Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 01:06:48

“Đặc sản” tiếng Khèn bè Yên Châu

Ngày đăng: 15/10/2018

QK – Từ lâu, chiếc khèn bè đã gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc nói chung và đồng bào Thái Yên Châu (Sơn La) nói riêng. Những làn điệu mượt mà, say đắm của khèn bè đã tạo nên nét đặc trưng văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào nơi đây.

Một buổi sinh hoạt văn hóa khèn bè của Hội bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, bản Huổi Mong, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, Sơn La.

Khèn bè là một loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào Thái, khèn có cấu tạo rất đặc biệt, được làm từ cây nứa, bao gồm một tẩu thổi (ống thổi) hình trụ dẹt dài khoảng 13cm đến 14cm và 14 ống nứa chập thành 7 đôi, mỗi đôi có độ dài khác nhau và kết lại thành bè theo hình bậc thang, do đó, tên gọi khèn bè cũng được bắt nguồn từ đây. Bên trong 14 ống nứa, ở vị trí của ống thổi, có 12 lưỡi khèn mỏng, hình dẹt dài khoảng 2cm đến 2,5cm được làm bằng đồng hoặc bạc trắng để tạo ra những âm thanh (nốt nhạc) khác nhau của chiếc khèn.

Ngồi dưới nếp nhà sàn bên chiếc khèn bè, nghệ nhân Lò Văn Phớ, Hội trưởng Hội bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, bản Huổi Mong, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu cho biết: “Theo phong tục ngày xưa, chiếc khèn bè được các chàng trai dân tộc Thái thổi để tỏ tình, mời gọi người yêu, kết duyên nên vợ, nên chồng. Ngày nay, khèn bè được sử dụng phổ biến trong đời sống văn hóa tinh thần và sinh hoạt cộng đồng, là một nhạc cụ không thể thiếu trong hoạt động văn hóa, văn nghệ như: Làm nhạc nền cho múa, nhạc đệm cho các bài hát, dùng trong hát giao duyên – đối đáp, hay ngày lễ, tết, hội thi và những cuộc vui liên hoan của bản.

Làn điệu khèn bè truyền thống được chia ra thành bốn làn điệu cơ bản, mỗi làn điệu có nét độc đáo riêng và được sử dụng trong những trường hợp khác nhau. Làn điệu thứ nhất là nhạc dạo, thường được dùng để làm lời mở khi hát hoặc sử dụng trong các điệu múa. Làn điệu “siếng ẹt”, thể hiện tâm trạng đang vui của người thổi khèn, thường được các chàng trai Thái thổi trong quãng đường từ nhà mình sang nhà người yêu, hoặc thổi dạo chơi trong bản vào những ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc.

Vừa biểu diễn xong một làn điệu mượt mà cho người trong bản nghe, nghệ nhân Lò Văn Phớ giới thiệu: “Đó là làn điệu “Siếng thuôn” của đồng bào mình đấy. Làn điệu “Siếng thuôn” được chia ra thành hai âm khác nhau là âm thấp và âm cao, tiếng khèn cất lên để thể hiện tình cảm gần gũi, yêu thương cháy bỏng và một niềm khao khát về tương lai. Vào thời điểm gà gáy canh ba, khi những làn sương giăng kín mái nhà sàn, các chàng trai khi đến chân cầu thang nhà người yêu thường thổi làn điệu này để “púc sáo” (gọi người yêu), hay thổi tỏ tình với người yêu bên nếp nhà sàn. Đây cũng là làn điệu mang nét đặc trưng riêng, các cô gái nghe để phân biệt đâu là người yêu của mình thổi, vì mỗi người có một phong cách thổi khác nhau.

Trong khèn bè còn có làn điệu “siếng khen xe” (tiếng khèn xòe) thể hiện tinh thần tập thể, gắn kết cộng đồng, khi “siếng khen xe” được cất lên thì cũng là lúc vòng xòe trong cuộc vui được bắt đầu. Làn điệu này thường được kết hợp với nhịp trống, nhịp chiêng, hòa hợp thành một giai điệu tổng hợp, mượt mà, vui nhộn, mang đậm sắc mầu riêng của núi rừng Tây Bắc.

Bên những cánh rừng ban, từng đôi nam thanh, nữ tú trong bản thường lấy tiếng khèn bè cùng điệu múa xòe để đối đáp giao duyên đắp xây hạnh phúc. Tiếng khèn bè còn là lời tâm tình trò chuyện, chuyển chở những ước muốn của đồng bào nơi miền núi cao. Những làn điệu khèn bè ấm áp thân thuộc đã trở thành “đặc sản” văn hóa, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái vùng núi cao Tây Bắc.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.