Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 10:31:41

Dẻo thơm bát cơm bộ đội

Ngày đăng: 09/11/2020

QK2 – Sau bữa cơm tạm tại thị trấn Phong Thổ (Lai Châu), gần 3 giờ vượt núi xuyên đèo, đoàn công tác chúng tôi vượt qua những cung đường quanh co, gập ghềnh, với hàng trăm khúc cua tay áo, phóng tầm mắt qua ô cửa kính cảm giác có chỗ đến rợn người bởi vực sâu, đường xấu, chúng tôi đã có mặt tại Sở chỉ huy của Đoàn Kinh tế – Quốc phòng (KT-QP) 356, đóng quân ở trung tâm xã Pa Vây Sử. Những áng mây cuối Thu bồng bênh cuốn núi, làm cho Pa Vây Sử thêm đẹp trong sự bao bọc của những dãy núi hùng vĩ. Trong ấm áp của tình cảm anh em, chỉ huy Đoàn KT-QP 356 cởi mở chia sẻ những công việc của đơn vị đã và đang làm hàng ngày để bám dân, bám bản.

Bộ đội Đoàn KT-QP 356 thăm, động viên các cháu lớp Mầm non bản Pờ Sa, xã Pa Vây Sử trong giờ ăn trưa.

Trong vô số câu chuyện “3 bám, 4 cùng, 5 có” mà Đại tá Nguyễn Văn Cường, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 356 chia sẻ với chúng tôi về việc giúp đỡ nhân dân kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, giúp các trường học, mở lớp học xóa tái mù chữ cho bà con dân bản…, chúng tôi ấn tượng về chuyện bộ đội của Đoàn chia sẻ bữa cơm trưa cho các cháu lớp mầm non ghép 3, 4, 5 tuổi cách đơn vị chừng 200m. Đại tá Nguyễn Văn Cường nhớ lại: Cách đây hơn hai năm, trên đường đi công tác khi mới đến lưng dốc gần đơn vị, tôi chứng kiến cảnh các cháu nhỏ ở địa phương leo dốc trời mưa đến lớp, không may có cháu bị trượt chân té ngã làm cơm độn ngô từ trong túi bắn tung tóe ra đường. Nhìn cảnh cháu vừa tự bò dậy vừa khóc và nhặt cơm mà trong lòng đau thắt. Ngay trưa hôm đó, tôi vào lớp học mầm non ghép 3, 4, 5 tuổi ở bản Pờ Sa để kiểm tra thực tế, thấy cảnh cơm độn và mèn mén nguội lạnh là khẩu phần ăn bữa trưa của các cháu mà không khỏi chạnh lòng.

Qua trao đổi với cô giáo Nguyễn Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường Mần non Pa Vây Sử, Đại tá Nguyễn Văn Cường được biết, Nghị định 06/2018/NĐ-CP ngày 5 tháng 1 năm 2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo là 149.000 đồng một cháu/tháng, số tiền này không thể đủ để mua cả lương thực, thực phẩm, mà chỉ bảo đảm để Trường mầm non mua phần thực phẩm, rau quả làm thức ăn trưa cho các cháu, vì thế các cháu phải mang cơm theo từ sáng. Cơm trưa các cháu mang theo cũng có cơm trắng, nhưng vẫn còn nhiều cơm độn sắn, độn ngô, thậm chí có cháu chỉ có mèn mén.

Câu hỏi đặt ra lúc này là phải làm gì đây, làm thế nào để các cháu có bữa ăn trưa bán trú để có sức học tập của luôn đau đáu trong suy nghĩ và Đại tá Nguyễn Văn Cường đã đưa nội dung này ra trao đổi bàn bạc trong lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và đề xuất hỗ trợ gạo để nấu cơm trưa cho các cháu. Thấu hiểu quan điểm, tình cảm hết lòng vì nhân dân phục vụ, tập thể lãnh đạo, chỉ huy Đoàn đồng lòng thống nhất. Những ngày đầu, cán bộ chỉ huy Đoàn góp tiền tài trợ để mua gạo, rồi anh em cứ thế làm theo. Từ đó, mỗi buổi trưa, nồi cơm của cán bộ, chiến sĩ của Ðoàn KT-QP 356 lại thêm phần cho hơn 20 cháu. Như mặc định cứ 10 giờ 30 hằng ngày anh em nuôi quân sẽ mang cơm, tận tay chia cơm và động viên các cháu.

Thượng tá Đinh Quang Hải, Phó Chính ủy Đoàn cho biết thêm: Bản Pờ Sa, xã Pa Vây Sử có 47 hộ gia đình người Mông, với hơn 300 nhân khẩu. Đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, 100% đều là hộ nghèo, cơm không đủ ăn, bởi thế việc cho con đến lớp, đến trường cũng là việc khó. Nhiều nhà còn chưa bao giờ nghĩ sẽ cho con đi học, bởi phần lớn thời gian trong ngày đều trên nương, trên rẫy vì cái đói, cái nghèo. Với mục đích là để các cháu có được bữa cơm nóng, cơm dẻo bảo đảm để tham gia học tập tốt hơn, vì thế toàn bộ anh em trong đơn vị ai đấy đều sẵn lòng chia sẻ. Từ khi có bữa cơm trưa của Đoàn, các cháu hứng thú phấn khởi muốn đi học. Từ 23 cháu cuối năm 2018 đến tháng 9 năm 2020, sĩ số của lớp Mầm non ghép đã lên hơn 30 cháu.

Chị Lầu Thị Dinh, bản Pờ Sa, xã Pa Vây Sử chia sẻ, gia đình tôi có 3 con thì 2 cháu là Vàng Thị Sinh 5 tuổi và Vàng Thị Dinh 3 tuổi đang học ở lớp Mầm non ghép này. Từ ngày được “bộ đội 356” giúp cho bữa cơm trưa, gia đình bớt đi vất vả, cả 2 con của tôi cũng không còn ốm vặt như trước. Cô giáo Quàng Thị San, Chủ nhiệm lớp Mầm non ghép 3, 4,5 tuổi bản Pờ Sa, xã Pa Vây Sử bộc bạch: Nhờ có bữa cơm của các chú bộ đội các cháu thích thú đến lớp hơn. 100% các cháu ở độ tuổi đều được phụ huynh đăng ký và đưa đến lớp; giáo viên chúng em chuyên tâm hơn vào công việc chăm sóc, dạy học, không còn lo đi đến từng nhà vận động người dân cho trẻ đến lớp, đến trường như trước nữa.

Chia tay người dân nơi miền biên viễn trong chúng tôi còn vẹn nguyên hình ảnh các cháu nhỏ ở lớp Mầm non bán trú hồn nhiên trong bữa ăn trưa; hình ảnh màu xanh của cán bộ, chiến sĩ và trí thức trẻ tình nguyện vồng tay căng ôm lúa giúp người dân thu hoạch mà vẫn phơi phới nụ cười; tận tình trong hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc các đàn gia súc, gia cầm… Màu xanh ấy đã bấy lâu nay thắp sáng một vùng biên, tạo ra những mùa màng bội thu, mang no ấm cho đồng bào. Để hơn hai năm qua, mỗi sáng sớm các gia đình trong bản Pờ Sa đưa con đến lớp không còn phải lo cái ăn trưa cho các cháu, mà vẫn có cơm dẻo, thức ăn nóng. Tình quân dân lại dẻo thơm qua từng bát cơm nghĩa tình. Những việc làm thiết thực ấy đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin cho đồng bào vào tinh thần trách nhiệm của LLVT, để mỗi gia đình thêm yêu bản làng, cùng đồng hành với bộ đội bám biên. Phẩm chất và hình ảnh cao quý Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân lại được Đoàn KT-QP 356 tỏa sáng nơi miền sơn cước.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.