Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 12:41:46

Có một Trung đoàn mang tên Sơn La

Ngày đăng: 21/12/2018

QK2 – Hơn hai mươi năm trước, tốt nghiệp sĩ quan, tôi được trên điều động về Trung doàn 148, Sư đoàn 316 nhận nhiệm vụ. Khoác ba lô về đơn vị đúng vào dịp Trung đoàn vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia phục vụ Lễ Kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 trên quê hương cách mạng Tân Trào, cảm giác tự hào, xúc động còn lâng lâng trong mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Tập thể cán bộ, chiến sĩ hòa đồng trong môi trường văn hóa quân sự tại Trung đoàn 148.

Tôi không mường tượng một đơn vị đóng quân ở một huyện miền núi, trung du lại có địa thế bằng phẳng và đẹp như vậy. Nơi cửa ngõ thủ đô gió ngàn Việt Bắc, những dãy doanh trại dù đã cũ kỹ nhưng có bàn tay chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ trở nên ấm cúng. Tuy nhiên, mùa thu ấy nước lụt lớn. Hai đợt lụt đã rút hết nhưng hằn trên những bức tường rào, tường nhà và gốc cây là những ngấn nước, cao ngang ngực, ngang bụng. Do lụt lội, các đại biểu, cán bộ chiến sĩ lên Tân Trào phục vụ lễ kỷ niệm lớn phải di chuyển gằng xuồng hoặc hành quân vòng tránh. Cả đơn vị cùng làng, xã, đường phố chìm trong biển nước mênh mông. Cán bộ, chiến sĩ bảo, nước ngập vào đơn vị, sợ nhất là ướt gạo và vũ khí, trang bị, ảnh hưởng đến nhiệm vụ; quần áo, quân tư trang cá nhân có chìm trong nước chẳng nề hà gì. Thứ hai là nước đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân. Bộ đội vừa tự cứu mình, vừa tham gia giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Riêng về chuyện lũ ở thành phố Tuyên Quang thời ấy là chuyện thường niên, hầu như năm nào cũng một vài cơn lũ. Nước sông Lô dâng đầy, bị ùn ứ bởi sông Chảy, sông Đà, sông Hồng phía hạ lưu, không rút kịp nên dâng cao lên mãi. Để khắc phục, các cấp lãnh đạo, chỉ huy, địa phương bàn thảo, có một phương án được đề xuất là xây đê kè quanh đơn vị Quân đội, rồi suy xét thấy không ổn. Ai lại chỉ lo một mình, còn dân lụt thì ai lo…

Rồi thủy điện Na Hang, Tuyên Quang dần hình thành. Những cơn lũ thường niên lùi dần. Hằng năm nếu có lũ cũng chỉ là cục bộ. Tuy nhiên sống chung với lũ, chuyện chống lũ là một trong những ấn tượng đầu đời sĩ quan của tôi cùng lớp cán bộ, chiến sĩ thời ấy.

Ấn tượng thứ hai của tôi về Trung đoàn 148 là một đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nhưng lại mang tên Trung đoàn Sơn La. Lá cờ truyền thống thêu trang trọng: “Trung đoàn Sơn La anh dũng”, là danh hiệu Bác Hồ đã tặng cho Trung đoàn nên càng thiêng liêng, cao quý.

 Hơn 70 năm trước, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ địa bàn chiến lược Tây Bắc ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 22-12-1945, tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, Chi đội 3 (còn gọi là Chi đội 3 Sơn La), sau lấy phiên hiệu là Trung đoàn 148 được thành lập, với nhiệm vụ ban đầu là ngăn chặn, làm chậm bước tiến của quân xâm lược ở vùng Tây Bắc và cùng cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.  Trung đoàn đã tích cực tham gia xây dựng hậu phương căn cứ địa, các đợt hoạt động và các chiến dịch trong Thu – Đông 1947-1948, Đông – Xuân 1948-1949, Lê Hồng Phong 1950, chiến dịch Lý Thường Kiệt, Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Dấu chân và những thành tích chiến đấu của Trung đoàn từng in sâu và âm vang trên nhiều địa bàn: Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang và Phong Sa Lỳ của nước Bạn Lào.

Hoàn thành vẻ vang nghĩa vụ quốc tế cao cả với cách mạng Lào, Trung đoàn góp phần giải phóng và bảo vệ vững chắc Sầm Nưa, Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng… Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, trong đội hình Sư đoàn 316, Trung đoàn 148 đã tham gia đánh trận Buôn Ma Thuột – trận mở màn then chốt của chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Tiếp đó là chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong sự nghiệp xây dựng Quân đội theo hướng "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", Trung đoàn đã nhiều năm liền là lá cờ đầu của Quân khu cũng như của toàn quân. Trung đoàn 2 lần được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND dân, 5 tập thể và 4 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND và được Nhà nước Cộng hoà DCND Lào tặng thưởng Huân chương I-xa-la.

Tại xã Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La, nhà bia ghi dấu nơi Trung đoàn ra đời đã được dựng lên trở thành một thiết chế văn hóa lịch sử, được ngành văn hóa địa phương quản lý, phát huy hiệu quả giáo dục truyền thống. Logo gắn ở cổng Trung đoàn cũng như nhiều hoạt động của đơn vị vẫn thường sử dụng biểu tượng cánh hoa ban, một loài hoa đặc trưng vùng Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng; một dấu ấn văn hóa rất riêng hun đúc cho cán bộ, chiến sĩ tình yêu mến Trung đoàn mang tên Sơn La.

Những năm gần đây, ai có dịp về lại Trung đoàn 148 thì không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay của cảnh quan đơn vị. Nhiều đồng đội từng công tác ở Trung đoàn thốt lên “Đúng là khuôn viên xanh nởi cửa ngõ thủ đô kháng chiến”. Quả đúng vậy, chẳng còn nhận ra những mái nhà xưa cũ rêu phong, tường rào do bàn tay chiến sĩ tự tạo; không thấy cỏ dại tự nhiên. Dạo quanh khuôn viên, giữa một không gian thoáng đãng ngút tầm mắt, ngắm những vườn hoa, thảm cỏ, tiểu cảnh, khẩu hiệu, hồ bơi, đường trải bê tông thẳng tắp. Ao cá được xây kè vững chắc, đẹp mắt. Bức phù điêu hoành tráng – một trong những thiết chế giáo dục truyền thống của đơn vị ngay sát nhà truyền thống nằm chính giữa. Sân vận động, doanh trại của các cơ quan, tiểu đoàn và đại đội làm dịu mát không gian văn hóa quân sự.

Chứng kiến tác phong hoạt động của cán bộ chiến sĩ trong doanh trại nền nếp, chính quy “đâu ra đó” mà lòng nao nao. Ngày nghỉ, gia đình, người thân cán bộ, chiến sĩ đến thăm, động viên con em làm nhiệm vụ, đi dạo trong công viên chiến sĩ hẳn sẽ tự hào, tin tưởng vào sự trưởng thành của con, em mình vì được rèn giũa trong môi trường văn hóa rất đặc trưng mà gần gũi.

Bài, ảnh: ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.