Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 09:08:02

Đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước

Ngày đăng: 15/10/2018

Tài chính quân đội là bộ phận của tài chính Nhà nước, là một mặt công tác quan trọng của Quân đội ta, có liên quan mật thiết đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của toàn quân. Vì vậy, cơ chế quản lý tài chính (QLTC) quân đội phải phù hợp với cơ chế QLTC của Nhà nước và đặc thù nhiệm vụ quốc phòng.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Công tác tài chính quân đội được vận hành trong cơ chế phù hợp sẽ huy động được mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN), góp phần cải thiện đời sống bộ đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng và sức mạnh chiến đấu của quân đội trong tình hình mới.

Để vận hành cơ chế QLTC phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành mới nhiều văn bản quy định về việc quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN). Ngày 25-6-2015, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật NSNN năm 2015 (Luật số 83/2015/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017, thay thế Luật NSNN năm 2002); Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21-12-2016, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN (thay thế Nghị định số 60/2003/NĐ-CP) và Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24-12-2016 quy định về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh (thay thế Nghị định số 10/2004/NĐ-CP). Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện tốt quản lý, sử dụng NSNN, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả. 

Quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng NSNN đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, ban hành mới các văn bản để hoàn thiện cơ chế QLTC quân đội. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo đưa vào chương trình làm việc toàn khóa nhiệm vụ xây dựng nghị quyết chuyên đề về đổi mới cơ chế tài chính, ban hành kèm theo đề án đổi mới cơ chế QLTC quân đội. Thường vụ Quân ủy Trung ương, Quân ủy Trung ương đã tổ chức nhiều phiên họp xem xét kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến việc đổi mới cơ chế QLTC quân đội. Với sự tập trung, thống nhất cao, ngày 25-8-2018, Quân ủy Trung ương đã chính thức ban hành Nghị quyết số 915-NQ/QUTW về "Đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo" (gọi tắt là Nghị quyết số 915-NQ/QUTW). Ngày 26-8-2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Quyết định số 3500/QĐ-BQP phê duyệt Đề án "Đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo" (gọi tắt là Đề án đổi mới cơ chế QLTC quân đội).

Nghị quyết số 915-NQ/QUTW và Đề án đổi mới cơ chế QLTC quân đội xác định rõ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc của cơ chế QLTC trong quân đội phải phù hợp với pháp luật của Nhà nước về tài chính-ngân sách; phòng, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN. Quân ủy Trung ương xác định, đổi mới cơ chế QLTC là trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong toàn quân; phải thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với pháp luật của Nhà nước và đặc thù lĩnh vực quốc phòng; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của ngành nghiệp vụ và cơ quan tài chính các cấp trong việc tham mưu về công tác QLTC; phải bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và tính kế thừa, phát triển, khắc phục những hạn chế, bất cập của công tác QLTC hiện hành; đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong chỉ đạo thực hiện cơ chế QLTC mới, bảo đảm nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả, chống tư tưởng cầm chừng, bảo thủ, ngại đổi mới. Việc xây dựng, ban hành các quy định, hướng dẫn mới về cơ chế QLTC phải rõ ràng, cụ thể, dễ áp dụng, bám sát thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện. Những định hướng cơ bản về đổi mới cơ chế QLTC quân đội được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định, đó là:

Về phạm vi: Đổi mới quy trình lập, phân bổ dự toán, cấp phát và thanh, quyết toán đối với NSNN chi thường xuyên cho quốc phòng và nhiệm vụ Nhà nước giao ngoài lĩnh vực quốc phòng là trọng tâm. Một số loại ngân sách đặc thù, chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành và hướng dẫn riêng của các cơ quan chức năng (ngân sách đặc biệt; ngân sách xây dựng cơ bản, ngân sách quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; kinh phí thực hiện dự án, đề án, đề tài khoa học công nghệ và chi chương trình mục tiêu), công tác lập, phân bổ, cấp phát và thanh, quyết toán đối với những loại ngân sách này phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác lập dự toán, quản lý và quyết toán ngân sách: Cơ quan tài chính các cấp chủ trì tổng hợp, lập dự toán ngân sách của đơn vị; lập phương án phân bổ dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và ngành nghiệp vụ cùng cấp, thực hiện ở cả 4 cấp đơn vị dự toán. Các ngành nghiệp vụ chỉ lập dự toán ngân sách tự chi ở cấp mình (không lập dự toán ngân sách toàn ngành), không phân bổ dự toán ngân sách cho các đơn vị trong toàn quân; chịu trách nhiệm thẩm định dự toán ngân sách của ngành dọc cấp dưới, gửi kết quả thẩm định về cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp.

Về phương thức phân bổ ngân sách: Dự toán ngân sách của các đơn vị được Bộ Quốc phòng phân bổ một lần ngay từ đầu năm; ngân sách chờ phân bổ được giữ lại tại Bộ, không bố trí dự toán ngân sách chờ phân bổ tại các ngành nghiệp vụ toàn quân và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Tăng cường giao dự toán ngân sách của các cơ quan, đơn vị tại Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp phát, thanh toán kinh phí.

Đối với hoạt động mua sắm tập trung: Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo toàn quân tiến hành thực hiện theo lộ trình. Từ năm ngân sách 2019 đến năm 2020, thực hiện tổ chức mua sắm tập trung và cấp phát hiện vật cho đơn vị cấp dưới nhưng theo hướng giảm dần; từ năm ngân sách 2021, ngân sách mua sắm tập trung được giao cho các đơn vị (trực tiếp sử dụng hàng hóa) tổ chức thực hiện bằng phương thức ký thỏa thuận khung theo quy định hiện hành của pháp luật về mua sắm tập trung.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngày 13-2-2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Chỉ thị số 85/CT-BQP về việc tự chủ về tài chính đối với các bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) công lập. Thực chất, đây là việc chuyển đổi cơ chế bảo đảm tài chính từ việc bao cấp 100% NSNN sang cơ chế Nhà nước chỉ bảo đảm một phần. Phần còn lại các bệnh viện và cơ sở KCB công lập phải tự chủ từ nguồn thu KCB theo bảo hiểm y tế và KCB theo phương thức dịch vụ y tế. Để thực hiện tốt vấn đề này, cần tham khảo kinh nghiệm của các bệnh viện ngoài quân đội đã thực hiện tự chủ về tài chính trong 10 năm qua. Có thể nói, việc tự chủ tài chính là giải pháp tốt nhất hiện nay, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và y đức trong KCB, bảo đảm tốt thu nhập cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ; tăng sức cạnh tranh của các bệnh viện, cơ sở KCB công lập.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo thực hiện đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) đến năm 2020 (Đề án 80) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 80/TTg-ĐMDN ngày 4-10-2017. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ, khắc phục khó khăn, tổ chức thực hiện nghiêm túc; đồng thời, tham mưu với Đảng, Nhà nước có các giải pháp về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Quốc phòng hoàn thành đề án.

Trong những năm tới, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, tình hình kinh tế, tài chính đất nước còn nhiều khó khăn. Nhu cầu tài chính bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội tiếp tục tăng cao; NSNN bảo đảm cho quốc phòng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của quân đội. Vì vậy, nhiệm vụ công tác tài chính quân đội rất nặng nề. Để thực hiện tốt việc đổi mới cơ chế QLTC và cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả các DNQĐ, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong toàn quân cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến vững chắc, toàn diện, cơ bản, đồng bộ về công tác tài chính quân đội; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp trong triển khai thực hiện cơ chế QLTC quân đội. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quân về mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế QLTC quân đội, cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; chủ trương cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNQĐ. Chú trọng công tác phổ biến, quán triệt cho cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện đúng quy trình lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách; quyết định chi tiêu, sử dụng kinh phí đúng mục đích, chế độ, tiêu chuẩn và trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.

Việc đổi mới cơ chế tài chính, giao quyền chủ động cho người chỉ huy nhưng đồng thời cũng đòi hỏi người chỉ huy các cơ quan, đơn vị (chủ tài khoản)  phải chịu trách nhiệm cao hơn trước pháp luật, trước thủ trưởng cấp trên và cấp ủy mình về việc điều hành, quản lý, sử dụng mọi kinh phí. Vì vậy, người chỉ huy các cấp phải hiểu rõ trách nhiệm, quyền hạn của mình về công tác tài chính, không dựa dẫm, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên.

Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm quy trình phân bổ dự toán, cấp phát và thanh quyết toán ngân sách. Việc triển khai áp dụng quy trình phân bổ dự toán, cấp phát và thanh quyết toán ngân sách theo cơ chế QLTC mới được thực hiện từ năm ngân sách 2019; các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng phải xây dựng, ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản quy định và hướng dẫn về cơ chế QLTC mới, cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả các DNQĐ. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn và tài chính các cấp; nâng cao năng lực QLTC cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Đưa nội dung cơ chế QLTC mới vào chương trình giảng dạy của các học viện, nhà trường quân đội, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn công tác QLTC và phù hợp với từng đối tượng đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành ngành tài chính các cấp.

Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với việc triển khai thực hiện cơ chế QLTC mới ở tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; kết hợp tự kiểm tra với thanh tra, kiểm tra của cấp trên, giữa kiểm tra nghiệp vụ với giám sát của cấp ủy các cấp; kiên quyết chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm về quản lý, sử dụng tài chính. Đơn vị, doanh nghiệp nào gặp khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện hoặc không thực hiện được thì phải làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Bốn là, tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị chủ quản các bệnh viện, cơ sở KCB trong quân đội cần tiếp tục chỉ đạo xây dựng phương án và thực hiện tự chủ tài chính theo quy định. Các cơ quan chức năng chủ động phối hợp, hướng dẫn các bệnh viện, cơ sở KCB trong quân đội kiện toàn tổ chức, lực lượng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tham gia KCB bảo hiểm y tế. Giám đốc các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trong quân đội phải có quyết tâm cao và chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi mô hình QLTC sang tự chủ.

Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập bên cạnh việc hoàn chỉnh đề án tự chủ tài chính đối với bệnh viện và cơ sở KCB trong quân đội cần tích cực nghiên cứu, tham mưu cho Bộ tiếp tục mở rộng thực hiện tự chủ tài chính đối với các trường nghề, đoàn an điều dưỡng, nhà khách, viện nghiên cứu và các loại hình sự nghiệp công lập khác trong quân đội. 

Năm là, thực hiện tốt việc đổi mới, sắp xếp lại DNQĐ. Cần xác định rõ, việc sắp xếp lại DNQĐ là bộ phận quan trọng thuộc nội dung sắp xếp, tổ chức lại lực lượng quân đội. Ban Chỉ đạo Đề án 80 phải triển khai quyết liệt việc tái cơ cấu doanh nghiệp theo từng nội dung, lộ trình của đề án. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc cổ phần hóa, thoái vốn 100% tại các doanh nghiệp không có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Đối với các doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa thì tổ chức giải thể; chỉ giữ lại những doanh nghiệp có ngành nghề đặc thù, có thể huy động cho quốc phòng khi có tình huống.

Các DNQĐ phải chấp hành nghiêm công tác QLTC, báo cáo kịp thời, trung thực kết quả sản xuất kinh doanh. Thực hiện các giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng kinh doanh thua lỗ, xử lý nợ xấu… Việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động tại doanh nghiệp thuộc diện  sắp xếp, cơ cấu lại, thực hiện nghiêm theo Thông tư số 139/TT-BQP ngày 30-8-2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc sử dụng và thực hiện một số chế độ, chính sách đối với các đối tượng làm việc tại DNQĐ thực hiện cổ phần hóa hoặc giải thể, phá sản; công ty cổ phần thoái vốn Nhà nước và công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý; trong đó, ưu tiên các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.

Đổi mới cơ chế QLTC quân đội là chủ trương đúng đắn, thể hiện ý thức chính trị, quyết tâm cao của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới cơ chế chính sách kinh tế, tài chính  của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quân cần nắm vững mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xác định. Trên cơ sở đó, đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.