Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 07:21:51

Di tích lịch sử – văn hóa Đền Vinh Quang

Ngày đăng: 08/03/2020

QK2 – Đền Vinh Quang nằm tại trung tâm thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Theo lời kể của các cụ cao tuổi hiện đang sinh sống tại thị trấn Vinh Quang thì đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, cùng với việc hình thành thị tứ – trung tâm huyện lỵ Hoàng Su Phì. Xuất phát từ công việc buôn bán với mong muốn gặp được nhiều thuận lợi nên một số hộ gia đình tại thị tứ đã lập nên ngôi đền để thờ cúng. Ngôi đền xưa kia tường được trình bằng đất, có các cột, sà làm bằng gỗ, mái lợp gianh. Trải qua thời gian cũng như biến cố lịch sử nên ngôi đền đã bị hư hỏng và sửa chữa nhiều lần, song đến nay vẫn giữ nguyên những hình dáng kiến trúc ban đầu.

Khung cảnh ngôi đền.

Theo các tư liệu của Pháp hiện còn lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I (Hà Nội) cho thấy: Hoàng Văn Đăng là Chánh tổng của Hoàng Su Phì. Vào năm 1908, ông cùng anh trai là Hoàng Văn Quang đã đứng lên chống Pháp, giặc Pháp đã cho quân đến tấn công vây bắt. Hoàng Văn Quang trốn sang bên kia biên giới (Trung Quốc) sống lưu vong, còn Hoàng Văn Đăng bị Pháp bắt và kết án tù tại Hà Giang. Sau khi bị kết án 18 năm tù giam tại Hà Giang, trong tù, ông bị giặc Pháp tra tấn dã man đến sức cùng lực kiệt. Mãn hạn tù, ông được dân làng đón về, trên đường về đến Thượng Sơn ông đã chết (thuộc khu vực giáp danh giữa huyện Vị Xuyên và huyện Hoàng Su Phì ngày nay). Để tưởng nhớ công ơn và khâm phục nghĩa khí của Hoàng Văn Đăng người dân thị trấn Vinh Quang đã lập bài vị thờ ông tại đền, coi ông là vị thần tối linh che chở cho nhân dân trong vùng.

Hiện nay, tại đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật gồm tượng đất, hoành phi bằng gỗ, bài vị cùng một số đồ thờ tự khác như: Hệ thống các câu đối, lư hương, chuông, bát hương bằng sứ…

Đền Vinh Quang là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân trong vùng. Vào các ngày lễ mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, đặc biệt là Hội hiếu vào ngày mùng 8 tháng 2, mùng 9 tháng 9 âm lịch, ngoài ý nghĩa tâm linh cũng mang tính cộng đồng sâu sắc bởi đây là dịp nhân dân trong các khu phố tụ tập về đền làm lễ cúng một cách tự nguyện, họ chia sẻ hỏi thăm những gia đình có tang ma trong năm đó. Sau mỗi buổi lễ, người dân cùng ăn uống, điều này cũng góp phần tạo nên sự gắn kết cộng đồng, tạo nên mối quan hệ gần gũi giữa các dòng họ.

VŨ HƯƠNG (st)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.