Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 10:26:40

Đột tử và những căn bệnh gây tử vong nhanh

Ngày đăng: 23/11/2022

QK2 – Đột tử là hiện tượng một người đang sống bình thường tự nhiên tử vong ngay mà không thể cứu được. Tử vong nhanh là tình trạng xuất hiện bệnh lý nào đó và diễn biến rất nhanh dẫn đến tử vong trước 24 giờ. Tất cả những người bị đột tử đều có nguyên nhân. Tại sao đang sống bình thường lại bị đột tử? Thực tế rất nhiều người đột tử không tìm được nguyên nhân vì không có một dấu hiệu bệnh lý gì báo trước, không có hồ sơ sức khỏe cá nhân ghi chép tình trạng bệnh tật trước khi bị đột tử.

Đại tá, Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện 109 thăm khám bệnh nhân bị đột quỵ tại bệnh viện.

Đột tử tìm được nguyên nhân chỉ khi gia đình nhất trí cho mổ tử thi hoặc có bằng chứng về tiền sử bệnh tật mắc những bệnh dễ gây đột tử. Người bị đột tử có thể trong những tình huống sau:

Trường hợp thứ nhất: Người bình thường không được cơ sở y tế xác nhận có bệnh lý gì, do chưa đi khám bệnh và chưa đi khám sức khỏe định kỳ bao giờ. Họ cho rằng mình khỏe mạnh mà không biết mình mắc các bệnh tăng huyết áp (THA), đái tháo đường (ĐTĐ), rối loạn chuyển hóa mỡ máu (RLCHMM), phình mạch não… Trường hợp đột tử này là không có bằng chứng của bệnh lý trước khi đột tử, nhưng có nguyên nhân là mắc một trong các bệnh lý đó (qua mổ tử thi).

Trường hợp thứ hai: Người đã được cơ sở y tế xác nhận là mắc một trong các các bệnh lý như trên hoặc mắc bệnh tim (như bệnh cơ tim phì đại, rung nhĩ, hẹp động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim). Người mắc một trong các bệnh này (còn gọi là bệnh lý nền) do không điều trị hoặc điều trị không đúng. Trước khi bị đột tử, họ vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường; nhưng khi gặp phải hay có các yếu tố nguy cơ tác động thì sẽ bị đột tử thì là đương nhiên. Trường hợp đột tử này là có bằng chứng và có nguyên nhân trước khi khi bị đột tử.

Vậy tại sao khi người mắc các bệnh lý nền trên kể cả chưa được phát hiện hay đã được phát hiện mà lại bị đột tử? Tại sao lại chết nhanh và bất ngờ như vậy? Xin được giải thích như sau:

Do THA: Người bị THA lâu ngày, không được điều trị hoặc điều trị không đúng, khi có nhiều yếu tố nguy cơ tác động như nhiễm lạnh đột ngột, stress sẽ làm THA đột ngột, gây vỡ mạch máu não thì sẽ rất dễ bị đột tử. Những người bị THA mà có RLCHMM hoặc ĐTĐ kèm theo thì nguy cơ đột tử còn cao hơn.

THA sẽ gây biến chứng là tai biến mạch máu não (TBMMN), có hai dạng TBMMN là tắc mạch não (nhồi máu não) và xuất huyết não (vỡ mạch máu não). Tử vong TBMMN là một dạng đột tử, nếu người bệnh tử vong nhanh chóng, không thể cứu được; còn nếu tử vong muộn hơn hoặc cứu được thì gọi là đột quỵ.

Do ĐTĐ: Người bị ĐTĐ lâu ngày, không được điều trị hoặc điều trị không đúng, bị tăng hoặc hạ đường huyết đột ngột hoặc có kèm theo THA, RLCHMM thì có thể sẽ bị nhồi máu cơ tim hoặc vỡ mạch máu não thì sẽ rất dễ bị đột tử.

Do RLCHMM: Người bị RLCHMM, nhất là tăng chỉ số tryglycerit (nếu chỉ số tryglycerit tăng quá cao thì khi lấy máu xét nghiệm, để lắng tự nhiên thì phần huyết thanh ở trên sẽ đục như sữa); tăng chỉ số mỡ xấu (LDL), giảm chỉ số mỡ tốt (HDL) thì sẽ bị tổn thương lớp áo trong của thành động mạch. Khi đó sẽ tạo cục máu đông; cục máu đông này di chuyển đến động mạch vành của tim gây tắc động mạch vành (nhồi máu cơ tim) sẽ gây ngừng tim và đột tử. Nếu cục máu đông di chuyển đến não gây tắc một nhánh động mạch não gây nhồi máu nào thì rất có thể đột tử ngay.

Do vỡ động mạch chủ: Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, bao gồm một đoạn chạy trong ngực và một đoạn chạy trong bụng, có nhiệm vụ như dòng kênh lớn nhất giúp lưu chuyển máu đi khắp cơ thể. Do THA hoặc RLCHMM làm thành mạch bị tổn thương, mỡ máu lách vào trong thành động mạch, làm động mạch chủ yếu đi, dần phình to ra, danh từ y khoa gọi là “Phình lóc tách động mạch chủ” sẽ gây nên bệnh cảnh vỡ động mạch chủ, bệnh nhân mất máu rất nhanh và ồ ạt, 90% tử vong trong tích tắc.

Do mắc các bệnh tim: Người mắc một trong các bệnh như bệnh cơ tim phì đại, rung nhĩ, hẹp động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim đều có thể bị dẫn ngừng tim đột ngột gây đột tử hoặc gây loạn nhịp tim. Khi bị loạn nhịp tim lại tạo cục máu đông, cục máu đông di chuyển đến não, phổi, động mạch vành đều có thể gây đột tử.

Cách dự phòng đột tử:

Phải thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ (làm được các xét nghiệm máu) để phát hiện sớm những người mắc các bệnh THA, ĐTĐ, RLCHMM, bệnh tim để đưa vào quản lý điều trị và phòng bệnh.

Những người đã được phát hiện (đang mắc) các bệnh THA, ĐTĐ, RLCHMM, bệnh tim thì cần được quản lý điều trị thật tốt. Quản lý điều trị thật tốt nghĩa là tuân thủ tư vấn điều trị của bác sỹ, tức là dùng thuốc đúng theo chỉ định, loại bỏ các yếu tố nguy cơ, đi khám bệnh định kỳ, có số điện thoại của bác sỹ để cần thiết liên hệ. Ngoài ra hơn bao giờ hết người bệnh phải hiểu tình trạng bệnh của mình, biết thế nào là huyết áp mục tiêu, đường huyết mục tiêu, HbA1C mục tiêu, mỡ máu mục tiêu…

Dành ra 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, không thức quá khuya, hạn chế làm việc quá căng thẳng. Ngủ đủ giấc (ít nhất 6 giờ/ngày), thực hiện ăn uống theo tư vấn của bác sỹ.

Mọi quân nhân cần hiểu và nắm chắc các nguyên nhân của bệnh đột tử và tử vong nhanh để bảo vệ tính mạng của mình. Các đơn vị, địa phương khám tuyển nghĩa vụ quân sựcần làm tốt các khâu, các bước theo đúng thông tư, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý những chuyên ngành đặc thù. Với cán bộ các cấp phải tuân thủ khám sức khỏe định kỳ, bổ nhiệm đề bạt phong quân hàm cần phải khám sức khỏe toàn diện để đảm bảo cán bộ đủ sức khỏe chịu áp lực trên cương vị mới.

NGUYỄN HUY HOÀNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.