Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 06:36:39

Di sản hát Xoan và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Ngày đăng: 02/04/2020

QK2 – Theo truyền thuyết, các Vua Hùng đã có công trong thời kỳ dựng nước, người dân Phú Thọ đã sáng tạo hát Xoan và trình diễn tại các đình, đền, miếu thờ Vua Hùng vào dịp đầu xuân. Khởi nguồn từ dân gian và lưu truyền theo hình thức truyền khẩu, trải qua hàng nghìn năm lịch sử được cộng đồng gìn giữ, trao truyền, hát Xoan đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, nét sinh hoạt văn hóa mang đậm nét đặc trưng của người dân Phú Thọ và hát Xoan cũng đã gắn với nguồn gốc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Sĩ quan cơ quan Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ tham gia phần Lễ.

DI SẢN HÁT XOAN

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, hát Xoan là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, có sự tích hợp giữa văn học, âm nhạc, múa và diễn xướng; lối hát dân gian đặc sắc của người dân vùng đất Tổ Phú Thọ có nguồn gốc từ hình thức hát thờ các Vua Hùng, bắt nguồn từ việc thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt. Bà Nguyễn Thị Lịch, nghệ nhân hát Xoan xã Phượng Lâu, TP Việt Trì kể: Một cuộc trình diễn Xoan có 3 chặng: Hát thờ với những bài ca ngợi công đức các Vua Hùng, Thành hoàng làng; hát Quả cách với 14 Quả cách ngợi ca thiên nhiên, con người, lao động sản xuất; hát hội, với những bài bày tỏ tình yêu đôi lứa. Thông qua lời hát, điệu múa, họ bày tỏ lòng biết ơn, cầu khấn các vị Vua Hùng ban phúc cho dân, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi và cũng qua đó, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho lớp trẻ.

Ngày 24/11/2011, UNESCO đã ghi danh Hát Xoan Phú Thọ – Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Ngày 8 tháng 12 năm 2017, “Hát Xoan Phú Thọ, Việt Nam” đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Một buổi luyện tập hát Xoan tại xã Phượng Lâu, TP Việt Trì.

Hát Xoan Phú Thọ ngày nay càng gắn bó chặt chẽ với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với sự gắn kết hết sức độc đáo. Từ lịch sử ra đời, tên gọi, nguồn gốc và quá trình thực hành hát Xoan Phú Thọ đều gắn chặt và hòa quyện với các truyền thuyết thời Hùng Vương; lối trình diễn, sắp đặt bài bản, các chặng hát cũng tuân thủ theo nghi thức hát thờ các Vua Hùng một cách thành kính; các câu từ chúc tụng, ca ngợi công đức các Vua Hùng xuất hiện trong nhiều Quả cách xuyên suốt từ chặng hát thờ cho đến phần hát hội. Đặc biệt, hát Xoan hầu hết được thực hành trình diễn ở các di tích đình, đền thờ tự Hùng Vương. Đó chính là không gian diễn xướng, là chất sống đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản hát Xoan. Mối quan hệ chặt chẽ giữa hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng Hùng Vương đã tạo nên sức sống mãnh liệt để hai di sản cùng song song tồn tại, vượt thời gian, bền vững trong lịch sử.

ĐẠO LÝ “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN”

Kế tục truyền thống cao đẹp, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký “Sắc lệnh số 22/SL ngày 18 tháng 02 năm 1946”, cho “Những viên chức công nhật tòng sự tại các công sở có quyền được hưởng lương” trong 1 ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Tuất (1946) – năm đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm báo cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Nhà nước chính thể hóa với các quy định về tế lễ, dâng hương, các cơ quan Nhà nước chủ trì. Chính phủ cũng đã Quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, với nghi thức tưởng niệm thực hiện thống nhất trong cả nước theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Năm tròn: Tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cấp quốc gia. Tại Phú Thọ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; Chủ tịch nước là Chủ lễ dâng hương.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm trọng thể theo truyền thống văn hóa dân tộc. Phần lễ có nghi thức dâng hương hoa của các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, các tỉnh, thành được tổ chức trang nghiêm, thành kính. Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng. Từ trung tâm thờ tự các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh đến các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trong cả nước và nước ngoài đều đồng loạt tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch trang nghiêm, thành kính, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước. Lễ hội Đền Hùng trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đạt đến đỉnh điểm của sự thăng hoa để trở thành ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân.

Năm nay, trong điều kiện người dân cả nước đang chung sức phòng chống đại dịch Covid-19, UBND tỉnh Phú Thọ đã chủ động báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện điều chỉnh kế hoạch Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020.  Mặc dù điều chỉnh các nội dung, chương trình, song phần lễ vẫn đảm bảo tổ chức trang nghiêm, thành kính, an toàn, tiết kiệm. Các hoạt động phần Lễ chỉ tổ chức các nghi thức dâng hương, không tổ chức phần tế, hạn chế các thành phần dự và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Bài, ảnh: NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.