Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 08:53:28

“Dân vận khéo” trong dồn thửa, đổi ruộng ở Cao Đại

Ngày đăng: 28/08/2020

QK2 – Triển khai thực hiện Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về công tác dồn thửa đổi ruộng trong nông nghiệp,  Cao Đại là 1 trong 2 xã của huyện Vĩnh Tường được chọn thí điểm dồn thửa đổi ruộng (DTĐR) trên địa bàn toàn tỉnh từ năm 2017. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, song Đảng ủy xã Cao Đại đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, quyết liệt trong chỉ đạo, tạo sự đồng thuận cao với người dân. Đạt được kết quả đó là do có những giải pháp “Dân vận khéo” đã giúp DTĐR thành công.

Kỳ 1: Cán bộ, đảng viên tiên phong làm trước

 

Xã Cao Đại là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, thuộc diện đất bãi của huyện Vĩnh Tường, có tổng diện tích tự nhiên 585,18ha, trong đó đất nông nghiệp 364 ha, với 1.262 hộ, gần 6 nghìn nhân khẩu. Đảng bộ xã có 327 đảng viên sinh hoạt tại 12 chi bộ. Ngành nghề chủ yếu của người dân là trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, hệ thống đồng ruộng ở Cao Đại được chia từ nhiều năm trước nên rất manh mún, nhỏ lẻ, người dân canh tác chủ yếu theo lối truyền thống, thô sơ, lấy sức người là chính. Trong đó có một số gia đình cán bộ, đảng viên cũng rơi vào cảnh tương tự.

Cán bộ xã Cao Đại tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ chủ trương DTĐR.

Thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện và cũng để tạo thuận lợi cho nhân dân trong quá trình canh tác, mở rộng phát triển quy mô lớn và áp dụng công nghệ, cơ giới vào trồng trọt, Đảng ủy xã Cao Đại đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc và các tiểu ban, phân công giao nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên. Đội ngũ cán bộ nêu cao trách nhiệm, gương mẫu thực hiện và tuyên truyền vận động gia đình, người thân, dòng họ để từng người hiểu rõ những lợi ích lâu dài từ việc DTĐR. Các tiểu ban và tổ giúp việc tổ chức họp bàn, tiếp xúc, trao đổi tìm phương án DTĐR, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng thôn, xóm với tinh thần công khai, minh bạch. Trong đó Đảng ủy xã yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện việc DTĐR. 

Tuy nhiên, việc tổ chức, cách thức dồn đổi sao cho hợp tình, hợp lý là cả một vấn đề nan giải, cần được giải quyết một cách thấu đáo, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Bởi mỗi nơi mỗi khác, không có một kịch bản, khuôn mẫu chung nào cho việc DTĐR. Trước khi đổi ruộng, bình quân mỗi hộ gia đình làm nông nghiệp ở Cao Đại có nhiều thửa ruộng nằm rải rác ở các cánh đồng khác nhau, có thửa rộng chỉ vài mét vuông, rất khó áp dụng cơ giới như máy cày bừa, máy gặt, máy cấy.

Ban Thường vụ Đảng ủy xã Cao Đại dành nhiều thời gian họp, bàn, thành lập Ban chỉ đạo và các tổ giúp việc; đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về những lợi ích lâu dài của việc DTĐR mang lại. Các chi bộ tổ chức họp bàn, thống nhất cao về chủ trương, phương án thực hiện. Đội ngũ cán bộ, công chức của xã dành nhiều thời gian gặp gỡ, đối thoại với nhân dân, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết.

Thông qua nhiều cuộc họp, Bí thư Đảng ủy xã Cao Đại Đỗ Thị Sáng đề nghị từng đồng chí cán bộ, đảng viên, công chức nêu gương, quyết tâm thực hiện mục tiêu dồn thửa, đổi ruộng. Tuy nhiên, ngày đầu họp khu dân cư bàn về việc dồn thửa, đổi ruộng, một số người không tán thành vì ruộng đồng đang ổn định, không muốn xáo trộn; một số gia đình khác toàn “bờ xôi ruộng mật” do cha ông để lại, càng không muốn “rũ rối” ra để chia, bởi biết đâu nhà mình nhận phải ở những thửa đất xấu, hay ngập úng. Trước tình hình đó, ngay trong cuộc họp đầu tiên, đại diện gia đình đồng chí Đỗ Thị Sáng xin nhận toàn bộ diện tích ruộng ở khu vực được cho là xấu nhất cánh đồng. Cứ thế, gia đình các đồng chí cán bộ, đảng viên khác cũng tự nguyện nhận những mảnh ruộng xa nhất, khó khăn nhất để làm gương và chủ trương dồn thửa, đổi ruộng của xã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Tổ giúp việc và các tiểu ban phân công giao nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên. Đội ngũ cán bộ nêu cao trách nhiệm, gương mẫu thực hiện và tuyên truyền vận động gia đình, người thân, dòng họ ủng hộ chủ trương này. Các tiểu ban và tổ giúp việc tổ chức họp bàn gần 20 lần, tiếp xúc, trao đổi tìm phương án DTĐR, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng thôn, xóm. Sau nhiều kỳ họp, tổ giúp việc và ban chỉ đạo tiếp tục tiến hành đối thoại với nhân dân trên tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân.

Ông Nguyễn Văn Dung, Bí thư chi bộ thôn Phú Thọ trong họp chi bộ đã đề nghị các đảng viên có diện tích đất ruộng gương mẫu thực hiện việc DTĐR. Theo đó 100% đảng viên của chi bộ đã đồng ý và tình nguyện giao ruộng cho địa phương chia lại từ đầu. Nhưng một số quần chúng nhân dân còn băn khoăn do dự, lo sợ nhà mình nhúp phiếu phải những cánh đồng xa hoặc bị ngập úng. Ông Dung phải đến từng nhà gặp gỡ, phân tích thuyết phục. Với tình cảm và uy tín của mình ông Dung đã vận động được những hộ dân đồng tình ủng hộ chính quyền.

Theo đồng chí Đặng Quốc Phương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cao Đại, để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, trước tiên các chi bộ rồi đến MTTQ, các hội, đoàn thể như hợp tác xã, cựu chiến binh, phụ nữ họp thống nhất về chủ trương, cách làm. Cán bộ chủ trì các đầu ngành có trách nhiệm làm dân vận chính những hội viên của mình trước theo hướng “mưa dầm thấm lâu”, “trong nhà rõ ngoài ngõ mới thông”; ai băn khoăn điều gì giải thích rõ nội dung đó; khi bắt tay vào làm chỉ bàn tiến không bàn lui; coi công tác tuyên truyền, vận động là chủ công để chuyển tải những đường lối, chủ trương của cấp ủy đảng đến với người dân, từ đó dân hiểu, dân tin và làm theo.

Bài, ảnh: ĐÀO THÚY QUỲNH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.