo hướng “Cơ bản, liên hoàn, vững chắc”, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện, diễn tập theo các kế hoạch, phương án phòng thủ khu vực đã được phê duyệt, đáp ứng yêu cầu “Thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm”. Chỉ đạo các huyện, thành phố diễn tập phòng chống bão lụt, diễn tập phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng, diễn tập phòng thủ cho 26 xã, phường trọng điểm, 2 cụm tác chiến biên phòng, 1 cụm an toàn làm chủ sẵn sàng chiến đấu cao, kết quả đều đạt khá, giỏi. Qua diễn tập, năng lực, trình độ lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức hiệp đồng tác chiến của cán bộ các cấp được nâng lên rõ rệt. 
Chỉ đạo củng cố, xây dựng lực lượng DQTV đúng Luật Dân quân tự vệ, có số lượng và chất lượng chính trị, 100% thôn, bản có dân quân; tỷ lệ DQTV hằng năm đạt 1,8% so với tổng dân số, tỷ lệ đảng viên trong DQTV thường xuyên ổn định đạt mức trên 25,2%. Xây dựng kế hoạch huy động, tiếp nhận lực lượng DBĐV của tỉnh. Kiểm tra động viên quân nhân dự bị đạt 100% chỉ tiêu; đăng ký, quản lý chặt chẽ nguồn dự bị động viên, sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên đạt 92,75%, trong đó sĩ quan đạt 100%, đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 75,75%, đảng viên trong lực lượng DBĐV đạt tỷ lệ 14,36%, chỉ đạo đăng ký độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ, hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân hằng năm. 
Làm tốt công tác tập huấn cán bộ và chuẩn bị cơ sở vật chất cho huấn luyện; tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ. Chú trọng huấn luyện lực lượng làm nhiệm vụ A2, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; phòng chống cháy rừng và bảo vệ rừng, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia; gắn huấn luyện với quản lý, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy và làm công tác dân vận. Kết quả huấn luyện đều hoàn thành 100% nội dung chương trình; quân số tham gia đạt từ 96,2 đến 99%; kiểm tra các đối tượng 100% đạt yêu cầu, trong bộ đội địa phương có 80% khá, giỏi, dân quân tự vệ và dự bị động viên đạt khá. Hoàn thành các cuộc luyện tập, diễn tập cấp tỉnh và huyện, thành phố, kết quả đạt 100% khá, giỏi. Thông qua huấn luyện, luyện tập, diễn tập chất lượng tổng hợp của LLVT tỉnh được nâng cao.
Năm 2019, tỉnh tập trung chỉ đạo các huyện, thành phố luyện tập và chỉ đạo diễn tập phòng thủ từ 2 đến 3 xã, nâng cao khả năng phối hợp, xử trí tình huống của các thành phần trong cơ chế. Tăng cường kiểm tra, nắm chắc tình hình, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án tác chiến phòng thủ, động viên quốc phòng, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN và đối ngoại, Đề án “Nâng cao chất lượng xây dựng KVPT tỉnh, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai” của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh. Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý đất, các công trình QP-AN, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách để xây dựng và hoàn thiện các công trình phòng thủ, nhất là các công trình chiến đấu, như sở chỉ huy, trận địa chiến đấu, khu hậu cần, kỹ thuật, hệ thống đường giao thông, sân bay, kho tàng, bến bãi… Chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ việc phối hợp các lực lượng, nhất là quân đội, công an, biên phòng làm nòng cốt cho toàn dân trong quản lý, bảo vệ địa bàn, khu vực biên giới; tích cực, chủ động xây dựng, hoàn thiện các phương án, kế hoạch hiệp đồng, phối hợp xử lý hiệu quả các tình huống về QP-AN, đối ngoại, giữ vững an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.
Đẩy mạnh công tác đối ngoại theo đúng chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, chú trọng củng cố, phát triển toàn diện quan hệ hợp tác truyền thống lâu dài với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, vùng lãnh thổ phù hợp với điều kiện và khả năng của tỉnh, góp phần tạo dựng môi trường và các điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH, củng cố QP-AN, xây dựng biên giới quốc gia hoà bình, hợp tác và phát triển.
 NGUYỄN VĂN VỊNH, 
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, 
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.