Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 04:46:09

Gần gũi, sẻ chia, động viên chiến sỹ (Kỳ 1)

Ngày đăng: 25/11/2015

Cái tâm của người lãnh đạo

QK2 – Cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, chất lượng chính trị chiến sỹ mới theo từng năm ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, kéo theo công tác quản lý cũng trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Để thường xuyên nắm chắc diễn biến tư tưởng của bộ đội, trên cơ sở thực hiện có hiệu quả mô hình “Hồ sơ thông tin chiến sỹ” trước đó, từ đầu năm 2015 đến nay, Sư đoàn 316 tiếp tục triển khai thực hiện mô hình “Quản lý tư tưởng bộ đội theo nhóm”.

THÀNH CÔNG TỪ MÔ HÌNH ĐẦU TIÊN
Cách đây hơn một năm, khi đến với cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 316, chúng tôi hết sức ấn tượng với mô hình nắm, quản lý tư tưởng qua “Hồ sơ thông tin chiến sỹ” của Thượng tá Đỗ Xuân Tụng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn. Đây là một mô hình mới để nắm và quản lý tư tưởng bộ đội trong cả quá trình tại ngũ. “Hồ sơ thông tin chiến sỹ” khai thác các thông tin nhạy cảm có thể tác động đến tư tưởng chiến sỹ, như: Hoàn cảnh hậu phương gia đình; điều kiện kinh tế, tình hình sức khoẻ của người thân; môi trường và công việc trước khi chiến sỹ nhập ngũ vào đơn vị…đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tư tưởng của chiến sỹ, cần nắm để có biện pháp tư tưởng phù hợp. Mặt khác, qua “Hồ sơ thông tin chiến sỹ” còn nắm được sở thích, thế mạnh và nhất là suy nghĩ của bộ đội khi vào môi trường quân đội, động cơ phấn đấu, nguyện vọng cá nhân…từ đó có biện pháp giáo dục, tác động hiệu quả và nhân rộng, làm gương.
Mỗi chiến sĩ có một quyển “Hồ sơ thông tin chiến sĩ”. Hằng tuần, hằng tháng cán bộ trung đội trưởng trực tiếp theo dõi, ghi chép diễn biến tình hình tư tưởng; các biện pháp giải quyết và hiệu quả sau giải quyết. Khi chiến sĩ chuyển đơn vị, “Hồ sơ thông tin chiến sĩ” cũng được bàn giao cho đơn vị mới, rất thuận lợi cho đơn vị mới trong việc nắm bắt và quản lý tư tưởng của bộ đội ngay từ những ngày đầu tiếp nhận về đơn vị. Theo đồng chí Chính uỷ Sư đoàn, từ khi thực hiện mô hình “Hồ sơ thông tin chiến sỹ” công tác nắm, quản lý tư tưởng chiến sỹ mới của đội ngũ cán bộ ở các đơn vị cơ sở chủ động và hiệu quả hơn. Đây được coi là “cẩm nang” quản lý bộ đội của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trung đội, đại đội.
Đợt 2 năm 2015, khi các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 316 đang bước vào tuần huấn luyện thứ 3, chúng tôi có dịp trở lại Sư đoàn và bất ngờ khi được anh em đơn vị giới thiệu một biện pháp tiến hành công tác tư tưởng rất hiệu quả nữa của đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn. Tiếp nối thành công của phương pháp quản lý tư tưởng qua “Hồ sơ thông tin chiến sĩ”, Thượng tá Đỗ Xuân Tụng, Bí thư Đảng ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình “Quản lý tư tưởng chiến sỹ theo nhóm”.

Cán binh gần gũi trong ngày vui xuân ở Sư đoàn 316.

Cán binh gần gũi trong ngày vui xuân ở Sư đoàn 316.

GẶP GỠ TRỰC TIẾP, NẮM CHẮC HOÀN CẢNH
Thượng tá Đỗ Xuân Tụng cho biết, việc quản lý tư tưởng bộ đội theo nhóm được đơn vị thực hiện ngay sau khi tiếp nhận chiến sỹ mới. Theo đó, thông qua “Hồ sơ thông tin chiến sỹ”, chỉ huy các cấp tiếp tục tìm hiểu, nắm chắc hoàn cảnh của bộ đội thông qua việc gặp gỡ trực tiếp từng cá nhân, từ đó có biện pháp quản lý chiến sỹ theo 3 nhóm đối tượng, gồm: Chiến sĩ lớn tuổi hơn, chiến sĩ có động cơ phấn đấu tốt và chiến sĩ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Các chiến sĩ lớn tuổi hơn thường có tuổi đời từ 21 đến 25, gồm cả những CSM đã tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng, đại học; các chiến sĩ có động cơ phấn đấu tốt, gồm những CSM là đảng viên, CSM đã được học lớp nhận thức về Đảng, có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng và phục vụ quân đội lâu dài; các chiến sĩ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, gồm các CSM có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố hoặc mẹ đã mất, đã ly hôn; có người thân (bố, mẹ, vợ, con) đau ốm…
Đối với nhóm “Chiến sỹ lớn tuổi hơn”, chỉ huy đơn vị chủ động gặp gỡ, động viên, phân tích và khơi gợi tinh thần gương mẫu của họ trước tập thể. Mặc dù “lính tuổi quân”, nhưng vì nhiều tuổi hơn, một số đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học nên trình độ, vốn sống, kinh nghiệm, sự từng trải, độ chín chắn của họ hơn các bạn đồng ngũ, do đó không chỉ gương mẫu trong lời nói và việc làm, chỉ huy đơn vị còn khuyến khích, động viên họ mạnh dạn đề xuất các biện pháp góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện của đơn vị.
Với “Chiến sỹ có động cơ phấn đấu tốt”, bên cạnh việc gặp gỡ, biểu dương động cơ phấn đấu đúng đắn của những chủ nhân tương lai của đất nước, của Quân đội; chỉ huy các đơn vị còn phân tích để họ hiểu muốn đạt mục tiêu phải nỗ lực cố gắng học tập, huấn luyện rèn luyện ngay từ đầu, từ đó khích lệ họ đi đầu trong thực hiện mọi nhiệm vụ, thậm chí còn giao những việc khó hơn để thử thách và rèn luyện, coi đây là lực lượng xung kích nòng cốt để thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội học tập, trao đổi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức để sau này có cơ hội được phục vụ quân đội lâu dài. Các chiến sỹ đã học lớp nhận thức về Đảng sẽ được chi bộ phân công người giúp đỡ để những quần chúng ưu tú ấy trở thành đảng viên.
Đối với nhóm “Chiến sỹ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt”, hạnh phúc gia đình không được “tròn đầy”; bố (mẹ, vợ hoặc con) ốm đau…, chỉ huy đơn vị thường xuyên nắm chắc diễn biến tư tưởng, chủ động chia sẻ, động viên, khuyến khích họ vượt qua mặc cảm, sống hòa mình cùng tập thể, đồng thời thường xuyên phân công người giúp đỡ, tránh để bộ đội rơi vào mặc cảm, tiêu cực…
Bài, ảnh: HỒNG SÁNG
Kỳ 2: Những thành công từ mô hình phân nhóm

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.