Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 07:44:04

Dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng: Thu hút nhân tài cho quân đội

Ngày đăng: 24/09/2015

Sáng 23-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) và công nhân, viên chức quốc phòng (CNVCQP). Các ý kiến cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu để có những quy định hợp lý hơn về một số nội dung, như hạn tuổi, cấp bậc quân hàm của QNCN và CNVCQP… để có những cơ chế mở thu hút được nhân tài, sử dụng được nhân tài…

Sự cần thiết ban hành luật

Luật Nghĩa vụ quân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến QNCN và CNVCQP được ban hành trong thời gian qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng đội ngũ QNCN và CNVCQP, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật QNCN và CNVCQP.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật QNCN và CNVCQP.

Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật QNCN và CNVCQP, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, trước yêu cầu phát triển về mọi mặt của đất nước và nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân trong tình hình mới, các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến QNCN và CNVCQP đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định đầy đủ về vị trí, chức năng của QNCN và CNVCQP trong tổ chức biên chế của Quân đội. Nên trong giai đoạn vừa qua việc quản lý, sử dụng đội ngũ QNCN và CNVCQP có lúc, có thời điểm hiệu quả chưa cao, lãng phí nguồn nhân lực. Pháp luật hiện hành quy định về hạn tuổi phục vụ của QNCN đến nay không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân. Việc quy định QNCN được nghỉ hưu ở độ tuổi 50 trở xuống khi tuổi đời còn trẻ, có sức khỏe, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi đang cần cho Quân đội đã gây lãng phí nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng Quân đội. Mặt khác, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, để được hưởng mức lương hưu là 75%, người lao động phải có từ 35 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên đối với nam và 30 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên đối với nữ. Việc QNCN chỉ phục vụ tại ngũ đến 50 tuổi như quy định hiện hành sẽ không đủ điều kiện để được hưởng mức lương hưu là 75% do chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nên đã ảnh hưởng lớn đến tâm tư nguyện vọng, đời sống của QNCN và gia đình.

Mặt khác, quy định của pháp luật hiện hành về chế độ, chính sách đối với QNCN và CNVCQP chưa bảo đảm công bằng giữa các đối tượng phục vụ trong Quân đội; chưa thể hiện được tính đặc thù quân sự là ngành lao động đặc biệt. Là công dân phục vụ trong Quân đội, song chính sách về tiền lương của CNVCQP chỉ được thực hiện như công chức, viên chức nhà nước có cùng vị trí, chức danh mà không được hưởng chế độ, chính sách theo tính chất đặc thù quân sự và chế độ phụ cấp thâm niên như một số ngành nghề và các đối tượng phục vụ khác trong Quân đội.

QNCN là đối tượng phục vụ tại ngũ theo chế độ tự nguyện, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Nghĩa vụ quân sự, cần phải có văn bản pháp luật quy định riêng về chế độ phục vụ của QNCN.

Ngoài ra, CNVCQP là thành phần trong tổ chức biên chế của Quân đội nhân dân, nhưng chưa có văn bản pháp luật quy định, điều chỉnh riêng. Mọi chế độ, chính sách đối với CNVCQP đều phải vận dụng theo các văn bản pháp luật của Nhà nước như: Bộ luật Lao động, Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, Luật bảo hiểm xã hội.

Từ thực tiễn nêu trên, việc xây dựng dự án Luật QNCN và CNVCQP là cần thiết.

Cấp bậc quân hàm của QNCN như thế nào là phù hợp?

Báo cáo Thẩm tra sơ bộ dự án Luật QNCN và CNVCQP nêu rõ Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) tán thành về sự cần thiết ban hành Luật QNCN và CNVCQP. Trong phiên thảo luận, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện thu hút nhân tài cho quân đội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh đến việc tạo điều kiện thu hút nhân tài cho quân đội.

Thường trực UBQPAN cũng nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như dự thảo Luật Chính phủ trình; nhất trí với việc quy định “Luật này không áp dụng đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân” tại Điều 2.

Thường trực UBQPAN cho rằng, dự thảo Luật về cơ bản đã xác định rõ vị trí, chức năng của QNCN, CNVCQP. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định CNQP, VCQP không phải là quân nhân nhưng thuộc tổ chức, biên chế Quân đội nhân dân đã hợp lý chưa và thể hiện lại cho phù hợp với tổ chức, biên chế của quân đội và Bộ Quốc phòng; có ý kiến đề nghị gộp 3 điều này thành một điều và quy định thành 3 khoản riêng cho từng đối tượng.

Về hạn tuổi phục vụ tại ngũ của QNCN, dự thảo quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của QNCNtheo cấp bậc quân hàm: Cấp uý QNCN: Nam 50 tuổi, nữ 50 tuổi; Thiếu tá QNCN: Nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi;Trung tá QNCN: Nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá QNCN: Nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.

Đa số ý kiến Thường trực UBQPAN tán thành về hạn tuổi phục vụ của QNCN như quy định tại dự thảo Luật, sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và tránh lãng phí nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao. Tuy nhiên, Thường trực UBQPAN và tại phiên thảo luận có ý kiến đề nghị cần xem xét để bảo đảm tương thích với độ tuổi phục vụ của sĩ quan. Một số ý kiến đề nghị nâng độ tuổi của cấp úy QNCN (cả nam và nữ) lên 53 tuổi để được hưởng lương hưu là 75% vì số lượng QNCN cấp úy nhiều và đề nghị thống nhất một độ tuổi phục vụ đối với cấp thiếu tá và trung tá (cả nam và nữ) là 54 tuổi.

Theo dự thảo, cấp bậc quân hàm của QNCN được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu công tác chỉ huy, quản lý trong Quân đội nhân dân. Bậc quân hàm cao nhất của QNCN có trình độ cao cấp là thượng tá QNCN.

Thường trực UBQPAN nhất trí với dự thảo Luật quy định cấp bậc quân hàm của QNCN (cấp bậc quân hàm của QNCN là từ thiếu úy QNCN đến thượng tá QNCN) vì cho rằng, dự thảo Luật kế thừa các quy định hiện hành, tương ứng với Luật Công an nhân dân và thực tế thực hiện từ trước đến nay không có gì vướng mắc.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấp bậc quân hàm đại tá QNCN cho người có học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới. Nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu để có cơ chế tốt hơn để thu hút được nhân tài các nhà khoa học, kỹ thuật cho quân đội.

(Nguồn báo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.