Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 02:09:32

Điểm tựa tinh thần của LLVT Tây Bắc

Ngày đăng: 21/05/2019

Bài 1: Tích cực đổi mới hoạt động CTĐ,CTCT

QK2 – Trong những năm qua mặc dù còn nhiều tác động, chi phối đến tâm tư tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trong LLVT Quân khu, nhưng với chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục Chính trị Quân khu và cơ quan chính trị các đơn vị đã tổ chức triển khai có hiệu quả các mặt hoạt động Công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT), xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, thực sự là điểm tựa tinh thần vững chắc của cán bộ, chiến sĩ.

Giờ giải lao trên thao trường của các chiến sĩ Tiểu đoàn 19, Bộ Tham mưu Quân khu. Ảnh: DUY TUẤN

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục Chính trị Quân khu đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai và có nhiều đổi mới trong thực hiện các hoạt động CTĐ,CTCT. Để nâng cao chất lượng tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, Cục Chính trị và cơ quan chính trị các đơn vị luôn coi trọng đến công tác cán bộ để lựa chọn, sàng lọc những đồng chí không chỉ “có tâm, có tầm” mà phải có khả năng để làm “chuyên gia” theo từng vị trí công tác.

Cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính ủy, chính trị viên các đơn vị đã có nhiều giải pháp, tích cực đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động CTĐ,CTCT. Ở đâu có bộ đội, có nhiệm vụ là ở đó có hoạt động CTĐ,CTCT. Nắm vững nguyên tắc, quan điểm, bám sát cơ sở; chủ động tích cực đổi mới phương pháp tác phong công tác theo phương châm "Nói ngắn, viết gọn, tham mưu trúng, đúng, hiệu quả", tất cả hướng về cơ sở, hướng về bộ đội. Không chỉ sĩ quan chính trị mới tổ chức các hoạt động CTĐ,CTCT mà đội ngũ cán bộ tham mưu, hậu cần, kỹ thuật đều có trách nhiệm triển khai thực hiện. Đảm bảo tính nguyên tắc, quy định nhưng cũng luôn nhạy bén, linh hoạt. Thường xuyên nắm chắc dư luận xã hội, tình hình đơn vị và tư tưởng của bộ đội, có giải pháp tuyên truyền giáo dục sát với nhiệm vụ, tình hình thực tế. Đặc biệt là trong huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu các hoạt động CTĐ,CTCT đã thể hiện đậm nét nhất.

Với đặc thù khu vực trung du, miền núi, tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc ít người khá nhiều nên nhận thức có phần hạn chế. Mặt khác, công tác huấn luyện thường ở thao trường, bãi tập, hành quân dã ngoại hoặc diễn tập vào ban đêm, nhiệm vụ rất vất vả, do vậy công tác nắm, quản lý tư tưởng, giáo dục chính trị luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp coi trọng và thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng cán bộ giảng dạy chính trị. Các đơn vị đã quan tâm bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục. Hai năm qua, Cục Chính trị đã biên soạn một số tài liệu như: “Kinh nghiệm quản lý và xử lý vi phạm kỷ luật thường gặp ở cấp phân đội”; “Sổ tay quân nhân”; “Vài kinh nghiệm quản lý tư tưởng bộ đội ở đơn vị cơ sở”; giáo trình giáo dục pháp luật “LLVT Quân khu 2 phát huy truyền thống, giữ nghiêm kỷ luật, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, File âm thanh về “Hoạt động tín dụng đen”… Từ thực tiễn công tác quản lý, giáo dục bộ đội đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay như: Mô hình “Mỗi tuần một câu chuyện về Bác Hồ và ghi nhớ một lời dạy của Bác”; “5 phút lắng đọng”; “Ba cùng, hai trước, hai sau”; “Ba đồng hành, một mục tiêu”, “Vào ca trực là vào vị trí chiến đấu”… Cơ quan, đơn vị đẩy mạnh giáo dục chính trị, kết hợp với giáo dục pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, tọa đàm, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia. Đội ngũ cán bộ chính trị luôn sâu sát cơ sở, gần gũi bộ đội, nắm chắc diễn biến tư tưởng và xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phát sinh. Đơn cử như ở Lữ đoàn pháo binh 168. Cuối giờ chiều mùa hè năm 2017, Thượng tá Trương Ngọc Xoan, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn trên đường đi bộ thể dục thấy có một chiến sĩ nét mặt đượm buồn, trữu nặng ưu tư. Thấy vậy đồng chí Xoan không đi thể dục nữa mà đến hỏi thăm tình hình. Qua trò chuyện biết chiến sĩ ấy là Binh nhất Vàng A Nhà dân tộc Mông, chiến sĩ Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, quê ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Sau đợt lũ quét, nhà bị lũ cuốn trôi, vợ con phải về ở với bố mẹ, nên Nhà buồn phiền lo lắng đã mấy lần định bỏ đơn vị về quê. Gần một tiếng trò chuyện, Thượng tá Xoan nhận thấy gia cảnh của chiến sĩ Nhà thuộc diện đặc biệt khó khăn. Về tới phòng cả đêm ấy anh Xoan trăn trở không sao chợp mắt nổi. Sáng sớm hôm sau, anh Xoan đã báo cáo chỉ huy Lữ đoàn và báo cáo Cục Chính trị Quân khu đề xuất trích từ nguồn tiết kiệm “Ngôi nhà 100 đồng” với số tiền 35 triệu đồng; Lữ đoàn 168 trích nguồn hỗ trợ 35 triệu và hơn 100 ngày công cùng sự ủng hộ của địa phương để xây tặng gia đình chiến sĩ Vàng A Nhà một căn nhà. Một số bà con tiểu thương ở gần đơn vị khi hay tin cũng đem vào đơn vị ủng hộ hơn 3 triệu đồng cùng một số vật dụng thiết yếu. Tổng cộng số tiền ủng hộ được gần 100 triệu đồng. Sau hai tháng thi công căn nhà rộng 70 mét vuông đã hoàn chỉnh và được bàn giao trong niềm vui khôn xiết của đồng đội, gia đình đồng chí Nhà và bà con lối xóm.

 THÀNH LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.