Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 10:25:29

Điều kiện đặc xá hàng đầu là ý thức cải tạo tốt

Ngày đăng: 13/09/2022

QK2 – Dịp Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh đất nước, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng tổ chức công bố quyết định đặc xá năm 2022. Quyết định đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước đã căn cứ Điều 88, Điều 91 Hiến pháp năm 2013 và Luật Đặc xá năm 2018, theo đề nghị của Chính phủ; trong đó, quy định cụ thể về đối tượng và điều kiện được đề nghị xét đặc xá. Theo đó, 2.434 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 1 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2022.

Thừa uỷ quyền của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu, Đại tá Vũ Đình Duân trao quyết định đặc xá. Ảnh: MẠNH TƯỜNG

Theo các cơ quan chức năng, trong quá trình chấp hành hình phạt tù và xét đặc xá, không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào, dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay là người có quốc tịch nước ngoài, nếu phạm nhân đó có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được đặc xá.

Khác với những lần trước, quyết định về đặc xá lần này đã có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được đề nghị đặc xá và các trường hợp không đề nghị đặc xá. Người được xét đặc xá dịp 2/9 năm nay là những người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù nhân chung thân được giảm xuống tù có thời hạn và đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Trong 7 điều kiện cần đáp ứng để làm cơ sở xét đặc xá, yếu tố được đặt lên hàng đầu là ý thức cải tạo tốt, được xếp loại từ khá trở lên; chấp hành án tù ít nhất 1/2 thời gian phạt hoặc 15 năm tù… Phạm nhân còn phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là tiền. Tuy nhiên, người bồi thường, khắc phục được một phần mà hoàn cảnh kinh tế đặc biệt không thể tiếp tục cũng được xem xét. Riêng tội phạm tham nhũng cần thực hiện xong hết các nghĩa vụ này.

Người lập công, mắc bệnh hiểm nghèo, đau ốm thường xuyên, khuyết tật, từ đủ 70 tuổi trở lên, là lao động duy nhất trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nữ phạm nhân có thai hoặc có con dưới 3 tuổi đang ở cùng…,  sẽ được xem xét đặc xá nếu chấp hành ít nhất 1/3 hoặc 2/5 thời gian án tù hay 13 năm với tù nhân chung thân được giảm xuống án tù có thời hạn.

Một trong những điểm đáng chú ý trong đặc xá năm nay là không xét các trường hợp phạm nhân bị kết tội phản bội Tổ quốc, gián điệp, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, phá rối an ninh… Chính vì điều này, trong dịp thực hiện đặc xá năm nay, ngay sau khi công bố quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá, đã có một số tờ báo, trang mạng tuyên truyền rằng, Việt Nam từ chối thả cái gọi là “tù nhân chính trị”.

Cần phải nhận thức đầy đủ rằng, những tù nhân mà họ quan niệm là “tù nhân chính trị” hay “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam bị kết tội phản bội Tổ quốc, gián điệp, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, phá rối an ninh… Tội danh phản bội Tổ quốc có thể thực hiện dưới nhiều hình thức như: Bàn bạc với người nước ngoài về âm mưu, kế hoạch gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; nhận sự giúp đỡ của nước ngoài về vũ khí, đạn dược, tiền bạc, các phương tiện kỹ thuật khác để chống lại Tổ quốc; giúp các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa nhằm gây chia rẽ, suy giảm niềm tin của người dân với Tổ quốc… Với tội phản bội Tổ quốc, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm, không phải là dấu hiệu định tội mà là dấu hiệu định khung hình phạt. Người chuẩn bị phạm tội này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tội phạm này thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, tức người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi đó; đồng thời, mục đích chống chính quyền nhân dân, thay đổi chế độ chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm này.

Đợt đặc xá là kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo, ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân; khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội; thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam, gia đình, các cơ quan có liên quan và toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Khi xem xét đặc xá đều phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định, đó là: Đặc xá phải được tiến hành nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, dân chủ, bảo đảm công bằng, đúng đối tượng và đúng điều kiện đã được quy định để tất cả các phạm nhân có đủ điều kiện đều được xem xét và không để bất kỳ phạm nhân nào không đủ điều kiện theo quy định lại được xem xét đặc xá. Chính sách nhân đạo không chỉ dừng lại ở việc đặc xá tha tù trước thời hạn, mà còn thể hiện ở việc tạo điều kiện để những phạm nhân được đặc xá tha tù tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với đợt đặc xá, Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng và UBND các địa phương thực hiện các biện pháp, chính sách tạo điều kiện cho những phạm nhân được đặc xá tha tù trở về nơi cư trú sớm hòa nhập cộng đồng. Trước khi tái hòa nhập, người được đặc xá được tạo điều kiện học nghề, học tập về kiến thức xã hội, pháp luật, kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng. Chính phủ chỉ đạo các tổ chức, cá nhân không được phân biệt đối xử với những người được tha tù, tạo công ăn việc làm, vay vốn để kinh doanh, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo… Thông qua đặc xá, mỗi người cần nhận thức đầy đủ về chính sách khoan hồng của Đảng, truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với những người phạm tội.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.