Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 07:49:32

Công bố 5 tập Văn kiện Đảng toàn tập (tập 55 đến tập 59)

Ngày đăng: 12/09/2015

Sáng 11-9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật đã tổ chức họp báo, công bố 5 tập Văn kiện Đảng toàn tập (từ tập 55 đến tập 59). Tham dự buổi họp báo có các đồng chí: Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng; Phạm Văn Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Phong Hà – Quyền Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật; Hoàng Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng…

Đồng chí Hoàng Phong Hà giới thiệu về 5 tập Văn kiện Đảng toàn tập tại buổi họp báo.

Đồng chí Hoàng Phong Hà giới thiệu về 5 tập Văn kiện Đảng toàn tập tại buổi họp báo.

Phát biểu giới thiệu quá trình biên soạn, xuất bản 5 tập Văn kiện Đảng toàn tập (từ tập 55 đến tập 59), đồng chí Hoàng Phong Hà – Quyền Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, Ủy viên Hội đồng xuất bản, Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng bản thảo Văn kiện Đảng toàn tập (1996-2010) cho biết: Năm tập Văn kiện Đảng toàn tập được thực hiện theo quy trình hết sức công phu, nghiêm túc, chặt chẽ từ khâu xây dựng bản thảo, biên tập đến in ấn. Nội dung và hình thức các tập văn kiện đáp ứng các yêu cầu: Chính xác, khách quan, tương đối đầy đủ, toàn diện, có hệ thống và bảo đảm tính khoa học, tính chính trị, trung thành với bản gốc.

Theo đồng chí Hoàng Phong Hà, 5 tập Văn kiện Đảng toàn tập (tập 55 – 59) phản ánh khá đầy đủ, toàn diện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong những năm 1996 – 2000. Trong giai đoạn này, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, tình hình đất nước ta đã có nhiều chuyển biến quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Thông qua nội dung 5 tập sách có thể thấy rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về các nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu trong thời kỳ này.

Văn kiện Đảng toàn tập từ tập 55 đến tập 59 có số lượng tài liệu phong phú, đa dạng. Qua quá trình xác minh, chọn lọc của các nhóm xây dựng bản thảo, Hội đồng và Ban Chỉ đạo đã lựa chọn 442 tài liệu đưa vào xuất bản trong 5 tập, tương ứng với 3.152 trang in (khổ sách 15 x 22cm), trong đó phần văn kiện chính gồm 416 tài liệu và phần phụ lục gồm 26 tài liệu.

Thành phần tài liệu trong các tập bao gồm: Tài liệu của các Đại hội đại biểu toàn quốc, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các tài liệu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; những bài nói, bài viết quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư. Trong 5 tập văn kiện xuất bản lần này, chiếm số lượng nhiều nhất là loại văn bản thông báo ý kiến kết luận của Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị (chiếm trên 50% tổng số tài liệu).

Các tài liệu thuộc phần văn kiện chính được sắp xếp theo trật tự thời gian; các tài liệu hội nghị được sắp xếp theo trình tự diễn biến của hội nghị và các văn kiện liên quan. Đối với một số vụ việc, vấn đề được sắp xếp theo trình tự giải quyết (tất cả đều có chú thích để bạn đọc tiện theo dõi); từng văn kiện được trình bày thống nhất theo trình tự: thể loại văn bản, tác giả, số, ký hiệu, ngày tháng ban hành tài liệu, trích yếu nội dung.

Tại buổi họp báo, đồng chí Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng Xuất bản, Ủy viên Ban chỉ đạo xây dựng bản thảo Văn kiện Đảng toàn tập (1996-2010) cũng cho biết:Tiếp theo 54 tập Văn kiện Đảng toàn tập đã được hoàn thành vào năm 2007, 15 tập Văn kiện Đảng toàn tập (giai đoạn 1996 – 2010) được xuất bản lần này tập hợp tương đối đầy đủ, có hệ thống các văn kiện của Đảng nhằm góp phần phản ánh khách quan quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, tiếp tục góp phần làm sáng rõ vai trò của Đảng trong lịch sử cách mạng của dân tộc. Cung cấp những tư liệu lịch sử xác thực và có hệ thống cho công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; nghiên cứu xây dựng, phát triển đường lối của Đảng; nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Giúp cho các cấp, các ngành, các địa phương và các tổ chức đảng có điều kiện thuận lợi trong việc tìm hiểu, nắm vững, quán triệt, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.