Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 01:27:47

“Dân vận khéo” trong dồn thửa, đổi ruộng ở Cao Đại

Ngày đăng: 04/09/2020

Kỳ 2: Đồng thuận là “cha đẻ” của thành công

 

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ban ngành, đoàn thể, sự đồng tình ủng hộ của người dân; sự tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nên công tác DTĐR ở Cao Đại từ khó khăn chuyển sang thuận lợi. Đồng thuận là “cha đẻ” của thành công không chỉ trong DTĐR mà mọi công việc khác cũng vậy. Cán bộ, đảng viên quyết tâm cao, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào hệ thống chính trị ở địa phương nên công cuộc DTĐR ở Cao Đại thành công hơn cả mong đợi.

Nhờ dồn thửa đổi ruộng thành công người dân xã Cao Đại đã áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cao Đại bật mí, khi người dân đồng thuận, các thôn, xóm tiến hành họp dân để bình ruộng, chấm điểm và quy hoạch đánh giá từng xứ đồng. Tiếp đến mới tổ chức cho người dân bốc thăm phiếu, có sự theo dõi, giám sát của cán bộ xã, thôn, hợp tác xã nông nghiệp và địa chính; thu thập toàn bộ tài liệu, hồ sơ, bản đồ, sổ sách liên quan đến đất ruộng của xã; tài liệu về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, sổ mục kê, sổ quy chủ, sơ đồ giao ruộng ở thôn, danh sách chia ruộng theo Nghị định 64 năm 1993 của Chính phủ về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích nông nghiệp; danh sách các hộ đã chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng, chia tách, kế thừa đất nông nghiệp hợp pháp; phát phiếu cam kết dồn thửa đổi ruộng đến từng gia đình, điều tra ruộng đất của từng hộ; khảo sát thực tế tại thực địa, thống nhất đối chiếu giải quyết từng cánh đồng, từng gia đình, khó khăn đến đâu giải quyết đến đó; xử lý một số trang trại đã xây dựng chăn nuôi từ nhiều năm trước và tiến hành san gạt bờ cõi, mương máng cũ để tạo mặt bằng; xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương đảm bảo cho việc tưới tiêu thuận tiện. Tiếp đó, xã tiến hành quy hoạch trên sơ đồ, đánh số, ký hiệu từng thửa ruộng và từng thôn xóm tiến hành bố thăm phiếu. Người nào bốc thăm phiếu xong cũng phải ký nhận vào lá phiếu và sổ theo dõi của xã để đến khi ra thực địa không ai từ chối hoặc chê chất lượng ruộng nữa. Được hộ nào là địa chính vào sổ sách, người dân ký nhận chăng dây, đóng cọc chốt danh sách. Làm đến đâu chắc đến đó, không làm vội, làm ẩu, tất cả có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của người dân.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Bí thư chi bộ thôn Đại Định, xã Cao Đại cho rằng, việc DTĐR giống như một cuộc cách mạng về ruộng đất, nếu không có quyết tâm cao, tiến hành chặt chẽ, đồng bộ và công khai minh bạch thì khó có thể hoàn thành được. Trong gần một năm tiến hành làm công tác DTĐR cũng là khoảng thời gian cán bộ, công chức của địa phương chịu rất nhiều áp lực, vì đất đai là tài sản, là công cụ sản xuất đã gắn bó từ bao đời của người dân. Nhiều cán bộ, đảng viên làm việc cả giờ nghỉ, ngày nghỉ, buổi tối họp, sáng ra thực địa tại cánh đồng, không quản ngại khó khăn vất vả, chấp nhận áp lực để hoàn thành mục tiêu dồn thửa, đổi ruộng đã đề ra. Nhưng khi dân đã đồng thuận thì dù khó khăn đến mấy cũng sẽ hoàn thành.

Chương trình dồn thửa đổi ruộng trên địa bàn xã Cao Đại đã thành công ngoài mong đợi. Nhân dân rất phấn khởi nhận ruộng đồng thời bắt tay ngay vào sản xuất, canh tác. Nhiều người đã làm chủ mảnh ruộng của mình với phương thức sản xuất mới, theo hướng chuyên canh, tập trung quy mô lớn, phù hợp với điều kiện đất đai, lợi thế canh tác của từng loại đất, thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân, ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết thêm.

Bà Trần Thị Đích, thôn Đại Định chia sẻ, sau khi chia ruộng thành công, chúng tôi đã làm được bốn vụ chính, ba vụ màu, tất cả đều sử dụng được hệ thống máy móc, từ làm mạ, làm đất cho đến gieo cấy, thu hoạch, không còn vất vả, làm thủ công “con trâu đi trước cái cày theo sau” như trước nữa. Đặc biệt, chi phí nhân công giảm 30-40%, năng suất tăng lên từ 10-15% (trước chỉ đạt từ 2, 2 tạ/ sào thì nay đạt 2,7 tạ/ sào). Một số diện tích đất trũng được chính quyền cho phép chuyển đổi sang nuôi thủy sản, trồng chuyên canh rau quả đem lại lợi nhuận kinh tế cao.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đỗ Thị Sáng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cao Đại khẳng định: DTĐR là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn vất vả, vì phải giải quyết cả về tư tưởng và quyền lợi của người dân sao cho hài hòa, vừa đúng quy định, vừa có lợi cho tập thể và người dân. Song với quyết tâm chính trị cao, đặc biệt là đã áp dụng hiệu quả “Dân vận khéo” nên đã biến từ chủ trương thành hiện thực. Qua hơn 2 năm canh tác đã thấy rõ những ý nghĩa to lớn từ DTĐR đem lại, dần từng bước hình thành những cánh đồng mẫu lớn, chuyên canh các loại cây, rau củ quả chất lượng cao.

Bài, ảnh: ĐÀO THÚY QUỲNH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.