Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 01:13:35

Di tích Miếu Đậu

Ngày đăng: 11/01/2018

Miếu Đậu thuộc địa phận làng Đậu, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc nằm trên khuôn viên rộng gần 8.000m2. Ngôi miếu được 5 làng thuộc xã Định Trung (làng Khâu, làng Đậu, làng Tiếc, làng Hạ và làng Sậu) thờ phụng. Miếu dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII) và lần trùng tu lớn vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đây là nơi thờ thất vị Lỗ Đinh Sơn là: Lỗ Văn Cường, Lỗ Văn Dũng, Lỗ Văn Mẫn, Lỗ Văn Dực, Lỗ Văn Vũ, Lỗ Văn Đài và Lỗ Thị Bảy đã có công giúp vua nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông vào năm 1258 giữ yên bờ cõi. Miếu được xây theo kiểu chữ “Công” với những hạng mục công trình như tòa tiền tế, ống muống, hậu cung, khám thờ thần. Những hiện vật còn lại trong miếu rất có giá trị về nghiên cứu lịch sử như: Án gian đục trạm hết sức tinh tế điêu luyện, sơn then, sơn son và thếp vàng hài hòa được tạo dựng từ thời Nguyễn; 1 ngai thờ, 1 lộng mũ sơn son thếp vàng vẽ hình tứ linh, 1 mâm bồng hình bầu dục và 3 chiêng đồng đều được làm từ thời Nguyễn.

Lễ rước kiệu tại Miếu Đậu, xã Định Trung.

Hằng năm, tại đây đều tổ chức lễ hội và các kỳ tiệc lệ, trong đó lớn nhất và chính hội là lễ hội mồng 3 tháng giêng hay gọi theo dân gian là tiệc khao quân, mô phỏng sự kiện Thất vị Đại vương khao quân trước khi lên đường truy kích giặc Nguyên Mông. Trước đây, cả phần lễ và phần hội đều tổ chức chính ở đình Cả thuộc làng Tiếc (hay Thiếc), nhưng từ năm 1947, khi đình Cả bị phá hủy, tiệc khao quân chuyển làm ở Miếu Đậu.
Theo truyền thống, ngày Mùng 3 tháng Giêng, các bô lão trong làng tổ chức tiệc rượu trong miếu với các nghi thức khao quân như giết gà, mổ lợn, kéo cơm (thi thổi cơm). Ngày 11 tháng Giêng, ngày lễ quan trọng trong năm của miếu, ngày rước kiệu truyền thống của 5 làng có miếu chung. Kiệu được rước từ miếu Tướng ra miếu Đậu nghĩa là rước bà Lỗ Thị Bảy về hội với các vị đại vương để dân làng tổ chức giỗ chung. Sau khi rước kiệu từ miếu Tướng về đến Miếu Đậu là bắt đầu nghi thức tế lễ và dâng hương trang nghiêm. Sau nghi lễ dâng hương là các tiết mục văn hóa văn nghệ. Lễ hội còn kéo dài sang tận ngày hôm sau với các trò chơi kéo co, đấu vật, đánh đu, múa hát… Ngoài tính chất mô phỏng tiệc khao quân, những nghi thức còn mang ý nghĩa gắn với tư tưởng cầu mưa, cầu được mùa của cư dân nông nghiệp làm lúa nước. Những nét văn hóa độc đáo này cho thấy đây là một trong những lễ hội dân gian tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
VŨ HƯƠNG (ST)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.