Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 01:42:28

Đánh giá cán bộ sát, đúng, thực hiện chặt chẽ công tác luân chuyển

Ngày đăng: 15/05/2018

QK2 – Quân khu nằm ở phía Bắc, Tây Bắc của Tổ quốc là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Nhiệm vụ của LLVT Quân khu đã và đang đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cao trong công tác tổ chức, xây dựng, quản lý và chỉ huy; trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc…

Để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, công tác cán bộ (CTCB) và xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB)  có ý nghĩa chiến lược, vai trò quyết định.

Đồng chí Tư lệnh và Chính ủy Quân khu trao quyết định và tặng hoa chúc mừng cán bộ nhận quyết định điều động, bổ nhiệm quý 1 năm 2018.       Ảnh: VŨ THƯ

Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu thường xuyên quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, kết luận của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về xây dựng ĐNCB và tiến hành CTCB; xác định CTCB là nội dung quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng; trong đó, công tác quy hoạch là khâu quan trọng, then chốt, qua đó phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng đưa vào quy hoạch; đồng thời có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, để rèn luyện, thử thách, tạo nguồn cán bộ; thực hiện tốt luân chuyển gắn với quy hoạch, đào tạo cán bộ.

Với đặc điểm quân khu miền núi, biên giới, có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chỉ huy các cấp xác định, công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ chiến lược trong CTCB; luôn chủ động tạo nguồn bồi dưỡng, quy hoạch; những năm qua, đã bố trí sắp xếp từ 1 đến 2 cán bộ người DTTS là cán bộ chỉ huy tại Bộ CHQS các tỉnh, Ban CHQS các huyện biên giới, miền núi có đông đồng bào các DTTS; bảo đảm tỷ lệ từ 18% đến 20% cán bộ là người DTTS ở các tỉnh vùng cao, biên giới.

Công tác quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý ở Quân khu được tiến hành đồng bộ, thống nhất, bảo đảm tính liên thông, có tính khả thi cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Những năm qua và hiện nay, ĐNCB của Quân khu luôn vững mạnh, trưởng thành về mọi mặt. Lớp cán bộ hiện tại có bản lĩnh chính trị vững vàng, được rèn luyện qua thực tiễn, có kinh nghiệm chỉ huy, quản lý; hầu hết đào tạo đúng cương vị, có tuổi đời phù hợp. Lớp kế cận, kế tiếp có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động, sáng tạo, triển vọng phát triển tốt.

Triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, hướng dẫn của Trung ương về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ ở Quân khu đã khẳng định: Quy hoạch cán bộ là một nội dung trọng yếu của CTCB, bảo đảm CTCB được chủ động, có nền nếp, có tầm nhìn xa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài; đồng thời, phải chủ động làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, khắc phục tình trạng bị động, lúng túng trong CTCB, nhất là trước mỗi kỳ đại hội Đảng các cấp. Trong quy hoạch, quan trọng nhất là việc đánh giá, nhận xét chính xác cán bộ, để phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng. Đây là tiền đề căn bản để xây dựng quy hoạch cán bộ có chất lượng, hiệu quả. Quá trình thực hiện phải bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, dân chủ, công khai; phát huy trí tuệ tập thể trong đánh giá, nhận xét đúng và thực chất cán bộ.

Để nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ, bảo đảm chính xác và thực chất, nhất là theo các quy định mới của Trung ương, Đảng ủy Quân khu xác định, phải xây dựng, cụ thể hóa tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng lượng hóa tối đa các tiêu chí đánh giá; phân cấp mạnh cho các cấp quản lý đánh giá, gắn trách nhiệm và phát huy vai trò của cấp ủy, người đứng đầu các cấp, của các tổ chức quần chúng… trong nhận xét, đánh giá cán bộ. Nội dung nhận xét, đánh giá tập trung vào tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, phương pháp làm việc; tinh thần trách nhiệm; năng lực, trình độ, mức độ thực hiện chức trách, nhiệm vụ, gắn với tiêu chuẩn, chức vụ cán bộ; lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách và của cơ quan, đơn vị cán bộ được phân công phụ trách làm “thước đo” chính, đồng thời phát huy vai trò của các tổ chức, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của mỗi cá nhân; bảo đảm việc nhận xét, đánh giá cán bộ ngày càng thực chất, góp phần nâng cao tính khả thi trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ.

 Quá trình nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm luôn kết hợp chặt chẽ với đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên; bảo đảm đúng các bước theo quy trình; gắn với tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cùng với đó, Đảng ủy Quân khu chỉ đạo khắc phục một số hạn chế trong đánh giá cán bộ, như: Một số cấp ủy chưa nắm chắc chất lượng ĐNCB, chưa bám sát tiêu chuẩn chức danh; đánh giá cán bộ chưa sâu, chưa sát, chưa đầy đủ; một số nơi còn có biểu hiện cục bộ, né tránh, nể nang; chưa làm rõ thực chất mạnh, yếu, hoặc thiên về đánh giá ưu điểm, chưa nêu rõ hạn chế, khuyết điểm của cán bộ; do vậy chất lượng nguồn đưa vào quy hoạch ở một số nơi có mặt còn hạn chế.

Cùng với chú trọng quy hoạch, tạo nguồn, Thường vụ Đảng ủy Quân khu xác định, thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ sẽ góp phần tích cực đào tạo, bồi dưỡng, thử thách và rèn luyện cán bộ; đồng thời khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, trì trệ… trong CTCB và trong chính ĐNCB; đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ luân chuyển; xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức thực hiện bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, công bằng; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng tu dưỡng, cán bộ trong quy hoạch được thử thách, rèn luyện thực tiễn; đồng thời để tạo nguồn cán bộ. Công tác luân chuyển cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; qua luân chuyển góp phần khắc phục tình trạng thừa-thiếu cán bộ và cục bộ, khép kín trong quy hoạch; bố trí cân đối, hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với phát triển nguồn cán bộ tại chỗ, bảo đảm cơ cấu và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Đội ngũ cán bộ các cấp luôn thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Ảnh: VŨ THƯ

Thông qua hoạt động thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong quá trình luân chuyển để cấp ủy các cấp đánh giá, nhận xét đúng cán bộ; thực hiện luân chuyển cán bộ từ cơ quan, nhà trường về đơn vị; từ đơn vị chủ lực, đủ quân về đơn vị bộ đội địa phương và ngược lại; kết hợp luân chuyển cán bộ với xây dựng kế hoạch cử cán bộ đi đào tạo bồi dưỡng tại các học viện, nhà trường, qua đó việc bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ bảo đảm khách quan, chính xác, đúng người, đúng việc, phát huy hiệu quả cao nhất. Thông qua luân chuyển, đặc biệt là hoạt động thực tiễn ở những nơi khó khăn, gian khổ, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém… tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ luân chuyển (nhất là cán bộ trẻ có triển vọng) phát huy năng lực, sở trường, chuyên môn, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn; bổ sung kiến thức, phát triển toàn diện.

Đảng ủy Quân khu xác định, thực hiện luân chuyển cán bộ phải dựa trên cơ sở quy hoạch, thực hiện tốt quy định về quản lý, giám sát đối với cán bộ luân chuyển; khắc phục một số tồn tại, hạn chế, như: Đưa đi luân chuyển theo kiểu “dán mác”, hoặc “đẩy-nhận”; luân chuyển cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý chưa thường xuyên; việc phối hợp trong quản lý, kiểm tra, giám sát, nhận xét đánh giá cán bộ luân chuyển (giữa đơn vị luân chuyển đi và đến) đôi khi chưa chặt chẽ, chưa khách quan, kết luận thiếu cụ thể, gây khó khăn cho việc bố trí, sắp xếp cán bộ sau luân chuyển…

  Thiếu tướng TRỊNH VĂN QUYẾT

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.